Tin nóng Quốc hội: Mỗi cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật là lãng phí tiền của, công sức đào tạo không thể đo đếm
Tại phiên thảo luận ngày 31/10 về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021', đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) thẳng thắn cho rằng, xử lý cán bộ sai phạm là rất đau xót. Tuy nhiên, để có được một cán bộ cấp cao, không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, nếu xem thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đơn thuần là việc đối chiếu, soi rọi các định mức, tiêu chuẩn có phù hợp với quy định hay không thì có thể chưa đủ, bởi có những lãng phí vô hình mà chính sách, pháp luật, kể cả báo cáo chưa đề cập và khó đo đếm được.
Theo số liệu từ Báo cáo giám sát, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách vốn nhà nước là hơn 350.000 tỷ đồng, đại biểu Nhân cho rằng, đó là con số rất đáng quý. Tuy nhiên, bên cạnh đời sống khá ngắn của không ít dự luật phải sửa đổi sau một vài năm có hiệu lực, hay Luật Quy hoạch sau khi có hiệu lực vẫn không thể đi vào cuộc sống cho đến khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao là một sự lãng phí rất lớn. Đồng thời, việc chậm ban hành các cơ chế chính sách được xem là sự lãng phí về cơ hội, thời cơ phát triển, lãng phí này lớn gấp nhiều lần con số có thể định lượng và thậm chí kéo lùi sự phát triển.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm, để xử lý cán bộ sai phạm là rất đau xót. Tuy nhiên, để có được một cán bộ cấp cao, không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo.
Từ những lãng phí được nêu ra, đại biểu đặt câu hỏi, với cơ chế chưa phù hợp thì thành phố hay các địa phương phát triển bị nêu trong báo cáo phải làm thế nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? Con số tiết kiệm 350.000 tỷ sẽ được nhân lên gấp bội nếu các địa phương phát triển không còn phải "mặc chiếc áo đồng phục thể chế" vốn không còn vừa vặn từ lâu. Cùng với đó, đại biểu trăn trở, cơ chế chính sách hiện hành có thực sự ngăn ngừa và bảo vệ cán bộ công chức khỏi cám dỗ của vật chất để họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm đúng ngay từ đầu? Bởi, nếu giáo dục chưa đủ mạnh, dũng khí còn chông chênh trước những kẻ xấu thì luật pháp phải là phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai đang có ý định vượt lằn ranh của thể chế.
Thực hiện : Diệu Linh