Tín hiệu vui từ xuất khẩu lao động vùng miền núi tỉnh Quảng Nam Tín hiệu vui từ xuất khẩu lao động vùng miền núi tỉnh Quảng Nam
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng, 2023 là năm đầu tiên, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vượt chỉ tiêu xuất khẩu lao động ngay từ tháng 11.
Xuất khẩu lao động đang là xu thế mới đem lại cơ hội việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân miền núi tỉnh Quảng Nam xóa đói, giảm nghèo, đem lại cuộc sống ấm no, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm, tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.
Nhận thấy không đủ khả năng vào đại học, sau khi học hết lớp 12, Mai Thành xin cha mẹ đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Lúc đầu nghe con đề cập đến việc ra nước ngoài làm việc, vợ chồng ông Mai Thình ở thôn Đông Sơn, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam kiên quyết phản đối.
Ông Thình cho rằng, từ trước đến nay, đồng bào miền núi quan niệm, con trai lớn phải ở gần cha mẹ để cáng đáng việc gia đình, hơn nữa cháu còn quá nhỏ để mưu sinh nơi đất khách quê người. Thế nhưng, được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động, phân tích thiệt hơn, ngoài ra còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và hỗ trợ một phần chi phí, cuối cùng vợ chồng ông Thình đã đồng ý cho con trai đi xuất khẩu lao động.
Ông Mai Thình cho biết, sau gần 1 năm lao động ở Nhật, cuộc sống của con trai ông ở Nhật đã ổn định. Hiện con ông không những đã trả xong khoản vay trước khi đi mà còn có tiền gửi về giúp đỡ gia đình.
“Con trai tôi qua Nhật Bản làm bên xây dựng, mỗi tháng được 18 Man, quy ra tiền Việt được khoảng gần 30 triệu đồng. Công việc cũng nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn so với trong nước. Từ lúc đi đến giờ đã gửi tiền về trả nợ xong cho công ty. Thu nhập ổn định cũng đã gửi tiền về hỗ trợ gia đình. Cháu đi 3 năm rồi về, lúc đó cũng có chút vốn dành dụm để làm ăn”- ông Thình kể.
“Trăm nghe không bằng mắt thấy”, từ trường hợp cụ thể của con trai ông Mai Thình và một số người khác, bà con xã Ba, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam bây giờ đã có cái nhìn khác về xuất khẩu lao động. Bà Mạc Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Ba, huyện Đông Giang phấn khởi, xã Ba là địa phương dẫn đầu huyện Đông Giang về xuất khẩu lao động.
Năm nay, xã được giao 5 chỉ tiêu nhưng mới qua 11 tháng, đã có 30 thanh niên đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. Đa số họ là thanh niên hoàn cảnh khó khăn nên địa phương làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho các em vay vốn theo diện hộ nghèo, cận nghèo. Đối với những trường hợp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, sau khi có hợp đồng sang Nhật sẽ được vay vốn xuất khẩu lao động. Mức vay đối với hộ nghèo, cận nghèo hay vay xuất khẩu lao động đều là 100 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí (học tiếng và vé máy bay) cho toàn bộ chuyến đi khoảng 150 triệu đồng, nghĩa là các em chỉ phải bỏ khoảng 50 triệu đồng. Bà Mạc Thị Việt cho biết thêm, đối với những trường hợp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hiện còn được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại.
“Đối với vùng đồng bào Cơ Tu theo tục truyền xưa nay họ rất sợ đi xa, nhưng trong quá trình các em người Kinh đi rồi, có kết quả tốt. Trên cơ sở đó, mình tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”; lồng ghép tuyên truyền trong cuộc họp thôn, các hội nghị, hội thảo… Khi phân tích rõ và có những trường hợp cụ thể nên họ nghe theo. Rất mừng!”- bà Mạc Thị Việt phấn khởi.
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua, công tác xuất khẩu lao động của địa phương rất hạn chế, thường xuyên không đạt kế hoạch do bà con dân tộc thiểu số ngại đi làm ăn xa. Chính vì thế, ngay từ đầu năm nay, huyện Đông Giang xác định, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã được huy động vào cuộc. Công tác tuyên truyền vận động về xuất khẩu lao động được đẩy mạnh và triển khai sâu rộng đến từng thôn, nóc. Qua đó, giúp bà con, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu dần thay đổi nhận thức về xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, sự hợp tác 3 bên giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo cộng với sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước, đã mở ra cơ hội cho người dân miền núi tham gia xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững. Ông Tùng cho biết thêm, sắp tới, huyện sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy để thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ sở dạy nghề, các công ty có chức năng về xuất khẩu lao động tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm ở các cụm xã để người dân dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng qua các đợt đến nay cũng đã có 45 người tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và Lào. Năm nay, chỉ tiêu của huyện Đông Giang phấn đấu xuất khẩu lao động đạt trên 300%, là năm đột biến về xuất khẩu lao động.
“Sắp tới, huyện cũng sẽ tiếp tục phối hợp với 1 quân của Hàn Quốc để người dân có cơ hội sang Hàn Quốc. Rồi một thị trường theo tôi là uy tín và đảm bảo được văn hóa làm nông của người miền núi là thị trường Lào. Chúng tôi sẽ phối hợp với trường Cao đẳng nghề Thaco Trường Hải tiếp tục tổ chức tư vấn, vận động các em tham gia thị trường này. Còn thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu huyện cũng đang tiếp tục nghiên cứu để người dân tiếp cận sớm hơn”- ông Tùng phấn khởi.