Tin mới về y tế ngày 14/8: Người bệnh hát trong lúc được robot AI mổ não
Ông Hải (58 tuổi) bị đột quỵ xuất huyết não đã hơn 24 giờ, được mổ lấy máu tụ tỉnh thức bằng robot AI, ông có thể song ca cùng bác sĩ ngay khi đang mổ.
Kỹ thuật mổ não hiện đại
14 giờ ngày 10/8, ông Hải (TP.HCM) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng trí giác lơ mơ, chân tay yếu liệt. Kết quả chụp MRI 3 Tesla khẩn cấp xác định ông Hải có khối xuất huyết não lớn đến 4 cm.
Khối máu tụ chèn ép các cơ quan thần kinh xung quanh, là vùng não chịu trách nhiệm chức năng vận động, ngôn ngữ. Nếu không mổ khẩn cấp, người bệnh đối mặt liệt nửa người, nói khó, nhìn mờ, thậm chí tử vong.
Tình huống khẩn cấp khi người bệnh đã bỏ lỡ thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ, đồng thời khối lượng máu tụ lớn, mạch máu vỡ vẫn tiếp tục chảy gây tăng áp lực nội sọ ngày càng nhiều, các chỉ số sinh tồn ngày càng xấu hơn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, 2 ngày trước, ông Hải uống một lon bia trong tiệc nhà người quen. Sau đó ông liên tục chóng mặt, nhức đầu, nôn.
Ngày hôm sau các triệu chứng không thuyên giảm, gia đình nghi ngờ ông bị đột quỵ nên đề nghị vào viện gấp. Tuy nhiên ở bệnh viện đầu tiên ông Hải đến nhập viện, bác sĩ cho biết đã quá thời gian có thể cấp cứu hiệu quả với các kỹ thuật truyền thống. Ông Hải được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm anh TP.HCM.
TTƯT.ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm thần kinh và các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã hội chẩn và quyết định chọn kỹ thuật mổ não tỉnh thức mới với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.
Mổ lấy máu tụ, cầm máu bằng phương pháp mổ tỉnh thức sẽ giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm nhanh chóng, đánh giá hiệu quả mổ thuận lợi khi người bệnh có thể tương tác với bác sĩ, cử động, hỏi đáp…
Tuy nhiên, độ khó và nguy hiểm của mổ não tỉnh thức cao hơn gấp nhiều lần so với mổ có gây mê toàn thân, bệnh nhân được thở máy và nằm im, kiểm soát bằng thuốc dễ dàng.
Do gây mê hoàn toàn nên bác sĩ không thể yêu cầu người bệnh nói hay cử động để trực tiếp đánh giá chức năng ngay trong lúc tác động vào vùng não tương ứng.
17h cùng ngày, chỉ sau 2 giờ bệnh nhân nhập viện, ca mổ đầy cam go bắt đầu. BS.CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tỉ mỉ lên chiến lược kiểm soát đường thở, huyết áp, chức năng thần kinh cho người bệnh. Máy siêu âm được bố trí ngay tại chỗ để xác định chính xác 4 nhánh thần kinh lên đỉnh đầu (nơi vết mổ diễn ra), gây tê phong tỏa.
Đặc biệt, các loại thuốc dùng với liều lượng được tính toán kỹ, đảm bảo người bệnh tỉnh táo trong lúc mổ nhưng không cảm thấy đau, không nôn ói, không động kinh, cơ thể và thần kinh sẽ ổn định nhất trong và sau mổ.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết, mỗi phút sau đột quỵ sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não bị hủy hoại. Chính vì vậy, cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt.
Phương thức mổ não tỉnh thức bằng robot AI Modus V Synaptive rất hiệu quả khi áp dụng cho các trường hợp phẫu thuật xuất huyết não do đột quỵ, vỡ túi phình mạch não hoặc mổ vùng não chịu trách nhiệm chức năng vận động, nhất là khi các kỹ thuật truyền thống khó thực hiện hiệu quả.
Khi đó, cuộc mổ tỉnh thức 2 trong 1 cho phép bác sĩ có thể vừa lấy cục máu đông, cầm máu, vừa kiểm tra hiệu quả cuộc mổ khi đồng thời trò chuyện, yêu cầu người bệnh thao tác vận động đảm bảo không làm tổn thương các bó sợi thần kinh tương ứng.
Mổ tỉnh xuất huyết não bằng robot mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cứu sống và hạn chế tối đa di chứng cho những trường hợp xuất huyết não vốn trước đây không thể can thiệp điều trị.
"Chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch phát triển áp dụng kỹ thuật này với cả mổ u não, đảm bảo hiệu quả và bảo tồn cao nhất các chức năng cho người bệnh. Sẽ có nhiều cơ hội sống khỏe mạnh hơn cho người bệnh mà không phải đi ra nước ngoài hoặc bó tay như trước đây”, bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.
Hơn 90% người bị ung thư phổi là do thuốc lá
Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trong đó thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới.
Theo thống kê ung thư toàn cầu Globocan, năm 2020, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới, chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
rên thế giới, ung thư phổi cũng đứng thứ hai về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư.
Vì vậy, cần nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng và chống ung thư kịp thời để giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do ung thư gây ra. Ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao.
Theo thống kê của ngành Y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác.
Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác, các bệnh không lây nhiễm bằng các biện pháp như bỏ thuốc lá.
Bởi thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác.
Bên cạnh đó là phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó hàm lượng đạm, mỡ hợp lý, tăng cường rau xanh, trái cây…
Ca mắc sốt rét tăng ở một số địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống
Tại một số tỉnh, thành như Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét tăng 16,4%, Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt rét tại tỉnh Lai Châu, Khánh Hòa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế hai tỉnh này về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt rét.
Thông tin của Cục Y tế dự phòng cho biết, theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung tại huyện Mường Tè; tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022 (không ghi nhận mắc), tập trung tại huyện Khánh Vĩnh.
Kết quả kiểm tra, đánh giá diễn biến tình hình mắc sốt rét tại thực địa thấy nguyên nhân chính là địa bàn thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng, điều kiện địa lý miền núi và kinh tế khó khăn, chủ yếu là người dân tộc với dân trí thấp; số người dân đi nương rẫy, khai thác nông lâm sản cao, nhưng việc chủ động phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, quản lý các đối tượng mắc và nguy cơ sốt rét vẫn chưa được thực hiện hiệu quả;
Ngoài ra, nhiều người dân chủ quan, không tuân thủ điều trị, công tác truyền thông phòng chống sốt rét còn hạn chế; việc phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành trong phòng chống sốt rét còn hạn chế.
Để tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa; Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Lai Châu và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:
Tổng hợp, phân tích sâu tình hình mắc sốt rét, xác định rõ nguyên nhân làm gia tăng mắc sốt rét và đánh giá nguy mắc sốt rét trên địa bàn. Kiểm tra và đánh giá việc triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị các trường hợp mắc sốt rét tại các địa phương.
Chỉ đạo tăng cường giám sát, chẩn đoán phát hiện, điều trị đúng phác đồ để hạn chế nguy cơ sốt rét nặng và tử vong, khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm và điều trị cho cán bộ y tế của địa phương.
Xây dựng kế hoạch đáp ứng gia tăng mắc sốt rét báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để khẩn trương triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn và khống chế sự gia tăng của sốt rét trên địa bàn; tăng cường phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống để giải quyết tình hình sốt rét tại địa phương.
Cùng đó, tổ chức truyền thông các biện pháp phòng chống sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng sốt rét, thực hiện ngủ màn cả ở nhà và khi ngủ trong rừng, nương rẫy và khi bị mắc sốt rét thì sử dụng thuốc điều trị đầy đủ theo hướng dẫn.
Cấp màn, võng có tẩm hóa chất diệt muỗi, kem xua muỗi; thực hiện tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân và phun hóa chất diệt muỗi tồn lưu tại các hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao.
Các tỉnh này cũng cần củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của hệ thống phòng chống sốt rét, nhất là y tế xã, thôn, bản. Đảm bảo bố trí nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động phòng chống sốt rét; hướng dẫn và chi trả kinh phí mua hóa chất, kinh phí về giám sát, trả công người đi phun hóa chất và tẩm màn, bồi dưỡng người tham gia chống dịch và các hoạt động phòng chống sốt rét khác.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các tỉnh này theo dõi sát diễn biến tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp phòng chống để có các biện chỉ đạo các địa phương kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh.