Tin thế giới 16/4: Nga nói Mỹ 'phải chịu trách nhiệm' vì căng thẳng Ukraine; Nhiều nhà ngoại giao Nga bị triệu tập và trục xuất
Căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục phức tạp; Mỹ áp trừng phạt lên Nga; Thượng đỉnh Mỹ-Nhật; tình hình Iran... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Căng thẳng Nga-Ukraine Ukraine kêu gọi châu Âu hỗ trợ để đối phó Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/4 đã kêu gọi châu Âu hỗ trợ nhiều hơn trong cuộc đối đầu với Nga, trong đó có việc cho phép nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phát biểu với tờ báo Le Figaro trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào ngày 16/4, ông Zelensky nói: "Nếu Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Emmanuel Macron coi chúng tôi như một thành viên thực sự của gia đình châu Âu, họ sẽ phải hành động phù hợp". Ông lưu ý thêm rằng Pháp, Đức và EU đã giúp đỡ Ukraine rất nhiều, đặc biệt là với việc đưa ra các lệnh trừng phạt chống lại Nga. (Reuters)
Nga cáo buộc Mỹ, NATO làm leo thang căng thẳng ở biên giới Ukraine
Phát biểu với các nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm 15/4, Đặc phái viên thường trực của Nga tại OSCE Alexander Lukashevich cho rằng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chịu trách nhiệm về việc làm trầm trọng thêm tình hình ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine vì cả hai đã từ chối gây ảnh hưởng đối với Kiev.
Tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng thường trực OSCE, ông Lukashevich nói: "Theo dữ liệu hiện tại, trong những ngày qua, không dưới 5 máy bay vận tải quân sự của Mỹ đã đến Ukraine.
Khơi dậy ngọn lửa tham vọng hiếu chiến của "những kẻ quá kích" ở Kiev, Mỹ và NATO đã không làm gì để hối thúc chính quyền Ukraine thực hiện những gì Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua trong Nghị quyết 2202. Bằng cách đó, họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc làm trầm trọng thêm tình hình và tiếp diễn bạo lực ở Donbass". (TASS)
Mỹ áp lệnh trừng phạt với Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao
Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất về một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ngày 15/4, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã chỉ thị mở rộng các biện pháp hạn chế hiện có với các ngân hàng Mỹ giao dịch với Chính phủ Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao và trừng phạt 32 cá nhân với cáo buộc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Canada đã áp biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề tương tự. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố ủng hộ quyết định mới này của Mỹ.
Phản ứng về việc này, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ quyết định các biện pháp trả đũa trừng phạt của Mỹ, đồng thời khẳng định Nga sẽ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô sau khi Mỹ trừng phạt vào thị trường nợ công của Nga. Theo Điện Kremlin, hiện Tổng thống Putin cũng chưa quyết định có tham gia hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức hay không. (Reuters)
Ba Lan trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ba Lan thông báo đã triệu tập Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev và trao công hàm tuyên bố 3 nhân viên của Đại Sứ quan Nga tại Ba Lan sẽ bị trục xuất.
Tuyên bố nêu rõ, việc Bộ Ngoại giao Ba Lan đưa ra quyết định trên là do 3 nhà ngoại giao Nga đã tham gia các hoạt động không phù hợp với quy chế ngoại giao và gây nguy hiểm đối với an ninh của Ba Lan.
Tuyên bố cũng thể hiện quan điểm ủng hộ tuyệt đối của Ba Lan đối với các biện pháp pháp Mỹ đưa ra đối phó với Nga vào hôm 15/4.
Cơ quan Ngoại giao của London cho biết trong một thông báo rằng Bộ Ngoại giao Anh đã triệu tập Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin, liên quan đến "đường lối ứng xử thù địch" của Nga. (Reuters)
Bài phát biểu nhiều sai lầm của Tổng thống Mỹ
Trong bài phát biểu quan trọng về Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã một vài lần nói nhầm từ “leo thang” và “tiêm chủng”, thậm chí còn phát âm sai họ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Khi nhắc đến Tổng thống Nga, ông Biden đã phát âm họ của ông Putin thành từ gì đó nghe như "Tổng thống Clutin", mặc dù sau đó ông lập tức sửa lại ngay.
Trước đó, ông Biden còn nói nhầm từ “tiêm chủng” vaccine thành “leo thang” vaccine.
Trong bài phát biểu này, ông Biden đã bày tỏ lập trường rõ ràng rằng Mỹ và Nga có thể đã "tiến xa hơn," nhấn mạnh rằng Washington "không muốn bắt đầu một chu kỳ leo thang và xung đột" với Moscow. (AP)
Phần Lan muốn tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Nga
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ngày 16/4 đã bày tỏ mong muốn đăng cai tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Năm 2018, Phần Lan từng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Tổng thống Niinisto là người ủng hộ nhiệt thành việc tiến hành đối thoại với Điện Kremlin. (Reuters)
Thượng đỉnh Mỹ-Nhật bàn cách đối phó Trung Quốc
Dự kiến ngày 16/4 (theo giờ Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Đây là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Mỹ từ khi ông Biden lên nắm quyền.
Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ thông qua tuyên bố chung và có cuộc họp báo chung.
Theo Reuters, hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ bàn bạc về ứng xử của Trung Quốc với người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương và ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc đối với đặc khu Hong Kong.
Một vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc được cho là mối quan tâm chung của Mỹ - Nhật là Đài Loan. Một số nhà phân tích cho rằng có lẽ vấn đề đáng quan ngại nhất đối ông Suga là việc Nhà Trắng muốn thúc đẩy tiến tới một tuyên bố chung trong đó có nội dung ủng hộ Đài Loan. (Reuters/Nikkei)
Châu Âu đối thoại với Trung Quốc về hợp tác khí hậu
Hội nghị trực tuyến ba bên ngày 16/4 về khí hậu với sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là nỗ lực của Paris và Berlin nhằm ngăn ngừa “đổ vỡ” trong mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Bắc Kinh sau nhiều tuần gia tăng căng thẳng.
Theo giới phân tích, hội nghị ngày 16/4 là nỗ lực mới nhất nhằm giảm căng thẳng với Trung Quốc từ những nhà lãnh đạo hàng đầu EU, tiếp sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Merkel với ông Tập Cận Bình tuần trước, ngay sau một loạt các biện pháp trừng phạt đe dọa gây đổ vỡ thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc.
Cuộc gặp trực tuyến ngày 16/4 không hẳn là một hội nghị thượng đỉnh, mà được xem như phiên họp trù bị cho Ngày Trái Đất tuần tới, khi lãnh đạo 40 nước sẽ thảo luận các vấn đề khí hậu trong hai ngày từ 22/4 trong một sự kiện do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì. (SCMP)
Hàn Quốc buộc phải ‘thay máu’ nội các
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thay thế thủ tướng và 6 thành viên nội các nhằm nỗ lực hồi sinh đảng của mình.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc bổ nhiệm ông Kim Boo-kyum, cựu bộ trưởng nội vụ, làm người kế nhiệm ông Chung Sye-kyun cho chức vụ thủ tướng. Ông cũng đề cử các bộ trưởng mới phụ trách đất đai, công nghiệp, ngư nghiệp, lao động và khoa học, công nghệ.
Cuộc cải tổ diễn ra khoảng một tuần sau khi Đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử thị trưởng đặc biệt trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ bê bối chính trị và chính sách kinh tế sai lầm của nhà lãnh đạo này. (Yonhap)
Iran bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%
Ngày 16/4, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf tuyên bố nước này đã thành công trong việc làm giàu urani ở mức tinh khiết 60% đúng như kế hoạch đã thông báo trước đó.
Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEIO) Ali Akbar Salehi cũng cho biết hoạt động làm giàu urani ở mức tinh khiết 60% đang được tiến hành tại cơ sở hạt nhân Martyr Ahmadi Roshan ở Natanz và mỗi giờ sản xuất được 9 gram. (Tasnim)
Hàng loạt nhà hoạt động đối lập ở Hong Kong bị kết án
Một nhóm các nhà hoạt động đối lập, bao gồm tỷ phú truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh) và luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee), bị kết án vào ngày 16/4 với cáo buộc tổ chức hoặc tham dự "các buổi tụ tập trái phép". Các cuộc tụ tập này là một phần của phong trào biểu tình làm rung chuyển Hong Kong vào năm 2019.
Các bản án có thời hạn từ 8 đến 18 tháng tù giam. Jimmy Lai, tỷ phú truyền thông 73 tuổi, bị tuyên 12 tháng tù giam. Luật sư kỳ cựu Martin Lee, 82 tuổi, phải chịu mức tù giam 11 tháng.
Những gương mặt nổi bật trong số các nhà hoạt động bị kết án bao gồm Lee Cheuk Yan, Leung Kwok Hung và cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong Margaret Ng. Đây đều là những nhà hoạt động kỳ cựu thuộc phe đối lập ở Hong Kong.
Hầu hết bản án đều liên quan đến một trong hai cuộc biểu tình - vào ngày 18/8/2019 và ngày 31/8/2019. Một số trường hợp như Jimmy Lai hay Martin Lee bị cáo buộc liên quan đến cả hai đợt biểu tình. (Reuters)
Đức sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8
Quân đội Đức có thể rút khỏi Afghanistan trước khi những binh sĩ cuối cùng của Mỹ rời khỏi quốc gia Tây Nam Á theo kế hoạch vào ngày 11/9 tới.
Phát biểu ngày 16/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: "Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, tất cả các lực lượng Đức sẽ rời Afghanistan vào giữa tháng 8 tới". Điều này có nghĩa các binh sĩ Đức sẽ rời khỏi Afghanistan trước thời điểm cuối cùng binh sĩ Mỹ rút khỏi đây là ngày 11/9.
Theo bà Kramp-Karrenbauer, với việc rút quân khỏi Afghanistan, việc triển khai binh sĩ Đức ở quốc gia này đã kết thúc "sau gần 20 năm cho sứ mệnh mất mát và nặng nề nhất trong lịch sử quân đội Đức".
Bà nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là đưa tất cả binh lính, nhân viên dân sự và những người đồng đội quốc tế trở về quê hương khỏe mạnh và an toàn. Ngoài lực lượng của Mỹ còn có khoảng 7.000 binh sĩ nước ngoài triển khai tại Afghanistan, trong đó có khoảng 1.300 binh sĩ Đức. (DW)