Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn văn hóa
Tiến sĩ Phạm Việt Long, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vừa trình làng công trình nghiên cứu văn hóa 'Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn văn hóa'.
Năm 2016, UNESCO đã ghi nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, các nhà văn hóa học, nhà khoa học xã hội và những người quan tâm đến lĩnh vực này đều nức lòng và tự hào bởi bên cạnh trang sử vẻ vang của dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước, dân tộc ta còn có chiều sâu văn hóa được thế giới ghi nhận.
Nhà văn, Tiến sĩ Phạm Việt Long, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã trình làng công trình nghiên cứu văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn văn hóa”. Công trình gồm 567 trang chia làm 5 chương do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành không chỉ là một nghiên cứu học thuật mà còn là một hành trình khám phá sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống người Việt.
Là một nhà văn đam mê văn hóa dân gian, với kinh nghiệm những năm làm báo, viết văn, giảng dạy đại học, tác giả đã khái quát những nét cô đọng nhất, tinh hoa nhất về tín ngưỡng thờ Mẫu và vai trò quan trọng của nó trong việc hình thành và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam.
Với kết cấu cô đọng, chương 1 giới thiệu và phân tích cho bạn đọc hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu, một yếu tố quan trọng trong di sản văn hóa tâm linh người Việt Nam. Tác giả đã phân tích tỉ mỉ các khái niệm, nguồn gốc, đặc trưng, phương thức và bản chất tín ngưỡng này, qua đó khám phá giá trị tinh thần mà nó mang lại cho cộng đồng. Chương 1 không chỉ mang lại cái nhìn toàn diện về tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn mở ra hướng nghiên cứu mới, nhấn mạnh sự cần thiết, tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị của nó trong xã hội hiện đại.
Chương 2, tác giả đã đưa người đọc đi sâu vào thế giới của nghi lễ và lễ hội liên quan đến thờ Mẫu, một phần quan trọng trong văn hóa dân gian có tính linh thiêng của người Việt. Qua việc khám phá nghi lễ hầu đồng, các hình thức hầu đồng đa dạng và sự hóa thân thành các vị thánh Mẫu, chương 2 đã làm nổi bật sự phong phú và độc đáo của tín ngưỡng này. Tác giả còn nhấn mạnh sự đóng góp của tín ngưỡng thờ Mẫu đối với văn hóa dân gian và làm giàu có thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Chương 3, tác giả đã khám phá sâu vào đội ngũ hầu đồng, các cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Thanh đồng, cung văn, thầy pháp và đồng phục trong các buổi hầu đồng không chỉ là thực hành các nghi lễ, mà còn là những người giữ gìn và truyền bá về tín ngưỡng này. Các đền, miếu, phủ và chùa có điện thờ Mẫu, cùng với các vật dụng tín ngưỡng như ban thờ, tranh thờ, tượng thờ, các phụ kiện và trang phục tín ngưỡng đều là những yếu tố không thể thiếu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là không gian để cộng đồng tập hợp thể hiện sự kính trọng đối với các vị thần. Với sự miêu tả kỹ lưỡng, chân thực trong các buổi hầu đồng, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện về cách thức mà tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện qua các nghi lễ, không gian thờ tự, các vật phẩm tín ngưỡng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy tín ngưỡng này trong xã hội hiện đại.
Trong chương 4, tác giả đã phân tích bối cảnh xã hội với những tác động đến tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như thực trạng của tín ngưỡng này trong xã hội hiện đại. Tín ngưỡng thờ Mẫu có một nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phản ánh sự sáng tạo và sự thích ứng của nhân dân ta đối với những thay đổi của xã hội.
Nhà văn Phạm Việt Long còn khảo sát và cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu có mức độ phổ biến rộng rãi không chỉ có ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác, đặc biệt là những nước có người Việt định cư, vì thế UNESCO đã công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chương 5 của cuốn sách khám phá sâu rộng về vai trò và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của xã hội và văn hóa người Việt. Từ việc thúc đẩy tinh thần đoàn kết cộng đồng, khẳng định vai trò của phụ nữ đến việc là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học và nghệ thuật hiện đại, chương này không chỉ là bản tổng kết về tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn là một lời kêu gọi hành động để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này cho thế hệ tương lai. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân và sứ mệnh của cả cộng đồng, để di sản văn hóa của chúng ta không chỉ là di sản của quá khứ mà là cầu nối cho tương lai.
Nhận xét về công trình nghiên cứu của nhà văn, Tiến sĩ Phạm Việt Long, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương đánh giá: “Nhà văn Phạm Việt Long đã khẳng định và làm sâu sắc thêm giá trị văn hóa xã hội của tín ngưỡng thờ Mẫu, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Việc kế thừa và phát huy di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của dân tộc trong đời sống hôm nay và mai sau là rất cần thiết”.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp báo chí, văn chương và nghiên cứu khoa học, nhà văn, Tiến sĩ Phạm Việt Long một lần nữa cung cấp cho bạn đọc một công trình nghiên cứu văn hóa có chiều sâu và cũng làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tin-nguong-tho-mau-tu-goc-nhin-van-hoa-390011.html