Tin nhắn cuối cùng của tỷ phú người Anh trên tàu ngầm Titanic vừa mất tích
Một trong những hành khách đi trên con tàu ngầm xuống đáy biển tham quan xác tàu Titanic là tỷ phú người Anh Hamish Harding. Hiện con tàu ngầm này đã mất tích. Trước chuyến đi, tỷ phú Harding đã gửi tin nhắn cuối cùng cho một người bạn, tin nhắn đó cho thấy điều gì?
Một ngày trước khi con tàu ngầm của công ty OceanGate Expeditions bắt đầu hành trình xuống đáy biển tham quan xác tàu Titanic, những hành khách đã đăng ký tham gia tour đều rất hồi hộp. Trong số những hành khách đó có Hamish Harding, tỷ phú người Anh.
Ông Harding, 58 tuổi, không giấu giếm sự hào hứng với việc được đi 3.800 mét xuống biển để nhìn tận mắt con tàu đắm nổi tiếng.
Trước khi đi, ông Harding nhắn cho người bạn tên là Terry Virts: “Này, mai bọn mình sẽ đi. Mọi thứ có vẻ tốt, nhưng thời tiết đã rất xấu nên ai cũng mong đợi điều này (có thể mang ý là thời tiết đang có vẻ tốt lên)”.
Và đó là tin nhắn cuối cùng của ông Harding trước khi mọi tín hiệu từ ông - và con tàu, vốn tên là Titan nhưng vẫn được gọi là tàu ngầm Titanic - hoàn toàn biến mất.
Ông Virts đã mới chia sẻ tin nhắn trên trong chương trình Good Morning (Chào buổi sáng) của kênh ITV. Virts nói, tin nhắn của Harding cho thấy thời tiết khi khởi hành có thể không tốt, nhưng Harding không ngại các rủi ro.
Virts khẳng định: “Ông ấy hiểu rõ những rủi ro… Nói cho cùng, ông ấy đã lập vài kỷ lục thế giới. Đọc tin nhắn là thấy ông ấy rất phấn khích với chuyến đi”.
Trong số những người mất tích trên tàu ngầm cùng Harding còn có Shahzada Dawood, 48 tuổi, người giàu nhất Pakistan và con trai của ông là Sulaiman Dawood, 19 tuổi.
Công ty OceanGate Expeditions miêu tả chuyến tham quan xác tàu Titanic là “một cơ hội để bước ra ngoài cuộc sống thường ngày và khám phá một điều thực sự phi thường”.
Con tàu ngầm Titanic thật ra không phải là một tàu ngầm thực sự, vì nó không thể tự đi xuống nước rồi tự trở về, mà nó chỉ là một “tàu có thể hoạt động dưới nước”, nhưng vẫn được gọi chung là tàu ngầm. Nó mất tích vào đêm Chủ Nhật (18/6, theo giờ Mỹ, tức là sáng 19/6, theo giờ Việt Nam). Việc tìm kiếm đã được thực hiện ở độ sâu hơn 3.900 mét - đây sẽ là chiến dịch tìm kiếm sâu nhất trong lịch sử, nếu thành công.