Tin thế giới 10/11: Nga-Ukraine ăn miếng trả miếng, Israel nhất trí với điều này?
Trung Quốc lên tiếng về tình hình Myanmar, EU cảnh báo Nhà nước Do Thái, lãnh đạo Đức-Thổ Nhĩ Kỳ sớm gặp… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ukraine: Nga tăng cường tấn công Avdiivka: Ngày 9/11, phát biểu với hãng tin Espreso TV (Ukraine), người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự của thị trấn Avdiivka, ông Vitaliy Barabash nêu rõ lực lượng Nga đang pháo kích vào thị trấn “suốt ngày đêm” nhưng mặt đất ẩm ướt do mưa nhiều ngày đã cản trở lực lượng Moscow. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Một khi mặt đất khô ráo, họ chắc chắn sẽ tiến lên”.
Cùng lúc đó, sĩ quan báo chí của lữ đoàn tác chiến riêng biệt thứ 3 của Ukraine Oleksandr Borodin cho biết bộ binh Nga đang tiến hành các đợt tấn công lớn, trong khi cố gắng bảo toàn trang thiết bị. Ông này nhận định: “Họ sử dụng thiết bị ít hơn nhiều, chủ yếu là từ xa”. Theo ông, Nga chưa thể bổ sung nguồn cung cấp nhanh chóng và vị trí phòng thủ của Ukraine vẫn vững chắc. (Reuters)
* Nga cảnh báo về tình hình chất thải phóng xạ ở Ukraine: Ngày 10/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hiện có nguy cơ chất thải phóng xạ từ cơ sở lưu giữ của nhà máy hóa chất Pridneprovsky ở thành phố Kamenskoye thẩm thấu vào sông Dnipro và nước ngầm với số lượng 12 triệu tấn. Nguyên nhân có thể là do đập của một trong các cơ sở lưu trữ nằm cách sông và phụ lưu sông Konoplyanka 800m bị xói mòn.
Ngoài ra, mỗi năm có tầm 14 tấn bụi phóng xạ phát tán khắp khu vực xung quanh và rơi xuống đất nông nghiệp.
Theo Bộ Ngoại giao xứ bạch dương, hiện chính quyền Kiev không cấp kinh phí để đảm bảo an toàn môi trường cho các cơ sở nhà máy hóa chất Prydneprovsky. Bà Zakharova nhấn mạnh điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường không chỉ trên lãnh thổ Ukraine mà còn vượt ra ngoài biên giới nước này. (TASS)
* Xuồng không người lái Ukraine tấn công tàu chiến Nga: Sáng sớm 10/11, sau nỗ lực tấn công Sevastopol, quân đội Ukraine đã lập kế hoạch mới tấn công bán đảo Crimea. Mục tiêu đầu tiên là kho dầu ở Feodosia, nơi họ cố tấn công bằng 2 máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, những chiếc UAV này đã bị bắn hạ và không đạt được mục tiêu. Sau đó, đã xảy ra một cuộc tấn công vào căn cứ của Hạm đội Biển Đen và Cơ quan An ninh Nga (FSB) ở Chernomorsk.
Trong đó, ít nhất 1 tên lửa chống hạm Neptune đã được sử dụng cho cuộc tấn công này. Mục tiêu là một doanh trại, nhưng tên lửa trượt mục tiêu và rơi gần đó.
Song song với các cuộc tấn công này, 4 xuồng không người lái Ukraine đã được điều đến Vịnh Uzkaya, nhắm vào các tàu Hạm đội Biển Đen Nga. Hiện chưa có quân nhân nào thiệt mạng. Chuỗi tấn công này cho thấy Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đang sử dụng phương thức tấn công hỗn hợp, trong đó kết hợp đồng thời nhiều loại vũ khí khác nhau để tạo sự phân tâm và đạt được mục tiêu.
Trong một diễn biến khác, vào lúc 5h17 sáng 10/11, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) nhiều khả năng đã sử dụng hệ thống phòng không Pantsir-S1 đánh chặn thành công 1 UAV cảm tử của VSU ở huyện Kireevsky, tỉnh Tula. Theo thông tin sơ bộ, Ukraine đã sử dụng UAV tầm xa UJ-22A hay Beaver. Những chiếc UAV này có khả năng bay đường dài và mang lượng thuốc nổ lớn. (Reuters)
Israel-Hamas
* Israel đã hứng chịu 9.500 tên lửa: Ngày 9/11, Nhà nước Do Thái đã công bố số liệu về cuộc xung đột với Hamas, bùng phát ngày 7/10. Theo đó, nước này đã hứng chịu 9.500 quả tên lửa và hàng chục UAV từ dải Gaza, Lebanon, Syria và Yemen. Hệ thống phòng không của Israel đã thực hiện hàng nghìn vụ đánh chặn thành công ở mọi cấp độ, từ núi Dov ở miền Bắc tới Biển Đỏ ở miền Nam.
Theo số liệu của người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), trong vòng 4 giờ đầu tiên, khoảng 3.000 quả tên lửa đã được phóng vào lãnh thổ của Nhà quốc gia Do Thái. Đây là lần đầu tiên, các hệ thống phòng không đa tầng của Israel như Iron Dome, David Sling, Diamond và Arrow-3 phải hoạt động liên tục.
Trước đó, trong cuộc chiến Lebanon 34 ngày năm 2006, nước này đã hứng chịu 4.400 quả tên lửa. Con số này trong chiến dịch Bảo vệ Đường biên giới kéo dài 51 ngày năm 2014 là 4.500 quả. IDF cũng khẳng định đang chuẩn bị cho các kịch bản cực đoan hơn như khả năng mở rộng chiến dịch hoặc khu vực xung đột mới.
Ngày 7/10, Hamas đã bất ngờ tấn công miền Nam Israel, khiến 1.400 người thiệt mạng và hơn 240 người bị bắt cóc. Trong khi đó, theo quan chức Palestine, hoạt động quân sự đáp trả của Israel đang diễn ra đã khiến 10.569 người ở Gaza thiệt mạng. Trong đó, có tới 40% số thương vong là trẻ em. (AFP/Times of Israel)
* Thành phố Israel bị tấn công bằng tên lửa và UAV: Ngày 9/11, IDF cho biết một UAV chưa xác định danh tính đã tấn công một trường tiểu học ở thành phố Eilat ở cực Nam Israel, gây thiệt hại hạ tầng và hoảng loạn.
Một người phát ngôn của IDF tại hiện trường cho hay không có ai bị thương trong vụ nổ, song có 7 người bị sốc và cần nhân viên y tế chăm sóc. Cảnh sát và IDF đã nhanh chóng phong tỏa hiện trường.
Hiện IDF chưa xác định được nguồn gốc của chiếc UAV và cũng chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm gây ra vụ việc. Các quan chức an ninh Israel đang nghiêng về giả thuyết chiếc UAV này có thể do phong trào Houthi phóng từ Yemen. Biên tập viên Ron Benjamin Netanyahu Yishai của tờ Ynet (Israel) cho rằng chiếc UAV do Houthi chế tạo dựa trên mẫu Smad-3 của Iran và có khả năng mang theo tải trọng từ 10-20kg. Ngoài ra, các nhà chức trách đang điều tra xem lộ trình di chuyển của UAV này có bay qua Jordan hay Ai Cập không.
Đêm cùng ngày, còi báo động tại Eilat, thị trấn Eilot và khu công nghiệp Shchoret lại vang lên khi loạt tên lửa bắn về phía thành phố này. Sau đó, người phát ngôn IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết hệ thống phòng không Arrow-3 đã phải kích hoạt để đánh chặn tên lửa thù địch bắn về khu vực cực Nam của Israel.
Trong một tin liên quan, viết trên trang X, IDF nêu rõ: “Để đáp trả việc một chiếc UAV từ Syria tấn công một trường học ở Eilat, IDF đã tấn công tổ chức thực hiện vụ việc”. Tuyên bố của lực lượng này không xác định tổ chức đằng sau chiếc UAV, song nhận định rằng “chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hoạt động quân sự xuất phát từ lãnh thổ của mình”. (AFP/Reuters)
* Israel không tìm cách chiếm đóng Dải Gaza: Ngày 9/11, phát biểu trên Đài truyền hình Fox News (Mỹ), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ: “Chúng tôi không tìm cách chinh phục Gaza, chúng tôi không tìm cách chiếm Gaza và chúng tôi không tìm cách cai trị Gaza”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh nhu cầu cần sớm thành lập một chính phủ dân sự ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, Israel sẽ bảo đảm một cuộc tấn công như ngày 7/10 không xảy ra nữa. Ông Netanyahu khẳng định phải có lực lượng đáng tin cậy, trong trường hợp cần thiết, sẽ tiến vào Gaza và tiêu diệt các lực lượng cực đoan, nhấn mạnh lực lượng như vậy sẽ ngăn chặn sự tái xuất hiện của một thực thể tương tự Hamas. (AFP)
* Nhà Trắng: Israel nhất trí ngừng bắn 4 tiếng một ngày tại Dải Gaza: Ngày 9/11, điều phối viên chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ: “Israel sẽ bắt đầu tạm dừng (hoạt động quân sự) 4 tiếng/ngày tại các khu vực ở phía Bắc Dải Gaza, với thông báo sẽ được đưa ra trước đó 3 tiếng”. (AFP)
* Iran cảnh báo xung đột Israel-Hamas lan rộng: Ngày 10/11, trang Press TV (Iran) cho biết Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian đã điện đàm người đồng cấp Qatar Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani. Trong điện đàm, ông Abdollahian đã nêu rõ: “Do cường độ các cuộc đụng độ tại dải Gaza ngày càng tăng lên, việc mở rộng quy mô của xung đột này là điều không thể tránh khỏi”.
Trước đó Tehran và các lực lượng vũ trang khu vực như Hezbollah, Houthi và các phong trào thánh chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria đã đe dọa sẽ tấn công Israel hoặc mục tiêu của Mỹ tại khu vực để trả đũa cho chiến dịch tấn công dải Gaza.
Qatar hiện đang liên hệ chặt chẽ với Hamas và tích cực trung gian nhằm giải thoát gần 240 con tin đang bị lực lượng vũ trang này giam giữ ở dải Gaza. (PressTV)
* Nga đề xuất họp về xung đột Israel-Hamas: Ngày 10/11, Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov cho biết xứ bạch dương đang đề xuất một cuộc họp cấp bộ trưởng về cuộc xung đột, bao gồm đại diện của các quốc gia Trung Đông. Trước đó ngày 6/11, Nga kêu gọi chấm dứt việc ném bom vào Gaza, cho rằng việc nối lại các cuộc đàm phán giữa chính quyền Israel và Palestine là cần thiết để tránh nguy cơ về một xung đột lớn hơn và sự gia tăng “hoạt động khủng bố”. (TASS)
* EU cảnh báo Israel bị quốc tế cô lập vì chiến dịch quân sự ở dải Gaza: Ngày 9/11, phát biểu trên kênh truyền hình France 2 (Pháp), đề cập tới Israel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, trong khi tự bảo vệ mình. Theo quan chức này, việc Nhà nước Do Thái bao vây toàn bộ Gaza là “không phù hợp với luật pháp quốc tế, nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo việc bảo vệ dân thường”. Đồng thời, ông nhắc lại rằng việc giải quyết xung đột Israel-Hamas thông qua việc thành lập hai nhà nước vẫn là "ưu tiên tuyệt đối" đối với Liên minh châu Âu.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của một hội nghị quốc tế về vấn đề này. EU có thể và phải chủ động thúc đẩy giải pháp hai nhà nước và chuẩn bị một kế hoạch và giải pháp cụ thể làm cơ sở cho khu định cư. (France2)
* Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu bệnh viện tới hỗ trợ người dân Gaza: Ngày 10/11, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca nêu rõ: “Tổng cộng 51 container vật tư y tế, máy phát điện và 20 xe cứu thương, với sự cho phép cần thiết, đã được đưa lên một con tàu từ cảng Alsancak của Izmir và đi đến Ai Cập. Là một phần của gói viện trợ, một bệnh viện dã chiến được trang bị đầy đủ với các phòng mổ và phòng chăm sóc đặc biệt đã được chuyển đi”.
Đoạn video được Bộ trưởng Koca chia sẻ trong bài đăng trên mạng xã hội X cho thấy xe cứu thương, xe lăn, hộp đựng vật tư y tế và một số container khác đang được xếp lên tàu. Dự kiến, con tàu sẽ đến cảng Al Arish của Ai Cập vào ngày 11/11. Các bệnh viện dã chiến và xe cứu thương sẽ được triển khai tới Gaza hoặc các điểm gần cửa khẩu Rafah với sự phối hợp của chính quyền Ai Cập. (Reuters)
Nga-Mỹ
* Nga có thể hạ cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ: Ngày 10/11, trả lời phỏng vấn đài RTVI (Nga), Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov nêu rõ: “Chúng ta thực sự đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ, điều mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Chúng ta cần phải điều chỉnh và xác minh cẩn thận các bước sẽ thực hiện để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa.
Lãnh đạo của chúng tôi khuyến khích Bộ Ngoại giao và các cơ quan Chính phủ liên bang khác hành động theo cách này, đó là những gì chúng tôi được hướng dẫn. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy người Mỹ thực hiện một loạt các bước đi thiếu trách nhiệm và leo thang liên quan đến Ukraine, và không chỉ ở đó... Đó là lý do vì sao, nếu nhìn vào mô hình ứng xử hiện nay của Washington từ góc độ này, tôi không loại trừ bất cứ điều gì cả. Mức độ (quan hệ ngoại giao) có thể bị hạ cấp, và việc cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng có thể xảy ra”.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Nga không có kế hoạch khởi xướng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ: “Chúng tôi tin rằng quan hệ ngoại giao là một yếu tố trong các vấn đề quốc tế cần được quan tâm, nếu không chúng ta sẽ mất tất cả những gì còn lại trong số các kênh trao đổi văn minh để gửi thông điệp cho nhau”.
Quan chức Nga cũng chỉ ra rằng ngày 16/11 sẽ đánh dấu 90 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Mỹ. Mối quan hệ này đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thậm chí có giai đoạn là đồng minh, là anh em như trong cuộc chiến chống lại chế độ Đức Quốc xã. Ông Ryabkov tuyên bố Nga sẽ luôn đáp trả mọi sự phản đối và hành động gây hấn của Mỹ, khẳng định Moscow luôn bảo vệ lợi ích của mình một cách chắc chắn và nhất quán ở mọi lĩnh vực. (TASS)
Đông Nam Á
* Trung Quốc sẽ bảo đảm an ninh ở biên giới với Myanmar: Ngày 10/11, trả lời họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc hết sức quan ngại về xung đột ở miền Bắc Myanmar và kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy ngay lập tức ngừng bắn và ngừng giao tranh, quan tâm thực chất tới các mối quan ngại về an ninh của Trung Quốc và hợp tác với Bắc Kinh để duy trì sự an toàn của các dự án hợp tác song phương, cũng như nhân viên kinh doanh”.
Trước đó một ngày, Tổng thống Myanmar Myint Swe cảnh báo quốc gia này có nguy cơ bị chia cắt nếu quân đội không thể ngăn những đợt tấn công từ các nhóm sắc tộc vũ trang dọc biên giới với Trung Quốc. Chính quyền quân sự đang đối mặt với thách thức lớn nhất từ sau sự kiện tháng 2/2021. Hiện các nhóm sắc tộc vũ trang ở biên giới không ngừng gia tăng tấn công vào các căn cứ của chính quyền quân sự ở các khu vực phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc và Đông Nam Myanmar.
Tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung đã tới Myanmar. Ông hối thúc nước này thực thi các biện pháp hiệu quả để tăng cường an ninh cho cơ sở và nhân sự Trung Quốc tại quốc gia này. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Nhật Bản, Mỹ cam kết tăng cường hợp tác an ninh: Ngày 10/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tướng Charles Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã gặp gỡ tại Tokyo.
Trong cuộc gặp, ông Kishida và Tướng Brown, người mới nhậm chức hồi tháng 10, đã trao đổi quan điểm về cách giải quyết nỗ lực “thay đổi hiện trạng một cách đơn phương bằng vũ lực của Trung Quốc và mục tiêu của nước này”. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về những động thái mới đây của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Moscow, chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Thủ tướng Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Về phần mình, Tướng Brown cho hay hai nước, vốn là các đồng minh an ninh thân cận của nhau, sẽ tăng cường quan hệ đối tác nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cùng ngày, Tướng Brown đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara. (Kyodo)
Châu Âu
* Thủ tướng Đức gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới: Ngày 10/11, người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Olaf Scholz sẽ gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Berlin vào tuần tới, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với áp lực mới từ cuộc chiến Israel-Hamas. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “toàn bộ các vấn đề chính trị” trong cuộc gặp tại Phủ Thủ tướng tối 17/11. Trước đó, cáo buộc của ông Erdogan chống lại Israel đã gây ra những căng thẳng mới với Liên minh châu Âu. (AFP)
* Hungary: Ukraine chưa sẵn sàng đàm phán gia nhập EU: Ngày 10/11, phát biểu trên đài Kossuth (Hungary), Thủ tướng nước này Viktor Orban khẳng định Ukraine “chưa sẵn sàng đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU)”. Ông nhấn mạnh quan điểm của Budapest là “chưa thể bắt đầu đàm phán”.
Theo Thủ tướng Orban, Hungary sẽ không bao giờ đồng ý gắn vấn đề chi trả cho Ukraine từ quỹ của EU và việc nước này gia nhập EU với câu chuyện hoàn trả số tiền từ các quỹ của EU cho Budapest bị phong tỏa. Ông cũng khẳng định việc nước này không đồng ý bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên EU của Ukraine không phải để thương lượng. Cụ thể, vấn đề này không nên gắn với bất kỳ vấn đề tiền bạc nào và Hungary phải nhận số tiền mà Brussels vẫn đang nợ Budapest
Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định tất cả các vấn đề liên quan đến Ukraine, bao gồm cả nguồn tài trợ lấy từ ngân sách của EU và việc bắt đầu đàm phán gia nhập liên minh “không nên liên quan đến việc trả lại tiền cho Hungary”. (TTXVN)
Châu Mỹ
* Phó Thủ tướng Overchuk dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự APEC: Ngày 10/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Ngày hôm qua, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc ai sẽ đại diện cho Nga tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco, Mỹ. Theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin, phái đoàn Nga sẽ do Phó Thủ tướng Alexei Overchuk dẫn đầu”. (Sputnik)
Châu Phi-Trung Đông
* LHQ đàm phán bảo đảm quá trình chuyển đổi an ninh ở Somalia: Ngày 9/11, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về Châu Phi Martha Pobee cho biết tổ chức này đang đàm phán với Somalia và Phái bộ chuyển tiếp của Liên minh châu Phi tại Somalia (ATMIS) để bảo đảm quá trình chuyển đổi an ninh thành công. Khi đó, lực lượng an ninh Somalia có thể kiểm soát an ninh sau khi ATMIS rút.
Theo kế hoạch rút quân, khoảng 3.000 quân thuộc ATMIS sẽ tiếp tục rời Somalia cuối tháng 9 kéo dài cho đến tháng 12/2024. Phát biểu tại với lãnh đạo cấp cao của ATMIS và Phái bộ LHQ tại Somalia, bà khẳng định chuyến thăm của bà rất quan trọng để tăng cường sự hợp tác giữa ATMIS, Somalia và các đối tác quốc tế, hỗ trợ định hình an ninh của Somalia sau khi ATMIS rời đi vào tháng 12/2024.
Về phần mình, ông Mohammed El-Amine Souef, đại diện đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi tại Somalia đồng thời là người đứng đầu ATMIS, đã ca ngợi sự đóng góp của lực lượng này đối với sự ổn định của quốc gia Đông Phi. Ônng cũng đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của ATMIS để bảo đảm quá trình chuyển giao cho Lực lượng An ninh Somalia diễn ra một cách suôn sẻ.
Theo ông Souef, Lực lượng An ninh Somalia đã tiến hành thành công các hoạt động tấn công và giải phóng các khu vực trước đây do những kẻ khủng bố al-Shabab kiểm soát với sự hỗ trợ của ATMIS và các đối tác quốc tế. (TTXVN)