Tín là nguồn đạo
Trong giáo lý đạo Phật, ta thường nghe đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tức là những yếu tố nâng đỡ, dẫn hướng cho một hành giả trên bước đường tu học.
Niềm tin là căn bản cho sự nỗ lực - Ảnh: Internet
Ngũ lực nằm trong số đó. Lực là sức mạnh, ngũ lực là năm nguồn sức mạnh mà tín là sức mạnh đứng đầu. Tín là niềm tin, là sự tin tưởng. Nhưng tin vào ai? Tin vào cái gì? Và tin như thế nào? Băn khoăn đó không chỉ khởi lên ở những người học Phật mà còn hiện hữu trong tâm tưởng mỗi người chúng ta.
Thiết lập niềm tin
Có một điều mà tất cả chúng ta đều dễ dàng khẳng định: Cuộc sống không thể thiếu niềm tin. Trong một gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái không thể sống với nhau yên ấm khi thiếu đi sự tin tưởng và thành thật với nhau. Chính vì ôm trong lòng nỗi hoài nghi mà bao nhiêu hờn giận phát sinh, bao nhiêu gia đình cũng từ đó mà đổ vỡ. Xã hội mà thiếu niềm tin, thì người đối đãi với người bằng sự lạnh lùng và vô cảm, bởi lúc nào cũng mang trong lòng nỗi ám ảnh hiểm nguy, lọc lừa và biến mình trở nên ích kỷ. Quốc gia thiếu niềm tin không thể tránh khỏi việc sa vào hỗn loạn, người dân không tin vào chính thể hay công lý thì sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết bất đồng theo kiểu “thay trời hành đạo”. Có muôn vàn những ví dụ chứng minh cho tầm quan trọng của niềm tin trong đời sống, mà nếu đủ suy tư và chú tâm quan sát, chúng ta sẽ không khó tìm ra. Một cá nhân hay tổ chức, dù lớn dù nhỏ, nếu thiếu niềm tin thì khó làm được việc gì thành công.
Bởi vậy, bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay tổ chức nào cũng phải chú trọng đến việc xây dựng niềm tin. Đạo Phật hay bất cứ tôn giáo nào, ngay từ buổi sơ kỳ, đều được xây dựng trên nền tảng của niềm tin. Người Công giáo đặt trọn đức tin ở ba ngôi Thiên Chúa; người Ấn giáo tin tưởng tuyệt đối ở Brahman, đại ngã của vũ trụ siêu việt thế gian; người Hồi giáo đặt niềm tin tuyệt đối nơi Allah - Thiên Chúa toàn năng trong ngôn ngữ Ả-rập; vậy còn người Phật tử tin vào ai?
Trong The Little History of Religion (Lược sử tôn giáo), Giáo sư Richard Holloway đã nhận định về đạo Phật: “… là một lối thực hành chứ không phải là một tín điều. Là điều để làm hơn là để tin.” Chính do vậy, đạo Phật phần nào gần gũi với định nghĩa về một hệ thống triết học và hành trì hơn là một tôn giáo đích thực, bởi điều tiên quyết và nền tảng của các tôn giáo đều nằm ở đức tin. Đó cũng là điều gần như giới nghiên cứu và học giả thời hiện đại đều đồng ý với nhau. Ngay từ thời còn tại thế, dù không lên tiếng trực tiếp bác bỏ nhưng Đức Phật, bằng lời nói và hành động của mình, tiêu biểu như đoạn đối thoại giữa Thế Tôn và Bà-la-môn Vàtthesa ghi nhận trong Trường bộ kinh, đã gián tiếp phủ nhận sự hiện hữu và chi phối của một đấng sáng thế mà con người trong xã hội Ấn Độ đương thời mặc nhiên thừa nhận và tin tưởng. Cái mà Đức Phật khuyến khích con người nên tin tưởng, nương tựa, là không gì khác ngoài chính bản thân mình:
“…Và này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.” (Tương ưng bộ, Tương ưng niệm xứ, phẩm Ambàpali).
Niềm tin chân chính
Nhưng sự nương tựa và niềm tin mà Đức Phật khuyên dạy không phải nhằm hướng đến việc đóng khép mình lại, bám chặt vào tri kiến của mình hay cố chấp chỉ biết có bản thân. Cái mà Đức Phật muốn con người hướng đến chính là việc nỗ lực bằng chính khả năng và sức mạnh của bản thân mình để đạt đến an lạc và hạnh phúc, chứ không phải cầu xin dựa dẫm nơi một đấng siêu nhiên hay một vị thầy nào khác. Suốt bốn mươi lăm năm hành hóa, Thế Tôn luôn khuyến khích hàng đệ tử tin vào chính bản thân mình, tự mình “đến để mà thấy”. Sự tự tín, trước hết nằm ở việc phải tự mình nhận thức được đâu là đúng đâu là sai, tự mình chọn cho mình một hướng đi, hiểu rõ mọi hành vi và lựa chọn của mình, chứ không thể hành động bằng sự mù quáng và cả tin. Người Kàlama, khi hoang mang trước những sự tự tán dương của các giáo phái đương thời, họ tìm đến Đức Phật để hỏi rằng mình nên tin tưởng vào ai đây, và câu trả lời của Ngài là: Hãy tin bằng nhận thức của chính mình. Giáo pháp nào đưa con người đến hạnh phúc là cái nên tin tưởng, bậc Sa-môn nào có đủ đầy sự tỉnh giác và chánh niệm là bậc nên tôn kính và tin tưởng. “Đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình.” (Tăng chi bộ, kinh Kàlama).
Đó là cách chánh tín được thiết lập.
Dẫn đạo đi lên
Có niềm tin thì mới có đường đi. Tín lực phát sinh thì tấn lực cũng từ đó mà thành. Tấn là đi lên, đi tới. Người có niềm tin cũng như kẻ đi đường lạ có tấm bản đồ trong tay, đi mà không sợ lạc. Nhưng muốn dùng được bản đồ, trước hết người đi đường phải biết cách xem. Người Phật tử không thể chỉ chờ đợi một ai cứu độ cho mình, không thể xây dựng niềm tin bằng sự trông chờ hay xem nghe hời hợt, ngoài việc sử dụng tri kiến, nhận thức và nỗ lực của mình để đi tới. Trong thời buổi biến chuyển không ngừng, khi mà tin tức lan truyền nhanh đến mức không thể kiểm soát đúng sai thật giả, khi mà internet khiến con người đi đến chỗ tự cho mình cái ảo tưởng “bình thiên hạ”, thì việc lựa chọn niềm tin lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Trong những sự việc hay biến cố dồn dập xảy đến, đối diện với hàng trăm nhận định và bình phẩm tốt xấu xoay quanh sự việc hay biến cố đó, ta không thể hùa theo đám đông để đánh đồng và lên án tất cả bất chấp phải trái, ta cũng không thể vì thương mà bênh vực, xí xóa tất cả những cái sai chỉ vì đó là người thương hay thầy của tôi, đạo của tôi, tổ chức của tôi.
Trên hết, ta không thể để niềm tin sụp đổ vì mọi thứ đang diễn ra, xảy đến trong đạo lẫn đời không được như lý tưởng mà ta hằng ngưỡng vọng hay mong muốn. Giữa mọi loạn động, điều cần hơn hết với một người con Phật không gì ngoài nương tựa nơi Tam bảo của tự tâm, gìn giữ niềm tin nơi chính bản thân mình. Nếu đã xem đúng bản đồ, biết con đường đúng dẫn đến đích, thì cứ vậy mà bước tới. Khi dựng được niềm tin nơi mình, tin vào lý tưởng mà bản thân lựa chọn, tin vào giáo pháp mà mình học và hành theo, thì chính sự tự tín ấy sẽ dẫn chúng ta bước tới, bất kể gập ghềnh hay chông gai. Và để nói trọn vẹn về sự lớn lao của niềm tin, có lẽ không gì hay hơn những câu trong kinh Hoa nghiêm mà không ít hành giả đều một lần nghe đến:
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phathoc/2020/02/01/325090/