Tín hiệu vui từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Thời gian qua, huyện Đức Trọng đã khuyến khích bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.
Nhiều mô hình được triển khai
Năm 2020, ông Nông Văn Sinh - Hợp tác xã (HTX) Cao Nguyên Xanh Lâm Đồng - đã dành 5 sào đất trong tổng số đất canh tác rau màu của mình để trồng rau hữu cơ, với các loại rau như cải thìa, cải rổ, xà lách. “Từ lúc triển khai mô hình này đến nay, chúng tôi đã thu hoạch được 2 vụ. Vì mô hình này phải 3 năm sau mới được các tổ chức có thẩm quyền đánh giá và công nhận, nên từ lúc triển khai mô hình này đến nay, ngoài nguồn nước tưới phải sạch, thì từ phân bón, giống, chúng tôi đều sử dụng loại organic chuyên dùng cho lúa hữu cơ. Và ngoài diện tích thử nghiệm này, chúng tôi cũng đang có hướng chuyển từ từ trên tổng diện tích đất canh tác mà mình hiện có, vì khi xã hội càng phát triển, đòi hỏi của người tiêu dùng càng cao thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ là hướng đi tất yếu cho các doanh nghiệp”- ông Nông Văn Sinh nói.
Ông Sinh cũng cho biết thêm, khi quyết định trồng thử nghiệm mô hình này, ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước tiên là vì sử dụng phân bón hữu cơ nên cũng khá “đau đầu” vì sâu bệnh, rồi vì chưa có chứng chỉ nên người tiêu dùng cũng khó phân biệt rau hữu cơ với các loại rau khác, thêm vào đó, chi phí để duy trì chứng chỉ sản phẩm hữu cơ cũng khá cao... Và mặc dù là nhiều khó khăn như vậy, nhưng ông Sinh cũng cho biết vẫn đang tìm hiểu quy trình sản xuất để tìm ra phương pháp canh tác hiệu quả nhất; đồng thời sẽ tiếp tục duy trì và sẽ từng bước chuyển dần sang mô hình này. “Để duy trì và nhân rộng mô hình này, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều lớp tập huấn để tiếp cận kỹ thuật, được tư vấn kỹ càng về mô hình này, cũng như được hỗ trợ về chi phí duy trì chứng nhận sản phẩm hữu cơ” - ông Sinh nói thêm.
Theo Hội Nông dân huyện Đức Trọng, năm 2020, huyện đã triển khai xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích hơn 100 ha tại thôn Ma Bó, xã Đa Quyn và thôn Cha Rang Hao, xã Tà Năng. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho biết, quy trình sản xuất lúa được áp dụng theo hướng hữu cơ từ nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc, kiểm soát tốt sâu bệnh, bảo vệ môi trường và sức khỏe của con người. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa đem lại năng suất cao. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho biết thêm: “Trong năm 2020, thực hiện Nghị quyết 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng hội nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện Đức Trọng đã trực tiếp chỉ đạo, tư vấn, thành lập Chi hội nghề nghiệp Lúa hữu cơ Tà Năng Ma Bó, thu hút được 105 hội viên của 2 xã Tà Năng và Đa Quyn tham gia. Cùng đó, Hội Nông dân huyện đã tư vấn, hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm để sản xuất 300 ha tại cánh đồng nói trên và trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, vào vụ lúa Hè Thu, đã cho thu hoạch đợt đầu tiên với năng suất bình quân đạt 5 - 6 tấn/ha, giá thu mua cao hơn thương lái là 500 đồng/kg, nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương tăng thu nhập trên một đơn vị sản xuất. Trong những vụ tiếp theo, Hội Nông dân huyện cũng chỉ đạo Chi hội nghề nghiệp tiếp tục sản xuất ổn định vào vụ Đông Xuân và những năm tiếp theo. Hiện, sau khi vụ lúa Hè Thu đã được thu hoạch, vụ lúa Đông Xuân cũng đã được bà con nông dân ở 2 địa phương trên xuống giống”.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, thông qua ký kết với các doanh nghiệp, bà con nông dân thực hiện trồng thử nghiệm mô hình lúa hữu cơ đều được Công ty Giống cây trồng Miền Nam chuyển lúa giống đúng phẩm chất, chất lượng; Công ty TNHH Phân bón Sông Lam cũng cam kết chuyển 100% phân bón hữu cơ vi sinh cho bà con nông dân sản xuất. Ngoài ra, bà con nông dân sẽ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ mà sản xuất đúng quy trình tiêu chuẩn hữu cơ, để sản phẩm làm ra sẽ đảm bảo an toàn. Mặt khác, Hội Nông dân huyện đã liên hệ với các tổ chức để từng bước thẩm định, kiểm định và đánh giá chất lượng trên cánh đồng lúa hữu cơ của bà con nông dân. “Hy vọng trong vòng 3 năm tới, chúng tôi sẽ hoàn tất được bộ hồ sơ về lúa hữu cơ để cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt cho bà con nông dân. Và hiện, logo, thương hiệu, tên gọi của mô hình liên kết sản xuất “Lúa hữu cơ Tà Năng Ma Bó” đã được đăng ký tại Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng và đang chờ để được công nhận. Mô hình này cũng đạt giải Nhì Cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ III năm 2020. Sau khi hoàn thiện, mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác với quy mô diện tích khoảng 300 ha, từ đó, tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ trên địa bàn huyện”- ông Tuấn cho hay.
Hướng đi tất yếu
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, Đức Trọng đã chú trọng phát triển các mô hình với các loại cây trồng có giá trị cao, bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Điển hình như: Mô hình trồng dưa lưới VietGAP tại xã Ninh Gia; mô hình sản xuất rau, hoa theo công nghệ 4.0 (IOT) tại xã Bình Thạnh; trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP tại xã Ninh Loan; các mô hình trang trại, gia trại nuôi lợn, gà theo hướng hữu cơ tại xã Bình Thạnh và Liên Hiệp... Các mô hình trên được áp dụng theo quy trình sản xuất không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong chăn nuôi. Từ đó, đã đạt hiệu quả kinh tế cao và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
Từ hình thức công nghệ bình thường, như phủ bạt, tưới phun tự động, nhà lưới, các mô hình sản xuất dần chuyển sang công nghệ tiên tiến hơn, như tưới phun tự động nhỏ giọt, nhà kính công nghệ Israel, trồng trên giá thể, thủy canh... Đến nay, toàn huyện Đức Trọng có trên 10.876 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng 1.470 ha so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, công nghệ 4.0 (IOT) đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt và đang ngày càng được mở rộng với diện tích khoảng 8ha/7 hộ sản xuất.
Cũng trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho 15 tổ chức, cá nhân, với diện tích khoảng 18 ha; nâng tổng diện tích được cấp chứng nhận theo hướng VietGAP lên 650 ha với khoảng 80 tổ chức, cá nhân. Trên địa bàn huyện có 7 đơn vị sản xuất rau củ tươi được cấp chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; số lượng sản phẩm có sử dụng nhãn hiệu này bán ra thị trường đạt khoảng 30.000 tấn/năm.
Nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Đức Trọng đã xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trên địa bàn huyện hiện có 4.990 hộ sản xuất nông nghiệp kể cả trồng trọt và chăn nuôi tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 17,1% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp.
Từ những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp, Đức Trọng đã dần hình thành nên một nền nông nghiệp sạch, cung cấp các sản phẩm an toàn, phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Ông Lê Văn Ba - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú cho biết: “Để các sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường được người tiêu dùng nhận biết được, các doanh nghiệp sẽ có các mã QR Code, khi khách hàng mua, quét mã trên đó, sẽ truy xuất được nguồn gốc sản xuất của sản phẩm; kế đến các sản phẩm của đơn vị phải được dán logo thương hiệu của đơn vị mình - đây là 2 yếu tố đầu tiên tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm sạch. Và từ đầu năm 2020, trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, HTX chúng tôi cũng bắt đầu quy hoạch 18 ha đất để trồng các sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ và trước mắt HTX cũng đã đăng ký 1 ha để trồng thử nghiệm mô hình này”.
Những yếu tố quan trọng để hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ đã và đang được các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện đã và đang quan tâm triển khai. Theo Hội Nông dân huyện Đức Trọng, một số cá nhân, doanh nghiệp đã và đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ như Công ty Phong Thúy, HTX An Phú, HTX Tiến Huy, HTX Nam Sơn... trên địa bàn huyện. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Đề án trên sẽ khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực. Từ đó, đưa nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng trở thành một trong các địa phương hàng đầu cả nước.
Với tiềm năng có sẵn của diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hy vọng, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ không còn xa lạ, mà ngược lại sẽ trở thành thói quen sản xuất nông nghiệp của địa phương.