Tin ở người trẻ

Quảng Bình, mảnh đất thấm đẫm truyền thống văn hóa nghệ thuật, nổi danh với nhiều loại hình sân khấu biểu diễn độc đáo và đậm bản sắc. Tuy nhiên, Quảng Bình cũng đang đối mặt với thách thức lớn trong việc đào tạo và phát triển thế hệ nghệ sĩ trẻ-những người được kỳ vọng sẽ kế thừa và tiếp nối dòng chảy văn hóa. Trong bối cảnh hiện đại, khi các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một trước sức ép của sự đổi thay, việc nuôi dưỡng đam mê và phát triển thế hệ kế cận không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là lời cam kết với tương lai của nghệ thuật dân tộc.

“Sáng” sân khấu bằng sức trẻ

Là một trong những nghệ sĩ trẻ đầy tài năng của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình, nghệ sĩ Trương Thị Oai (nghệ danh Thanh Oai) luôn mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với các loại hình dân ca truyền thống, đặc biệt là ca trù. Những tháng ngày miệt mài dưới ánh đèn sân khấu đã mang về cho chị nhiều giải thưởng lớn tại các hội diễn. Tại hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc toàn quốc năm 2024 ở Quảng Ngãi, chị đã xuất sắc giành huy chương vàng với tiết mục “Xẩm huê tình”. Đối với chị, thế hệ nghệ sĩ trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giới thiệu, bảo tồn và phát triển các loại hình dân ca truyền thống. “Nhận thức được trách nhiệm nặng nề ấy, bản thân tôi luôn nỗ lực học hỏi và trau dồi để không chỉ giữ gìn mà còn phát huy những giá trị văn hóa cha ông để lại”, chị chia sẻ.

Nghệ sĩ Thanh Oai với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ Thanh Oai với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống.

Gần như cả cuộc đời gắn bó với hát ru Cảnh Dương, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Thành Lộc (Cảnh Dương, Quảng Trạch) luôn canh cánh trong lòng nỗi trăn trở và đặt nhiều kỳ vọng vào việc đào tạo thế hệ kế cận. Với anh Lộc, trách nhiệm truyền dạy hát ru Cảnh Dương không chỉ là công việc, mà còn là một sứ mệnh cao cả, một hành trình miệt mài, bền bỉ trong việc chỉ dẫn và truyền lửa cho nhiều thế hệ con cháu tại địa phương.

Suốt hơn 8 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) dân ca Cảnh Dương do anh làm chủ nhiệm đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng tình yêu dân ca cho các thế hệ trẻ, với gần 40 thành viên, trong đó hơn 60% là người trẻ và trung niên. Đặc biệt, nhiều em nhỏ từ 7-12 tuổi cũng tham gia, tạo nên một lợi thế lớn cho CLB khi tham dự các hội diễn và chương trình nghệ thuật. Anh Lộc nhận thấy rằng, các bạn trẻ không chỉ có khả năng tiếp thu nhanh mà còn mang trong mình những ý tưởng sáng tạo đầy mới mẻ. “Hát ru Cảnh Dương và các loại hình nghệ thuật dân gian đòi hỏi nhiều kỹ năng diễn xướng, điều này rất phù hợp với giới trẻ và cũng vì thế nên thu hút được các bạn trẻ tại địa phương”, anh Lộc chia sẻ.

Phân hội Sân khấu biểu diễn (Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh) hiện có hơn 20 hội viên, 2/3 trong số đó là những nghệ sĩ trẻ, hoạt động ở 2 lĩnh vực: Múa và sân khấu dân gian. Theo NSƯT Lê Kiều Anh, Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu biểu diễn, thời gian qua, các nghệ sĩ trẻ đã tỏa sáng trên sân khấu biểu diễn bằng tài năng, nhiệt huyết và sự sáng tạo của mình. Không riêng lĩnh vực múa mà ở lĩnh vực trình diễn dân ca cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ có niềm đam mê đặc biệt với các loại hình dân ca truyền thống, như: Ca trù, hò khoan Lệ Thủy, hát ru Cảnh Dương… Chính sức trẻ và sự năng động của các nghệ sĩ đã góp phần làm sân khấu trở nên rực rỡ và tiệm cận hơn với đời sống của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đứng trước nhiều thách thức

Có nhiều đóng góp đáng khích lệ nhưng các nghệ sĩ trẻ cũng đối diện với nhiều thách thức trên con đường giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các làn điệu dân gian như hò khoan, hát ru, hay ca trù… đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ có tài năng mà còn phải hiểu biết sâu sắc về văn hóa địa phương và dân tộc.

Ở Quảng Bình, cơ sở vật chất và nguồn tài trợ cho việc đào tạo nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống vẫn còn rất hạn chế. Nhưng thách thức lớn nhất chính là sự thiếu vắng niềm đam mê dành cho dòng nghệ thuật này, khi mà người trẻ đang dần ít quan tâm. Trong khi đó, những nghệ nhân lớn tuổi-những người gìn giữ các bí kíp và kinh nghiệm diễn xướng độc đáo-lại đang dần vắng bóng. Họ ra đi khi không kịp truyền thụ lại kiến thức và kỹ năng cho thế hệ sau sẽ để lại khoảng trống lớn trong nghệ thuật truyền thống.

Nhiều tác phẩm được kết hợp giữa yếu tố truyền thống và đương đại.

Nhiều tác phẩm được kết hợp giữa yếu tố truyền thống và đương đại.

Dù đã được quan tâm đầu tư nhưng công tác đào tạo thế hệ kế cận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực sân khấu dân gian. Thêm vào đó, điều kiện kinh phí hạn hẹp cũng cản trở các hoạt động đào tạo, khiến việc bảo tồn và phát triển các loại hình sân khấu ngày càng trở nên khó khăn hơn.

NSƯT Lê Kiều Anh bày tỏ: “Chúng tôi-những người đã gắn bó hàng chục năm với sân khấu dân gian-luôn canh cánh trong lòng nỗi lo làm sao đào tạo được một thế hệ kế cận đủ tâm huyết với loại hình nghệ thuật này. Nhưng nỗi lo vẫn chỉ là nỗi lo, sự trăn trở vẫn chỉ là sự trăn trở, bởi chúng tôi đang đối diện với quá nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt kinh phí để duy trì và phát triển hoạt động. Nếu có đủ nguồn lực, chúng tôi sẽ trực tiếp biên đạo và dàn dựng các tác phẩm dân gian, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và đương đại, để nghệ thuật dân gian không chỉ được bảo tồn mà còn tiếp tục sống động và phát triển trong thời đại mới”.

Tạo cơ hội cho người trẻ

Thời gian qua, các CLB và lớp học truyền thống về hò khoan Lệ Thủy, hát ru Cảnh Dương và nhiều loại hình dân ca khác đã được thành lập tại các trường học, địa phương nhằm đào tạo thế hệ trẻ, những người yêu thích và mong muốn học hỏi. Các lớp học này không chỉ là nơi rèn luyện kỹ năng biểu diễn mà còn là môi trường để các nghệ sĩ trẻ học hỏi về văn hóa, phong tục và lịch sử địa phương. Tuy nhiên, nghệ sĩ Thanh Oai khẳng định, muốn đi xa hơn, những người trẻ cần được đào tạo chuyên sâu hơn các loại hình dân ca truyền thống. Đồng thời, phải được tạo điều kiện để rèn giũa, khẳng định mình trên nhiều sân khấu lớn hơn.

Trước sức hấp dẫn của các loại hình văn hóa và giải trí đương đại, nghệ thuật truyền thống dường như đang dần bị lu mờ, đối diện với nguy cơ mai một khi không còn nhận được sự quan tâm rộng rãi từ thế hệ trẻ. Thế nhưng, NNƯT Lê Thành Lộc vẫn giữ vững niềm lạc quan. Anh tin rằng, những di sản văn hóa quý báu mà cha ông để lại sẽ không dễ dàng biến mất, bởi thế hệ trẻ sẽ tiếp nhận chúng từ một góc nhìn mới mẻ, mang hơi thở thời đại để tiếp tục phát triển trên nền tảng sẵn có.

Nói cách khác, để nghệ thuật truyền thống không bị lãng quên, các nghệ sĩ trẻ cần được khuyến khích sáng tạo và đổi mới trên nền tảng các giá trị cốt lõi. Những sáng tạo này có thể bao gồm việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sử dụng công nghệ số trong việc biểu diễn và quảng bá nghệ thuật. Điều này không chỉ giúp nghệ thuật dân gian trở nên gần gũi hơn với giới trẻ, mà còn bảo đảm tính bền vững trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc.

Diệu Hương

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202409/tin-o-nguoi-tre-2220959/