Tin thế giới 10/3: Ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch Trung Quốc, Phần Lan sẵn sàng đàm phán với Nga

Ukraine dùng bom thông minh Mỹ ở Bakhmut, ASEAN-Trung Quốc nối lại đàm phán COC, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức bầu cử sớm…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Ông Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba ngày 10/3/2023. (Nguồn: AFP)

Ông Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba ngày 10/3/2023. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga cảnh báo NATO về cấp máy bay cho Ukraine: Phát biểu với báo giới ngày 10/3, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy nói: “Một số người nói về khả năng cung cấp máy bay cho Kiev. Tôi không biết điều này thực tế đến mức nào. Nhưng máy bay sẽ ngụ ý nhiều điều, có thể liên quan đến sự tham gia trực tiếp của các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO_ vào vấn đề bảo dưỡng kỹ thuật, về sân bay, bởi ở Ukraine không có nhiều sân bay phù hợp cho việc này. Hãy thử hình dung những chiếc máy bay đó cất cánh ở Ba Lan, bay vào không phận Ukraine, sau đó quay trở lại Ba Lan để bảo trì. Vậy Ba Lan có được coi là tham gia xung đột hay không? Tôi nghĩ là có. Mà là tham gia trực tiếp”.

Theo ông Polyanskiy, phía Ukraine hẳn rất muốn NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, “bởi vì đây là cơ hội duy nhất để chính quyền của ông Volodymyr Zelensky sống sót”. Quan chức Nga cũng nhắc lại luận điểm rằng việc cung cấp xe tăng cho Kiev sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trên chiến trường. (Sputnik)

* Ukraine: Lực lượng Wagner tiến vào nhà máy ở Bakhmut: Trên kênh Telegram ngày 10/3, phóng viên chiến trường Alexander Simonov cho biết các đơn vị của công ty quân sự tư nhân Wagner đã tiến vào khu vực nhà máy gia công kim loại Artemovsk (AZOM) ở phía Bắc Bakhmut và bắt đầu tiến sâu hơn vào bên trong. Phóng viên này viết: “AZOM là khu vực rộng lớn với mạng lưới các tiện ích ngầm cao hàng chục tầng dưới lòng đất”. Các tòa nhà của nhà máy là thành trì quan trọng nhất của quân đội Ukraine và bao phủ Tây Bắc của Bakhmut. (TTXVN)

* Ukraine: Quân đội có thể phản công sau 2 tháng nữa: Trong trả lời phỏng vấn tờ La Stampa (Italy) công bố ngày 10/3, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak, cho hay: “Chúng tôi cần tăng nguồn cung cấp đạn pháo hạng nặng 155mm… Chúng tôi không vội, khoảng 2 tháng nữa, chúng tôi sẽ đáp trả”. Trước đó, ngày 9/3, tờ Financial Times (Anh) dẫn lời các quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng tổn thất đáng kể của Ukraine tại Bakhmut có thể khiến Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) khó phản công vào mùa Xuân.

Cùng ngày, trang tin Strana.ua (Ukraine) ngày 10/3 đưa tin VSU lần đầu tiên sử dụng bom “thông minh” JDAM của Mỹ tại Bakhmut. Trước đó, Tướng James Hecker, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi cho biết nước này đã chuyển giao bom tầm xa JDAM-ER cho Ukraine. Theo ông, nguồn bom này của Ukraine hiện còn ít nhưng nước này sẽ có đủ để “đánh một vài đòn”.

Cụ thể, Bộ thiết bị kết nối tấn công trực tiếp (JDAM) sử dụng công nghệ định vị vệ tinh GPS, chuyển đổi bom rơi tự do thành bom có điều khiển trong mọi thời tiết. Hệ thống dẫn đường quán tính này đảm bảo tấn công mục tiêu với độ chính xác cao ngay cả khi tín hiệu GPS yếu hoặc ngắt quãng. Một quả bom, trang bị loại JDAM cơ bản, có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách lên tới 24 km. Với phiên bản nâng cấp JDAM-ER, khoảng cách tấn công có thể lên tới 72 km. Bộ JDAM-ER tương thích với loại bom dòng Mk 80 và các loại bom khác. (Sputnik/TTXVN)

* Phần Lan cam kết hỗ trợ phi quân sự cho Ukraine: Ngày 10/3, Bộ Ngoại giao của nước Bắc Âu thông báo: “Phần Lan sẽ cung cấp cho Ukraine 29 triệu euro (30,7 triệu USD) hỗ trợ nhân đạo và hợp tác phát triển”. Gói viện trợ nêu trên sẽ bao gồm 15 triệu euro (15,88 triệu USD) viện trợ nhân đạo và 14 triệu euro (14,82 triệu USD) hỗ trợ hợp tác phát triển. Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Ngoại thương Phần Lan Ville Skinnari nhấn mạnh: “Chúng ta phải chống chọi với hội chứng mệt mỏi do xung đột. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, mọi người cần thức ăn, chỗ ở và thuốc men, và trẻ em cần được đến trường”. (Sputnik)

Nga-Mỹ

* Moscow: Mỹ đứng sau tâm lý bài Nga Gruzia: Ngày 10/3, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chúng ta chứng kiến nơi mà Tổng thống Gruzia có bài phát biểu với người dân. Bà ấy không phát biểu từ Gruzia mà là từ Mỹ”. Ông cáo buộc “có bàn tay hữu hình của ai đó” kích động tâm lý “bài Nga”. Ngoài ra, ông cũng cho hay Nga nhận thấy nguy cơ xảy ra “hành động gây hấn” ở Nam Ossetia và Abkhazia, hai vùng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Gruzia, sau khi các cuộc biểu tình ở Gruzia tiếp diễn trong nhiều ngày qua nhằm phản đối dự luật về “thực thể nước ngoài”. Theo quan chức này, Điện Kremlin đang theo dõi tình hình Gruzia một cách “đầy quan ngại”. (AFP/Reuters)

Đông Nam Á

* ASEAN, Trung Quốc bắt đầu đàm phán COC: Ngày 10/3, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) từ ngày 8/3. Phát biểu họp báo cùng ngày, Tổng Vụ trưởng Hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Sidharto Suryodipuro cho hay: “Chúng tôi đã bắt đầu thảo luận với các quốc gia khác thuộc Nhóm công tác về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) việc làm thế nào để thúc đẩy các đàm phán đang diễn ra”.

Về khả năng đàm phán COC có thể hoàn tất trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia, ông nói rõ rằng Jakarta “chưa xác định khung thời gian”. Tuy vậy, Indonesia và các nước ASEAN khác đều nhất trí tiếp tục thúc đẩy đàm phán.

Trong chuyến thăm Jakarta tháng trước, phát biểu cùng người đồng cấp nước chủ nhà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương khẳng định rằng Bắc Kinh ủng hộ đẩy nhanh đàm phán COC. Về phần mình, bà Retno nói Indonesia và ASEAN muốn có một COC “hiệu quả, thực chất và có thể thực hiện”. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Nga, Triều Tiên chúc mừng ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch Trung Quốc: Sáng 10/3, trong phiên họp toàn thể lần thứ 3 Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, với số phiếu bầu tuyệt đối 2952/2952.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điện Kremlin cho biết trong bức điện, ông khẳng định chắc chắn hai nhà lãnh đạo có thể thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng nhất: “Tôi tin tưởng rằng, làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ đảm bảo mở rộng hợp tác hiệu quả Nga-Trung trên nhiều lĩnh vực”. Cùng ngày, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng gửi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình tiếp tục làm Chủ tịch Trung Quốc. (Reuters)

* Ông Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính được bầu vào chức vụ mới: Ngày 10/3, Trong khi đó, ông Hàn Chính đã được bầu làm Phó Chủ tịch Trung Quốc, với số phiếu bầu tuyệt đối 2952/2952. Trong khi đó, ông Vương Hỗ Ninh đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) lần thứ 14, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc. Ông Vương Đông Phong được bầu làm Tổng Thư ký Chính Hiệp. Bên cạnh đó, tổng cộng có 23 người được bầu làm Phó Chủ tịch Chính Hiệp. (Tân Hoa xã)

* Đại sứ Ukraine hy vọng ông Zelensky tham dự G7 tại Nhật Bản: Ngày 10/3, trả lời họp báo ở Tokyo, Đại sứ Ukraine tại Nhật Bản Sergiy Korsunsky b hy vọng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 5 tới ở thành phố Hiroshima với tư cách là “tiếng nói của đất nước”, trong khi dấy lên lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào nước láng giềng. Ông khẳng định đa số người Ukraine sẵn sàng chiến đấu với Nga dù phải đối mặt với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta buộc phải thắng hoặc sẽ biến mất”.

Phát biểu trước thềm lễ tưởng niệm 12 năm ngày xảy ra trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima, ông khẳng định điện hạt nhân là “nguồn năng lượng quan trọng”, đồng thời cho rằng không cần thiết phải ngừng vận hành toàn bộ nhà máy điện hạt nhân bởi 2 sự việc nghiêm trọng trên. (Kyodo)

Châu Âu

* Phần Lan sẵn sàng đàm phán với Nga: Theo Bloomberg (Mỹ), trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 10/3, Tổng thống đất nước Bắc Âu Sauli Niinistö nhấn mạnh ông “hoàn toàn sẵn sang” đàm phán với ông Putin, nhưng đến nay ông vẫn chưa thấy cơ hội cho việc này. Nhà lãnh đạo này cũng nói rằng ông thường trao đổi người đồng cấp Nga, với cuộc nói chuyện gần đây nhất diễn ra hồi tháng 5/2022.

Trả lời câu hỏi về việc ông sẽ tư vấn gì cho Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan tới điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ông Sauli Niinistö nói rằng ông không nghĩ ông chủ Nhà Trắng sẽ cần lời khuyên về vấn đề này. (TTXVN)

* Ukraine điều tra vụ máy bay lớn nhất thế giới bị phá hủy: Ngày 10/3, Kiev cáo buộc 3 nghi can là các cựu quản lý cấp cao của công ty sản xuất máy bay Antonov đã tạo điều kiện để Nga phá hủy máy bay vận tải khổng lồ Mriya khi xung đột này giữa hai nước bắt đầu. Theo đó, Văn phòng Tổng công tố và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết những người này đã ngăn cản Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine xây dựng công sự tại sân bay quan trọng ở ngoại ô Kiev tháng 1-2/2022, khi xuất hiện nguy cơ bùng phát xung đột. Theo tuyên bố của SBU và công tố viên, 2 nghi phạm đã bị bắt giữ. Cựu Tổng Giám đốc công ty Antonov bị truy nã. Các đối tượng này có thể phải đối mặt với án tù tới 15 năm.

Máy bay vận tải Mriya do Ukraine chế tạo nặng khoảng 705 tấn, bị phá hủy khi các lực lượng Nga chiếm giữ sân bay Antonov ở Hostomel vào cuối tháng 2/2022. (Reuters)

* Anh: Liên minh với Pháp là “thiết yếu”: Trong một tuyên bố cuối ngày 9/3, trước thềm thượng đỉnh tại Paris với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/3, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói: “Lịch sử sâu sắc, sự gần gũi của chúng tôi và triển vọng toàn cầu chung của chúng tôi có nghĩa là mối quan hệ đối tác vững chắc giữa Vương quốc Anh và Pháp không chỉ quý giá mà còn rất thiết yếu”.

Bên cạnh đó, ông cho biết hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp vì hai nước có “vai trò đặc biệt là những người bảo vệ an ninh châu Âu và toàn cầu”. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Khi đối mặt với các mối đe dọa mới và chưa từng có, chúng ta cần phải củng cố cấu trúc của liên minh để sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong tương lai”.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Điện Elysee sẽ là hội nghị thượng đỉnh Anh-Pháp đầu tiên trong 5 năm trở lại đây. Ngày 10/3, Văn phòng Thủ tướng Anh ra thông cáo báo chí cho biết hai nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ thông qua một hiệp ước mới về di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche, cam kết gia tăng hỗ trợ cho Ukraine và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (TTXVN)

* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chính thức kêu gọi tổng tuyển cử ngày 14/5: Ngày 10/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã chính thức kêu gọi tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội ngày 14/5 tới, sớm hơn một tháng so với trước đó. Năm ngoái, ông từng nhiều lần khẳng định tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 18/6. Đầu tháng Một, nhà lãnh đạo cũng nói bầu cử có thể diễn ra sớm hơn. Nhiều tuần qua, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh tiếng về khả năng có thể tổ chức sớm sự kiện này do các ngày lễ tôn giáo và các kỳ thi ở trường. (Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-103-ong-tap-can-binh-lam-chu-tich-trung-quoc-phan-lan-san-sang-dam-phan-voi-nga-219446.html