Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Lắng đọng sức mạnh cội nguồn dân tộc

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các Vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà điểm nhấn quan trọng là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chất chứa nội hàm biểu trưng của lòng thành kính, tri ân của con dân đất Việt với công đức các Vua Hùng - những người có công dựng nước. Trải qua bao dâu bể thời gian, hưng vong của các triều đại phong kiến, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được gìn giữ, trao truyền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ khắp các vùng miền trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, lũy kế sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho nước Việt trường tồn, ngày càng phát triển hùng cường...

Đền Trung nằm trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).

Xuyên suốt thời gian...

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các Vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua thời gian, phong tục này đã trở thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà đỉnh cao là thờ cúng Hùng Vương. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương được quy định cụ thể, chặt chẽ thể hiện sự tôn kính của của các triều đại và nhân dân đối với Tổ tiên. Trong cuốn “Ngọc phả Hùng Vương” do Trực học sĩ Nguyễn Cố soạn năm 1470 đã ghi lại: “... Phụng ban hương Trung Nghĩa (Cổ Tích) làm dân Trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu thuế ruộng từ của một vùng trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, dưới Việt Trì làm hương hỏa phụng thờ”. Đến thời nhà Nguyễn, định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của thập kỷ), đến năm Khải Định thứ 2 (1917) đã ấn định ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc lễ, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương một ngày, còn ngày giỗ 11 tháng 3 Âm lịch do dân sở tại làm lễ...

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta càng đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc và chú trọng đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên chung của dân tộc. Ngay sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 01 ngày. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946), cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước về dự Giỗ Tổ, dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm nhằm kính cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của đất nước. Ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 Âm lịch). Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ lớn - Quốc Lễ của cả nước và được Chính phủ quy định cụ thể về quy mô tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ (Nghị định số 82/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài).

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được trao truyền, chiếm vị trí thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần của người Việt, có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân. Yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương góp phần quan trọng hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi, dân tộc Việt Nam cùng một dòng máu Lạc Hồng, cùng một bọc mẹ sinh ra luôn được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”, “Cây có cội, nước có nguồn”... Ý thức người Việt thờ cúng các Vua Hùng cũng chính là để tôn vinh dân tộc mình.

Lan tỏa không gian

Đền Thượng nằm trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).

Tri ân công đức tổ tiên, ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng bậc Tổ chung của mình - các Vua Hùng tại non thiêng Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì). Các ngôi Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng ra đời gắn với quá trình phát triển của các làng xã quanh khu vực. Từ đỉnh núi Hùng - Trung tâm thờ tự các vua Hùng đầu tiên này, theo dòng chảy thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các địa phương khác. Đầu tiên là các vùng đất quanh chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích (xã Hy Cương), đình làng Trẹo (Thị trấn Hùng Sơn), đình làng Cả (Tiên Kiên)…, sau đó lan tỏa khắp địa bàn Phú Thọ, Vĩnh Phúc, hầu như huyện, thành, thị nào cũng có những ngôi đền thờ Hùng Vương, vợ con tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương, rồi lan tỏa ra các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và tiến sâu vào đất phương Nam theo dấu chân mở cõi của người Việt.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự. Phú Thọ là tâm điểm của thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động Lễ - Hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở tỉnh, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước và kiều bào tham gia trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Cùng với Phú Thọ, để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang… đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo hướng dẫn chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức nghi thức Giỗ Tổ Hùng Vương trong cả nước vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức Tổ tiên của các thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các Vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian của các vùng miền dân tộc.

Hội thi bơi chải ở khu vực ngã ba sông (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì) trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng.

Không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các Vua Hùng như ở Califonia (Hoa Kỳ), Canada, Australia… hoặc các điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ về Tổ tiên trong ngày quốc lễ, như ở Nga, Séc, Lào, …Việc thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống thì tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên - thờ các Vua Hùng được người Việt tôn vinh và thờ tự. Những không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Đó chính là hành trang tinh thần vô giá của cả dân tộc để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, lan tỏa mạnh mẽ vượt qua biên giới quốc gia, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang trở thành điểm tựa tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối bền chặt để “cả nước hướng về Đền Hùng và từ Đền Hùng nhìn ra cả nước”, con Lạc cháu Hồng chung vai góp sức gìn giữ, phát triển giang sơn giàu đẹp thỏa ước nguyện tiền nhân./.

Với những giá trị độc đáo và riêng biệt, ngày 6-12-2012, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Đây cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Và điều đó đã chứng minh cho cho toàn thế giới rằng, văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, và có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới.

Bài và ảnh: Vũ Xuân Chường
(Tổng Biên tập Báo Phú Thọ)

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/202104/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-lang-dong-suc-manh-coi-nguon-dan-toc-2543536/