Tín ngưỡng Bàn Vương của người Dao

Người Dao là một tộc ít người, sống rải rác ở vùng núi phía Nam Trung Quốc vùng Đông Nam Á lục địa và Mỹ. Họ gồm nhiều nhóm, với tên gọi phần lớn dựa trên đặc trưng trang phục (Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Áo Xanh, Dao Quần Trắng…). Tuy nhiên, dù ở đâu, mọi nhóm Dao đều coi Bàn Vương là Ông Tổ của mình.

Người Dao là một tộc người thuộc khối Bách Việt xưa. Tên được gọi của họ (Dao) là từ họ hàng với Giao/ Lão/ Keo/ Táo, một tên khác của người Lạc Việt sau thời Đông Sơn. Tên tự gọi của họ Man/ Miên/ Mun lại gần âm và cùng nghĩa “người” với tên tự gọi Mon/ Muan của người Mường...

Mũ cho cô dâu một nhóm Dao Đỏ, Bắc Kạn.

Mũ cho cô dâu một nhóm Dao Đỏ, Bắc Kạn.

Ở Việt Nam, hiện chỉ có 2 tộc người có tín ngưỡng thờ cúng ông tổ chung. Đó là người Việt với tín ngưỡng Hùng Vương và người Dao với tín ngưỡng Bàn Vương.

Tín ngưỡng Bàn Vương của người Dao, gắn với lịch sử kỳ bí của họ, cũng có nhiều nét kỳ bí và đặc sắc. Truyền thuyết về Bàn Vương trong sử sách Trung Quốc và Dao có nhiều dị bản, nhưng về cơ bản kể rằng, Bàn Vương có tên gốc là Bàn Hồ, vốn là Long Khuyển (chó - rồng), một dạng chó thần đã có công giúp Bình Vương lấy đầu kẻ thù là Cao Vương. Bình Vương gả công chúa cho Bàn Hồ, hai người sinh ra 12 con, là tổ tiên 12 dòng họ của người Dao. Bàn Hồ được phong vương nên gọi là Bàn Vương...

Thực chất, tín ngưỡng Bàn Vương có gốc từ tín ngưỡng vật tổ chó của tổ tiên người Dao, một nhóm Bách Việt thời xa xưa. Tên gọi Long Khuyển gợi tới tên gọi Lạc Long Quân, vị Vua Rồng - thủy tổ của người Bách Việt. Thực tế, rồng là con vật huyền thoại, bản chất là thần sông nước - thần mưa, với hiện thân là các con vật thực như rắn, rùa, cá sấu, trâu, rái cá... Chó, con vật cũng bơi giỏi như chó sói, ông tổ của nó và như rái cá, con vật được coi là một loài chó. Một dị bản kể Bàn Hồ đã bơi vượt biển để mang đầu kẻ thù của Bình Vương về...

Tín ngưỡng vật tổ rái cá nổi trội thời Đông Sơn cho đến thời Đinh. Còn tín ngưỡng vật tổ chó vẫn còn sâu đậm đến tận thời Lý. Sử sách Việt ghi lại một loạt truyền thuyết về mối liên hệ thần bí giữa Lý Công Uẩn và chó: mẹ ông đến chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy thần (chó) rồi có mang. Ông sinh vào năm Giáp Tuất (974) tức tuổi chó. Khi mẹ bế ông đến cửa nhà Lý Khánh Văn, con chó bằng đồng để trong nhà bỗng sủa vang, là điềm báo có thánh nhân xuất hiện. Sau khi ông cho dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào năm Canh Tuất (1010 - năm chó), một con chó mẹ mang thai từ quê ông bơi qua sông Hồng tới núi Khán ở Thăng Long làm ổ đẻ. Vì thế, ông đã cho xây đền thờ Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi trên núi Khán và giữa hồ Trúc Bạch...

Cho đến giữa thế kỷ 20, truyền thuyết về ông tổ chó cũng còn thấy ở nhiều tộc người ở Việt Nam như Ba Na, Xơ Đăng, Stiêng, Giẻ Triêng, Cờ Tu, Chăm v.v...

Nếu họ Hùng của Hùng Vương có gốc từ một từ chỉ người/ cha/ thủ lĩnh/ vua trong tiếng Việt cổ thì họ Bàn của Bàn Vương có gốc từ Man hay Mán, một tên gọi của người Dao xưa, sau cũng thành tên gọi chung của nhiều tộc khác Hoa ở phương Nam.

Có nơi, người Dao coi Bàn Vương cũng là Bàn Cổ, vị thần đã sáng tạo ra vũ trụ, trời đất trong thần thoại Trung Quốc. Có nơi, họ coi đó là hai vị thần và thờ cúng ở hai đền khác nhau. Có nơi họ thờ cúng cả hai ở chung một bàn thờ, Bàn Cổ ở vị trí cao hơn.

Dù đa dạng thế nào, tín ngưỡng Bàn Vương luôn là tín ngưỡng trung tâm, tổng hòa kết nối các tín ngưỡng của người Dao trong lịch sử như tín ngưỡng vật tổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần và Đạo giáo.

Tín ngưỡng đó phủ sóng khắp các gia đình, dòng họ, nhóm địa phương của người Dao và cũng bao trùm các giá trị cơ bản của văn hóa cổ truyền Dao.

Ở người Dao, các biểu hiện cổ kính và đặc sắc nhất của tín ngưỡng Bàn Vương được gắn với tín ngưỡng vật tổ chó. Trước hết, đó là tục kiêng ăn thịt chó, tiếp đó là tục mang trang phục có các yếu tố mô phỏng các bộ phận cơ thể của ông tổ.

Phụ nữ một số nhóm Dao có tục mặc quần áo gồm 5 màu đỏ, xanh, vàng, trắng, đen bắt nguồn từ truyền thuyết bộ lông ngũ sắc của Bàn Hồ xưa. Họ tin rằng, khi mặc bộ quần áo với 5 màu đó, thú dữ sẽ tránh xa, không làm hại họ.

Có lẽ, từ quan niệm trên, trang phục Dao là trang phục đa dạng, nhiều màu sắc và hoa văn trang trí nhất trong trang phục các tộc ít người. Phụ nữ Dao cũng thuộc những nghệ nhân giỏi nhất trong việc dệt, nhuộm, thêu thùa, vẽ sáp trên trang phục. Đặc biệt, một số nhóm Dao vẫn giữ được tục cô dâu trong đám cưới và phụ nữ có chồng mang chiếc mũ hình đầu chó cách điệu.

Tục này bắt nguồn từ sự tích công chúa - bà tổ của người Dao đã cưới chồng có mình người, đầu chó. Mỗi nhóm có một dạng mũ khác nhau. Dạng cầu kỳ nhất có hình chóp của cô dâu nhóm Dao Thanh Phán ở Quảng Ninh được làm từ khoảng 110-120 tấm vải thêu viền đỏ chồng lên nhau. Dạng đơn giản nhất có hình hộp phủ vải hoa sặc sỡ dành cho phụ nữ có chồng của nhóm đó. Dạng trông kỳ bí là chiếc mũ của cô dâu một nhóm Dao Đỏ ở Bắc Kạn...

Phụ nữ một số nhóm lại có dạng váy mang những dải phía sau gợi tới chiếc đuôi chó. Đặc biệt, tại phần ngực, lưng trên áo và các phần nổi bật trên váy, khăn, thắt lưng của nhiều nhóm Dao thường thêu hay đính một dạng hoa văn mô phỏng vết cắn hay dấu bàn chân chó khi Bàn Hồ mang vợ đi. Họ tin ai có hoa văn đó sẽ được Bàn Vương phù hộ và gặp nhiều tốt lành, may mắn.

Ở một số nhóm, dạng hoa văn đó được đặt trong một tấm thêu hình vuông giống hình chiếc ấn ở trước bụng hay sau lưng, gọi là ấn Bàn Vương.

Hình thức cao nhất của tín ngưỡng Bàn Vương là lễ hội Bàn Vương. Do người Dao phân hóa thành nhiều nhóm sống rải rác ở vùng núi non nên lễ hội này được tiến hành vào những thời gian, chu kỳ, quy mô và cách thức rất khác nhau.

Tranh thờ Bàn Vương của một nhóm Dao ở Tuyên Quang.

Tranh thờ Bàn Vương của một nhóm Dao ở Tuyên Quang.

Nhiều nhóm tiến hành lễ Bàn Vương vào ngày 16/10 âm lịch. Theo một truyền thuyết, khi vượt biển đi tìm đất mới, tổ tiên người Dao gặp bão to sóng lớn, thuyền cứ lênh đênh trên biển. Trong cơn tuyệt vọng, một người tới đầu thuyền cầu khấn Bàn Vương. Bỗng nhiên, sóng yên, biển lặng, thuyền vào được bờ. Đó là ngày 16/10 âm lịch, ngẫu nhiên cũng là ngày sinh Bàn Vương. Từ đó, để tưởng nhớ công ơn Bàn Vương, người Dao tiến hành lễ hội Bàn Vương vào ngày này. Đó cũng là lúc nông nhàn sau vụ lúa thu, nên cũng là dịp người Dao kết hợp với lễ tạ ơn, mừng lúa mới.

Một số nhóm lại tiến hành lễ Bàn Vương vào những ngày khác nhau trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 âm. Đó cũng thời điểm vào mùa xuân, đầu mùa mưa, mùa gieo hạt để người Dao kết hợp với các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa.

Trong lễ hội Bàn Vương, người Dao có một loạt nghi lễ như treo tranh thờ Bàn Vương, múa các điệu múa liên quan đến Bàn Vương, hát các bài ca về Bàn Vương v.v...

Tranh thờ Bàn Vương thể hiện Bàn Vương như một vị vua ở giữa các bức tranh vẽ các vị thần linh khác của Đạo giáo.

Múa Bàn Vương là các điệu múa nhằm tưởng nhớ công ơn Bàn Vương, bao gồm các điệu múa trống, múa rùa, múa gà, múa chuông, múa khăn, múa kiếm, múa gậy v.v... Các điệu múa đều được gắn với một truyền thuyết nhất định gắn với Bàn Vương, mang phong cách đơn sơ, mạnh mẽ và tính cộng đồng cao.

Ví dụ: điệu múa trống được gắn với truyền thuyết kể trong một cuộc đi săn, Bàn Vương bị một con sơn dương đâm chết bên một cây gù hương. Con cháu Bàn Vương đã chặt cây gù hương làm thân trống, lột da sơn dương làm mặt trống để dùng cúng hồn Bàn Vương. Điệu múa rùa lại được gắn với một truyền thuyết kể loài rùa đã cứu giúp tổ tiên người Dao thoát khỏi bầy ác thú. Nhớ ơn đó, tổ tiên người Dao đã đúc chiếc chũm chọe hình rùa làm nhạc cụ cho các điệu múa thiêng thờ cúng tổ tiên - thần linh, trong đó có điệu múa rùa...

Ca Bàn Vương là một bộ sử thi Dao gồm nhiều bài hát, bài thơ kể về nguồn gốc trời đất, con người, về cuộc sống săn bắn, hái lượm, trồng trọt, về tình cảm trai gái, vợ chồng, về các cuộc tranh đấu chống áp bức và di cư của tổ tiên người Dao.

Với lịch sử hàng ngàn năm, tín ngưỡng Bàn Vương chính là linh hồn của văn hóa truyền thống Dao và là cốt lõi của bản sắc, bản lĩnh Dao.

Tạ Đức

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/tin-nguong-ban-vuong-cua-nguoi-dao--i735451/