Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Tây Ninh

Trong cộng đồng, cư dân lập miếu thờ các vị nữ thần, cầu sự che chở, bảo hộ của các Bà cho thôn, ấp được an cư lạc nghiệp. Cùng với quan niệm 'mỗi xứ có một Bà' nên trong số các miếu thờ ở Tây Ninh, số lượng miếu thờ các vị nữ thần chiếm đa số.

Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên Nương

Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên Nương

Tín ngưỡng thờ nữ thần là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của người Việt. Tại Nam bộ, tín ngưỡng này đã được nhắc đến từ rất sớm trong sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức: “Sùng Phật, tin đồng bóng, phần nhiều trọng thần đàn bà, như Bà chúa Ngọc, Bà chúa Động, Bà Hỏa Tinh, Bà Thủy Long, Cô Hồng, Cô Hạnh...”.

Hầu như trong các xóm, ấp cư dân đều có lập miếu thờ các vị nữ thần hay các bà còn hiện diện với vai trò là vị gia thần độ mạng cho người nữ. Ở Tây Ninh, các nữ thần được đông đảo cư dân tôn thờ như Bà chúa Xứ, Linh Sơn thánh mẫu, Ngũ Hành nương nương, Bà Thủy Long, Bà Hỏa, Bà chúa Tiên, Bà chúa Ngọc, Địa Mẫu hay những vị nữ thần trong tín ngưỡng của người Hoa như Thiên Hậu thánh mẫu, Kim Hoa thánh mẫu, Lê Sơn thánh mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ... Bồ tát Quan Âm của Phật giáo trong hình tướng của người phụ nữ cũng được dân gian hóa như một vị nữ thần có tấm lòng từ bi, luôn che chở, cứu khổ, ban vui cho người dân và có cách gọi thân mật, tôn kính là “mẹ Quan Âm” hay “Phật Bà”.

Từ miền Trung trở vào Nam, do ảnh hưởng của tín ngưỡng Chăm nên xung quanh những truyền thuyết về các Bà có nhiều nét tương đồng so cùng nữ thần Po Inư Nagar được Việt hóa qua tên gọi Thiên Y A Na với công năng là “bà mẹ xứ sở”, do vậy mà các Bà chúa Xứ, Bà chúa Tiên, Bà chúa Ngọc, Bà Thủy Long, Bà Hỏa, Bà Đen... còn được xem là một dạng của Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi.

Trong dân gian, đặc biệt là ở Nam bộ có nhiều cách hiểu khác nhau về Bà - Cậu, “Bà” ở đây được hiểu là các vị nữ thần, còn “Cậu” là vị nam thần như Cậu Tài, Cậu Quý là con của các vị nữ thần hay Hà Bá là con của Bà Thủy Long. Đặc biệt, ở Tây Ninh còn có Cậu Bảy được phối thờ trong một số miếu thờ nữ thần như miếu Bà chúa Xứ Bàu Rong (phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng), nơi thờ Cậu Bảy lớn nhất là ở núi Cậu xưa của Tây Ninh, nay thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Trong cộng đồng, cư dân lập miếu thờ các vị nữ thần, cầu sự che chở, bảo hộ của các Bà cho thôn, ấp được an cư lạc nghiệp. Cùng với quan niệm “mỗi xứ có một Bà” nên trong số các miếu thờ ở Tây Ninh, số lượng miếu thờ các vị nữ thần chiếm đa số.

Nhiều nhất vẫn là miếu thờ Bà chúa Xứ, kế đến là miếu thờ Ngũ Hành nương nương, đặc biệt ở miếu Bà Ngũ Hành (khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) trên năm bài vị của năm Bà Ngũ Hành đều có chữ “Sắc tứ” cùng với hộp sắc còn lưu giữ tại miếu có thể đoán định rằng năm Bà Ngũ Hành ở đây từng được triều đình nhà Nguyễn cấp sắc phong, nhưng nay sắc không còn.

Hiện nay có hiện tượng trong một ngôi miếu mà được phối thờ nhiều vị nữ thần như Bà chúa Xứ, Linh Sơn thánh mẫu, Địa Mẫu, Ngũ Hành nương nương, Phật Bà Quan Âm... Một số nữ thần trong tín ngưỡng của người Hoa cũng được phối thờ trong các miếu thờ nữ thần của người Việt như ở Ngũ Hành cổ miếu (phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) có thờ Lê Sơn thánh mẫu hay miếu Bà chúa Xứ Cây Cầy (phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) có thờ Thiên Hậu thánh mẫu.

Lễ vía Bà Linh Sơn thánh mẫu.

Lễ vía Bà Linh Sơn thánh mẫu.

Gắn liền với tín ngưỡng sông nước ở Tây Ninh, đặc biệt là sông Vàm Cỏ Đông, đầu rạch Vàm Trảng (thuộc khu phố An Thới, phường An Hòa) và bến ghe kênh Trảng Bàng (khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng) ở thị xã Trảng Bàng cư dân cùng với các thương nhân buôn bán trên sông lập nên miếu thờ Thủy Long thánh mẫu, với mong muốn được Bà phù hộ bình an, việc buôn bán, làm ăn được thuận lợi.

Ở xã An Bình, huyện Châu Thành có ngôi miếu thờ Bà Hỏa hay còn gọi là miếu Bà Thốt Nốt. Được biết ấp Thanh Bình xa xưa có tên là xóm Bàu Đưng, những người đầu tiên đến đây khai phá vốn kiến họ Nguyễn quê gốc ở Trảng Bàng, khi mới đến định cư, mọi người thường cắt cỏ đưng mọc ven bàu đem về phơi khô dùng để lợp nhà, vốn là loại dễ cháy, mùa nắng thường xảy ra hỏa hoạn, bà con cho rằng là do “thủy - hỏa xung khắc” nên mới lập miếu thờ Bà Hỏa, nhưng nay ở miếu cũng đã đưa nhiều vị nữ thần khác vào thờ chung.

Tây Ninh là vùng đất phát tích nên tục thờ Linh Sơn thánh mẫu, nhưng số lượng miếu thờ Bà ở Tây Ninh không nhiều. Ngoài điện thờ chính bên cạnh chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) thì ở thị xã Trảng Bàng có ngôi Linh Sơn Thánh miếu ở khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng và ngôi miếu nhỏ ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận.

Ngoài ra, khoảng 2 năm nay, ngôi miếu Ngũ Hành trên đường Tua Hai ở khu phố 5, phường 1, thành phố Tây Ninh đổi thành nơi thờ Linh Sơn thánh mẫu. Trong Phật giáo ở Tây Ninh, từ lâu các vị tổ sư đã tôn phong Linh Sơn thánh mẫu là “Bồ tát” nên Bà còn được gọi với danh xưng là “Linh Sơn thánh mẫu Bồ tát”. Bên cạnh các miếu thờ do cư dân thành lập, Bà Đen được phối thờ nhiều trong các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông ở Tây Ninh và cả Nam bộ.

Việc thờ Diêu Trì Kim Mẫu (Địa Mẫu) muộn hơn so với các vị nữ thần khác, thần tích của vị nữ thần này được đề cập tường tận trong kinh “Ngọc Lộ Kim Bàn”, một bản kinh Minh Sư ra đời vào năm Quang Tự thứ 6 (1880) và được truyền bá rộng rãi ở Nam kỳ cùng với sự hoằng hóa của phái Minh Sư Phật đường.

Hầu như ở Tây Ninh không có miếu thờ độc lập, thường được phối thờ trong các miếu thờ Bà chúa Xứ, Bà Ngũ Hành nhưng vị trí được đặt ở chính giữa hoặc nơi trang trọng trong miếu. Đạo Cao Đài thờ Diêu Trì Kim Mẫu ở Báo Ân từ trong nội ô Tòa thánh Tây Ninh và tại điện thờ Phật Mẫu ở các họ đạo địa phương. Hầu cận và giúp việc bên cạnh cho đức Phật Mẫu còn có Cửu vị Tiên Nương.

Gắn liền với tín ngưỡng thờ nữ thần ở Tây Ninh là lễ vía Bà hay còn được xem là ngày cầu an tại miếu thờ nữ thần trong năm ở địa phương. Lễ vía Bà ở các miếu cũng tương tự như ở đình làng Nam bộ với lịch trình “xuân cầu thu báo” thường diễn ra vào tháng giêng và tháng 2 âm lịch, miếu Bà chúa Xứ và miếu Bà Thủy Long ở phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng cúng vào tháng 11 âm lịch. Đặc sắc trong lễ vía Bà với nghi thức diễn xướng bóng rỗi vừa có ý nghĩa phụng cúng làm vui cho Bà và cũng là phần hội cho khách thập phương khi đến viếng.

Miếu Bà chúa Xứ (Trảng Bàng).

Miếu Bà chúa Xứ (Trảng Bàng).

Lễ vía Linh Sơn thánh mẫu ở các miếu diễn ra vào ngày 5, 6.5 âm lịch hằng năm. Riêng lễ vía Bà ở Điện Bà tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen) được tổ chức trong 3 ngày từ 4 - 6.5 âm lịch theo nghi thức Phật giáo và diễn xướng dân gian như bóng rỗi, đại bội... Năm 2019, lễ vía Bà Linh Sơn thánh mẫu - núi Bà Đen được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Gắn liền với việc thờ Địa Mẫu có lễ vía vào “thập bát trăng mười”- tức ngày 18.10 âm lịch thường được tổ chức cúng tại các miếu thờ nữ thần. Riêng đạo Cao Đài có Hội yến Diêu Trì cung vào dịp Trung thu đã trở thành một lễ hội đặc sắc trong tôn giáo ở Tây Ninh.

Trong tiến trình hình thành và phát triển nơi vùng đất Tây Ninh, các vị nữ thần là niềm tin và đáp ứng được nhu cầu tâm linh với vai trò là “bà mẹ xứ sở”, vị thần độ mạng bảo hộ cho cư dân từ trong thôn, ấp cho đến từng gia đình. Do sự cộng cư của các tộc người đã góp phần làm đa dạng nền văn hóa và phong phú các vị nữ thần, trong đó Linh Sơn thánh mẫu (Bà Đen) là tín ngưỡng khởi phát tại Tây Ninh. Sự hiện diện của các vị nữ thần trong đạo Phật hay Cao Đài ở Tây Ninh đã cho thấy được tinh thần “nhập thế” của các tôn giáo để rộng truyền giáo lý đến với đại chúng.

Phí Thành Phát

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tin-nguong-tho-nu-than-o-tay-ninh-a151691.html