Tin mới nhất về vụ án Vạn Thịnh Phát: Số tiền tham ô gây 'sốc'
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội danh
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Ngoài 3 tội danh trên, bà Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, 85 bị can khác Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, trong số các bị can bị đề nghị truy tố, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD.
Tham ô hơn 304.000 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra cũng cho biết, mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng với việc nắm giữ trên 90% cổ phần, bà Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, biến SCB trở thành công cụ tài chính để bị can tổ chức huy động tiền gửi.
Kể từ khi Ngân hàng SCB sáp nhập 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào mục đích của bị can.
Đây đều là các khoản vay khống, do vậy, khi đến hạn không trả được nợ, bà Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn.
Trong đó, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỷ đồng.
Hành vi trên phạm vào tội tham ô tài sản. Ngoài ra, hành vi này của bà Lan còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cho biết trước ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân.
Trong thời gian từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bị can Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để Ngân hàng SCB giải ngân cho 304 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 368 khoản, tính đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.
Cơ quan điều tra xác định thiệt hại là hơn 64.000 tỷ đồng. Hành vi này phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, để che giấu thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB, đồng thời để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bị can Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, đồng thời là trưởng đoàn thanh tra.
Bà Lan còn chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc với Ngân hàng SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho bà Đỗ Thị Nhàn và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.
Vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được C03 điều tra từ 7/10/2022 với 4 người đầu tiên bị bắt là bà Trương Mỹ Lan; Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ngày 28/3, C03 khởi tố bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) và 4 người của đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bộ Công an đang truy nã hai cựu chủ tịch Ngân hàng SCB Nguyễn Thị Thu Sương và Đinh Văn Thành cùng 5 cấp dưới Chiêm Minh Dũng, cựu phó tổng giám đốc SCB; Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB; Sun Henry Ka Ziang, quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB; Lam Lee George, quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB.