Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (22-27/1/2024)
Vì sao Chevron không chịu rời khỏi Nigeria; Novatek nối lại hoạt động tại kho xuất khẩu nhiên liệu; Gazprom: Tiêu thụ khí đốt toàn cầu sẽ tăng 26% vào năm 2050; TotalEnergies chuẩn bị khởi động lại mỏ khí lớn nhất Đan Mạch; Shell đầu tư vào mỏ khí đốt Victory ở Biển Bắc… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Trong báo cáo thu nhập quý 4 năm 2023, Murphy Oil đã công bố kế hoạch đầu tư lớn vào năm tài chính 2024 cho việc phát triển mỏ dầu Lạc Đà Vàng tại Việt Nam. Dự kiến, khoản đầu tư lên đến 40 triệu USD sẽ được Murphy Oil tiếp tục đầu tư trong năm tài chính 2024 cho quá trình phát triển mỏ Lạc Đà Vàng. Công ty đang tích cực tiến hành quá trình đấu thầu và ký kết các hợp đồng quan trọng nhằm đảm bảo tiến độ dự án và mục tiêu ghi nhận dòng dầu đầu tiên vào năm tài chính 2026. Dự án sẽ được phát triển đến năm 2029 với tổng trữ lượng có thể khai thác ước tính khoảng 100 triệu thùng dầu tương đương. Trong đó, công ty đã nâng trữ lượng mỏ thêm 13 triệu thùng dầu trong năm ngoái. Dự án Lạc Đà Vàng được phát triển bởi Murphy Oil (40%), Tổng Công Ty Thăm Dò Khai Thác Dầu Khí (35%), và SK Earthon (25%). Sản lượng của dự án ước tính sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10.000 – 15.000 thùng/ngày.
Trong khi một số công ty quốc tế trong lĩnh vực hydrocarbon tuyên bố rời khỏi Nigeria, Chevron có kế hoạch tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của Nigeria. Tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ đã trình bày kế hoạch của mình trong cuộc họp được tổ chức vào thứ Năm, ngày 25/1 tại Abuja, thủ đô của Nigeria, giữa Tổng thống Bola Tinubu và ông chủ công ty Chevron, Clay Neff.
Trong Kế hoạch phát triển và chiến lược kinh doanh năm 2024 vừa được công bố hôm 25/1, Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã vạch ra một loạt mục tiêu cho kế hoạch năm tới đây với ý định đẩy mạnh sản xuất dầu khí, tăng cường dự trữ hydrocarbon và mở rộng quy mô các hoạt động thăm dò khai thác khí đốt tự nhiên trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng carbon thấp và tái tạo thông qua phát triển tích hợp các nguồn năng lượng xanh, chẳng hạn như điện gió ngoài khơi và kinh doanh thương mại dầu khí. Bản tóm tắt chiến lược kinh doanh và kế hoạch phát triển năm 2024 của CNOOC đã thể hiện rõ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh dự trữ và sản xuất năng lượng với mục tiêu sản lượng ròng của công ty sẽ là 700 triệu đến 720 triệu thùng dầu thô tương đương (boe) vào năm 2024, với sản lượng từ Trung Quốc và nước ngoài lần lượt chiếm khoảng 69% và 31%.
Hãng tin Sputnik của Nga ngày 23/1 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez cáo buộc gã khổng lồ dầu mỏ Exxon Mobil của Mỹ đã đứng sau hỗ trợ cho kế hoạch ám sát thất bại vào năm 2023, nhằm vào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro với mục đích khai thác nguồn tài nguyên phong phú của khu vực Essequibo.
Theo các nguồn tin trong ngành và dữ liệu LSEG, vào thứ Tư 24/1, công ty năng lượng Nga Novatek đã nối lại hoạt động nạp nhiên liệu tại kho cảng Ust-Luga ở Biển Baltic, bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Cuộc tấn công và sau đó là hỏa hoạn đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của Nga và làm tăng thêm sự bất ổn trên thị trường năng lượng, vốn đã bị rung chuyển bởi những bất ổn địa chính trị và căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ, một trong những cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu dầu toàn cầu.
Phó Giám đốc tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga ngày 25/1 cho biết, Gazprom dự đoán mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 22% vào năm 2050, với lượng tiêu thụ khí đốt sẽ tăng 26%. "Cho đến nay, mức tăng tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới dự kiến sẽ là 22% vào năm 2050. Dầu sẽ giảm về số lượng tuyệt đối; năng lượng hạt nhân, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng lên. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy mức tiêu thụ khí tự nhiên sẽ tăng mạnh nhất - dự kiến là 26%," Alexander Ishkov cho biết. Dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ giảm 24% và tiêu thụ than sẽ giảm 13% vào năm 2050 so với năm 2023. Đồng thời, tiêu thụ sẽ tăng 5% đối với điện từ nhà máy điện hạt nhân, 3% đối với thủy điện và 17% đối với các nguồn năng lượng tái tạo.
TotalEnergies và các đối tác đang chuẩn bị khởi động lại mỏ Tyra theo kế hoạch, ông lớn dầu khí Pháp tuyên bố. Trước đó, mỏ này đã tạm thời đóng cửa để tái phát triển vào năm 2019. TotalEnergies nắm giữ 43,2% cổ phần và là nhà điều hành mỏ khí Tyra, nhằm mục đích giảm 30% lượng khí thải CO2 với dự án tái phát triển. Việc tái khai thác mỏ đã hoạt động hơn 30 năm trở nên cần thiết do vỉa chứa bị sụt lún tự nhiên, và TotalEnergies cho biết việc tái phát triển là cơ hội để đảm bảo và phục hồi khai thác. Theo TotalEnergies, khi mỏ Tyra II hoạt động trở lại, nó dự kiến sẽ cung cấp 2,8 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, chiếm 80% sản lượng khí đốt dự kiến của Đan Mạch.
Shell UK Limited đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào mỏ khí Victory ở Biển Bắc Vương quốc Anh, cách Quần đảo Shetland khoảng 47 km về phía tây bắc. Khi đi vào hoạt động, mỏ này sẽ giúp duy trì lượng khí đốt khai thác trong nước cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và hoạt động sản xuất điện của Anh. Dự án phát triển này sẽ có một giếng ngầm duy nhất được gắn với cơ sở hạ tầng hiện có của hệ thống Khu vực Greater Laggan, sử dụng đường ống mới dài 16 km.