Tin mới nhất vụ 2 trẻ nghi ngộ độc Botulinum sau tiệc tất niên tại TP HCM
Liên quan đến vụ nghi ngộ độc Botulinum sau tiệc tất niên khiến 2 trẻ nhập viện tại TP HCM, qua hơn 60 ngày điều trị, sức khỏe 1 bệnh nhi dần hồi phục và dự kiến được xuất viện trong tuần tới.
Theo bác sĩ Nguyễn Diệu Vinh – Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, trước đó, bệnh nhi có triệu chứng nhẹ hơn đã được xuất viện vào ngày 1/3, sinh hoạt bình thường và đi học lại.
Trường hợp trẻ nặng hơn, sau điều trị hơn 60 ngày, sức cơ hồi phục dần, cháu bé tự ngồi được và dự kiến được xuất viện trong tuần tới.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, đầu tháng 2/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 2 bệnh nhi nhập viện từ các bệnh viện tuyến trước với chẩn đoán các bệnh lý của não (viêm não, xuất huyết não...).
Bệnh nhi thứ nhất, 6 tuổi, địa chỉ ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP HCM. Ngày 3/2 trên đường về quê cùng gia đình, bé nôn ói nhiều phải nhập bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Sau 2 ngày nằm viện, bé vẫn nôn ói nhiều kèm co giật và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 vào chiều tối 6/2 với chẩn đoán theo dõi viêm não cấp.
Bệnh nhi thứ hai, 7 tuổi, địa chỉ nhà cũng ở phường Phước Long B, được cho nhập viện ngày 5/2. Sau 2 ngày nôn ói nhiều và cử động hàm khó, bé được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng vào ngày 7/2 với chẩn đoán theo dõi xuất huyết não.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh sử và tiền sử ăn uống cho thấy cả hai trẻ đều cùng ăn tiệc tất niên tại nhà của một gia đình, địa chỉ ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP HCM.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin. Các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.
Sau đó, bệnh viện đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường liên quan đến việc ăn uống các thực phẩm chế biến sẵn, được gói hoặc đóng hộp có nhiễm độc tố botulinum do chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra trong quá trình bảo quản. Thời gian khởi phát bệnh thông thường 12 – 36 giờ sau ăn, phần lớn trong vòng 24 giờ, có thể khởi phát chậm trong vòng 6 – 8 ngày.
Bệnh cảnh chủ yếu của ngộ độc này là gây liệt các cơ lan dần từ trên xuống, tùy mức độ khác nhau. Triệu chứng cổ điển bao gồm nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mí, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng và yếu cơ. Trẻ em bị ngộ độc botulinum nhìn vẻ mệt mỏi, ăn (bú) kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Nếu không điều trị kịp thời, có thể tiến triển thành yếu liệt cơ hô hấp, tay, chân và toàn thân gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Bệnh được điều trị đặc hiệu bằng thuốc giải độc tố botulinum và các biện pháp chăm sóc, nâng đỡ khác như hỗ trợ hô hấp, xoay trở, vận động trị liệu, kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm... BAT là loại thuốc hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có nên người dân cần chủ động phòng tránh bệnh này bằng cách đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để chủ động phòng ngừa sự cố ngộ độc Botulinum, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo: Để chủ động phòng ngừa sự cố, người dân cần chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, lưu ý thời hạn sử dụng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được chứng nhận. Thận trọng với thực phẩm đóng hộp, khi mở có mùi hoặc màu sắc hoặc vị thay đổi bất thường nên bỏ ngay. Ưu tiên ăn thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.