Tin mới về Covid-19 ngày 26/4: 203 triệu chứng của hậu Covid-19; cảnh báo viêm gan ở trẻ

Theo Bộ Y tế, người dân cần đi khám khi sức khỏe suy giảm trong thời gian dài sau khỏi bệnh.

Hà Nội còn 368 ca điều trị tại bệnh viện

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 25/4 đến 18h ngày 26/4), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 937 ca Covid-19. Riêng quận Hoàng Mai có số ca mắc cao nhất trong 24 giờ qua với gần 200 ca.

Cụ thể, 937 ca dương tính mới phân bố tại 240 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (181); Sóc Sơn (69); Long Biên (63); Cầu Giấy (62); Hà Đông (59); Bắc Từ Liêm (46).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (tính từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 1.543.131 ca, trong đó có 1.335 ca tử vong.

Hiện nay, còn gần 111.500 ca dương tính SARS-CoV-2 đang được điều trị, trong đó có 368 ca điều trị tại bệnh viện, còn lại theo dõi tại nhà.

Về công tác tiêm vắc-xin Covid-19, Hà Nội là địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 nhắc lại với gần 100%.

Với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính từ ngày 16 đến hết ngày 25/4, Hà Nội đã triển khai tiêm được 112.754 mũi 1.

Trong gần 50 tỉnh, thành đang triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ tính ở thời điểm hiện tại, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng trẻ được tiêm nhiều nhất.

Nước ta ghi nhận 8.431 ca Covid-19 trong 24 giờ qua

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 8.431 ca nhiễm mới tại 56 tỉnh, thành phố (tăng 1.014 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Phú Thọ (tăng 209 ca), Bắc Giang (tăng 195 ca), Đắk Lắk (tăng 108 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Lâm Đồng (giảm 124 ca), Hải Dương (giảm 68 ca), Thái Nguyên (giảm 63 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.212 ca/ngày.

kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.620.203 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.357 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.612.454 ca, trong đó có 9.113.408 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.582.620), TP.HCM (608.112), Nghệ An (480.366), Bắc Giang (384.856), Bình Dương (383.281).

Về tình hình điều trị, có thêm 23.465 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.116.225. Ngoài ra, có 620 bệnh nhân đang thở ô xy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 8 ca tử vong tại 6 tỉnh: Đắk Lắk (3), An Giang (1), Hà Tĩnh (1), Phú Thọ (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 8 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.029 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Khi nào cần đi khám hậu Covid-19?

Trong văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế tỉnh, thành phố ngày 22/4, Bộ Y tế cho biết sau mắc Covid-19, một số người chậm hồi phục sức khỏe cần được theo dõi sức khỏe.

Theo Bộ Y tế, người dân cần đi khám khi sức khỏe suy giảm trong thời gian dài sau khỏi bệnh.

Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.

Theo Bộ Y tế, có 203 triệu chứng khác nhau của hậu Covid-19, người dân cần đi khám khi sức khỏe suy giảm trong thời gian dài sau khỏi bệnh.

Một số triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực... Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng, tái phát theo thời gian.

Khi các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 khiến cho sức khỏe suy giảm kéo dài, giảm khả năng làm việc hoặc sinh hoạt bình thường, người dân cần đi khám.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa được khám hậu Covid-19 theo phạm vi chuyên môn và hướng dẫn được Bộ Y tế cho phép.

Người dân không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không được cấp phép hoặc các bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng.

Để tránh tình trạng lạm dụng khám hậu Covid-19, theo yêu cầu của Bộ Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành.

Khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.

Đồng thời Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các vụ, cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Một số trẻ tổn thương gan hậu Covid-19

Tổ chức Y tế thế giới mới đây đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới Covid-19.

GS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc Covid-19. Tuy nhiên, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến virus Adenovirus.

Theo giới chuyên môn, hội chứng MIS-C là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau (trên 2 bộ phận) có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Đối với hội chứng MIS-C, không có chuẩn vàng để chẩn đoán, cần tập hợp nhiều triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán bằng cách loại trừ với các bệnh lý khác (các bệnh lý có biểu hiện tương tự nhưng không liên quan đến Covid-19 như nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa cấp, viêm tiết niệu...

Đặc biệt cần phân biệt giữa MIS-C và Covid-19 cấp tính; giữa MIS-C và Kawasaki (sốt cấp kèm phát ban toàn thân).

Tuy nhiên, theo các bác sĩ không phải trẻ nào mắc Covid-19 cũng bị hội chứng này mà xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine.

Mới đây, Văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết nước Anh đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể và đột ngột các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới bệnh Covid-19 .

WHO đã nhận được thông báo về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em dưới 10 tuổi trên khắp miền Trung Scotland vào ngày 5/4 vừa qua, đến ngày 8/4, con số này đã tăng đột biến, lên 74 trường hợp ghi nhận trên toàn nước Anh.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-moi-ve-covid-19-ngay-264-203-trieu-chung-cua-hau-covid-19-canh-bao-viem-gan-o-tre-d164700.html