Tin mới nhất về sáp nhập tỉnh, sắp xếp cấp xã ở Ninh Bình, Hà Tĩnh, Điện Biên, Quảng Bình
Trong bối cảnh cả nước đang triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình đang xúc tiến kế hoạch sáp nhập thành một tỉnh mới, dự kiến lấy tên 'tỉnh Ninh Bình', với trung tâm hành chính đặt tại thành phố Ninh Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (sáp nhập ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm hành chính đặt tại Ninh Bình).

Cổng tam quan tại TP Hoa Lư. Ảnh: N.L.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình được xác định là đầu mối chủ trì toàn bộ quá trình xây dựng đề án, điều phối hoạt động giữa các tỉnh liên quan, lập hồ sơ, lấy ý kiến cử tri, tổ chức kỳ họp HĐND các cấp và trình Chính phủ trong thời hạn gấp rút.
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của hai tỉnh Hà Nam và Nam Định khẩn trương soạn thảo đề cương Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Dự thảo này sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình xem xét, đóng góp ý kiến và hoàn thiện, trước khi chuyển tới UBND tỉnh Hà Nam và UBND tỉnh Nam Định để xin ý kiến chính thức.
Một nội dung quan trọng của đề án là tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các địa phương. UBND các huyện, thành phố, thị xã của ba tỉnh sẽ chủ trì tổ chức lấy ý kiến người dân theo hình thức phù hợp, bảo đảm đồng bộ với quá trình lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo kế hoạch, toàn bộ quá trình lấy ý kiến sẽ được hoàn tất trong ngày 23/4, kết quả sẽ được tổng hợp và gửi về Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình để tiếp tục hoàn thiện Đề án.

Một góc Di sản Tràng An. Ảnh: N.L.
Sau khi lấy ý kiến cử tri, ba tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức các kỳ họp HĐND cấp xã và huyện vào ngày 25 và 26/4, để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tiếp đó, vào ngày 28/4, HĐND các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình sẽ tiến hành họp phiên đặc biệt để ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập, làm cơ sở pháp lý trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên cơ sở các Nghị quyết của HĐND và kết quả lấy ý kiến cử tri, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thiện hồ sơ Đề án và xây dựng Tờ trình UBND tỉnh để gửi lên Chính phủ và Bộ Nội vụ, thời hạn hoàn thành là trong ngày 29/4.
Hà Tĩnh dự kiến còn 70 đơn vị cấp xã sau sắp xếp
Ngày 22/4, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết đơn vị này vừa có đề xuất phương án chọn trụ sở làm việc mới cho 70 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Đề xuất này được dựa trên một số nguyên tắc ưu tiên và cơ sở phương án dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do Sở Nội vụ lập và ý kiến tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Thành phố Hà Tĩnh từ 26 phường, xã dự kiến sau sắp xếp còn 7 phường xã.
Theo đó, Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng trụ sở bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, giúp chính quyền địa phương mới nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Vị trí đặt trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới phải là khu vực trung tâm phân bổ dân cư, có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển giúp người dân dễ dàng tiếp cận và đảm bảo khả năng kết nối thuận lợi với các khu vực khác trong tỉnh.
Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập, bảo đảm giữ vững quốc phòng an ninh.
Ưu tiên lựa chọn các Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới tại các đô thị đã có trong danh mục phương án phát triển đô thị tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030
Theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh, sẽ thực hiện sắp xếp từ 209 đơn vị hiện nay thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới, dự kiến giảm 139 đơn vị (giảm hơn 66,5%). Đối với Thành phố Hà Tĩnh từ 26 phường, xã, dự kiến sau sắp xếp còn 7 đơn vị hành chính.
Tại một số địa phương của tỉnh hiện đang thực hiện đề án thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Cùng với đó tên gọi đơn vị hành chính mới cũng là vấn đề được bàn luận, lấy ý kiến để phù hợp.
“Việc sáp nhập các đơn vị hành chính là chủ trương lớn, theo đề án cụ thể. Với tên gọi các địa phương, đơn vị hành chính sau sắp xếp sẽ ưu tiên các tên gọi cũ, có từ lâu và ý kiến đồng thuận, phù hợp của người dân”, một lãnh đạo địa phương chia sẻ.
Điện Biên dự kiến còn 45 đơn vị sau sắp xếp
Theo dự thảo đề án đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, theo hướng giảm từ 129 đơn vị hiện có xuống còn 45 đơn vị, gồm 42 xã và 3 phường. Như vậy, toàn tỉnh sẽ giảm 84 đơn vị, tương ứng với tỷ lệ 65,1%.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết, phương án sắp xếp lần này được xây dựng trên cơ sở rà soát toàn diện các yếu tố: điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, mật độ và phân bố dân cư, không gian kinh tế và tính liên kết giữa các vùng. Mục tiêu là hướng đến phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, đồng thời tạo nên sự liên kết vùng chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngoài ra, đề án cũng chú trọng đến yêu cầu về quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Dự kiến, tỉnh Điện Biên sẽ còn 45 đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.
Theo phương án sắp xếp, Thành phố Điện Biên Phủ sắp tới sẽ được chia thành 3 xã, phường, bao gồm xã Mường Phăng (trên cơ cở nhập xã Mường Phăng, xã Nà Nhạn và xã Pá Khoang); phường Điện Biên Phủ (trên cơ sở nhập phường Him Lam, phường Tân Thanh, phường Mường Thanh, phường Thanh Bình, phường Thanh Trường và xã Thanh Minh); phường Mường Thanh (trên cơ sở nhập phường Noong Bua, phường Nam Thanh và xã Thanh Xương).
Như vậy, các địa danh liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ như Điện Biên Phủ, Mường Phăng (là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của ta trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954) hay Mường Thanh (tên cánh đồng lớn nhất Tây Bắc, chiếm hầu hết diện tích trận địa Điện Biên Phủ) đều được giữ lại.
Thị xã Mường Lay dự kiến sẽ chuyển đổi thành một phường duy nhất mang tên Mường Lay trên cơ sở nhập phường Sông Đà, phường Na Lay, xã Lay Nưa và xã Sá Tổng.
Theo ông Đạt, việc đặt tên, đổi tên các đơn vị hành chính mới được thực hiện dựa trên nguyên tắc khoa học, đảm bảo ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, thống nhất và phù hợp với yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống của từng địa phương. Quan trọng nhất là phải nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về phương án sắp xếp lại ĐVHC cấp xã đến 24/4. Việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai tới tận thôn, bản, tổ dân phố để đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin, tham gia đóng góp ý kiến một cách đầy đủ và dân chủ.
Gần 98% người dân Quảng Bình đồng ý sáp nhập tỉnh
Các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Quảng Bình được công khai trên nhiều kênh thông tin để người dân dễ tiếp cận, nghiên cứu.
Để chuẩn bị cho việc lấy ý kiến cử tri, từ ngày 16/4, các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuyên truyền, thông báo về đề án cho cán bộ, đảng viên và nhân dân qua nhiều kênh thông tin.
Ban Tuyên giáo tỉnh Ủy Quảng Bình đánh giá, trên tinh thần vì lợi ích chung, nhân dân cơ bản đồng thuận. Một số người dân mong muốn sau khi sáp nhập, tên gọi các thôn vẫn được giữ nguyên trong xã mới. Đây không chỉ là cách gìn giữ ký ức, truyền thống của quê hương, mà còn giúp thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Gần 98% đại diện cử tri đồng ý sắp nhập tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Đối với đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh: 145/145 ĐVHC cấp xã có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 78% trở lên, trong đó 139 ĐVHC có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên. Tỷ lệ cử tỉnh Quảng Bình tham gia lấy ý kiến đạt 98,4%; tỷ lệ cử tri đồng ý với Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Trị trên cơ sở sắp xếp ĐVHC tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, đạt 97,9%.
Đối với đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã: 143/144 ĐVHC cấp xã (xã Tân Thành, huyện Minh Hóa không tổ chức lấy ý Nhân dân vì không thực hiện sắp xếp) có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 50% trở lên, trong đó 132 ĐVHC có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên.