Tin thế giới 2/7: Tổng thống Mỹ gửi tối hậu thư đến đồng minh châu Á, tham vọng của Ấn Độ, Iran chính thức 'dứt tình' với IAEA
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Nhật Bản Iwaya Takeshi, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Australia Penny Wong tại cuộc họp của nhóm Bộ tứ ngày 1/7 ở Washington. (Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ)
Châu Mỹ
* Mỹ dọa sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Nhật Bản lên mức 30 hoặc 35% khi Tổng thống Donald Trump cho rằng, một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản khó có khả năng đạt được trước thời hạn chót 9/7 đồng thời lưu ý, “Tokyo rất cứng rắn”.
Tổng thống Trump tuyên bố, ông sẽ gửi thư cho phía Nhật Bản và khẳng định: “Tình trạng này rất bất công với người dân Mỹ”. (CBS)
* Mỹ tạm dừng chuyển giao một lô vũ khí cho Ukraine, bao gồm hàng chục tên lửa đánh chặn Patriot, hơn 100 tên lửa Hellfire và hàng chục tên lửa Stinger.
Ukraine cũng sẽ không nhận được hàng nghìn viên đạn 155 mm loại nổ mạnh dùng cho lựu pháo và hơn 250 tên lửa dẫn đường chính xác GMLRS.
Quyết định trên được đưa ra vài tuần sau khi ông Hegseth khởi động quá trình rà soát kho đạn dược của Mỹ, vốn đã bị thu hẹp trong những năm gần đây do viện trợ cho Ukraine và Trung Đông với khối lượng lớn.
Phản ứng về việc này, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu phái viên Mỹ tới trụ sở của Bộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì viện trợ quân sự then chốt để chống lại lực lượng Nga, đồng thời cảnh báo động thái sẽ khuyến khích Nga leo thang hành vi quân sự. (The Kyiv Independent)
* Các Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ họp tại Washington: Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định, đã đến lúc cần “biến lời nói thành hành động” trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể, đặc biệt là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, cuộc họp diễn ra hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh nhóm Bộ tứ sẽ tiếp tục “góp phần củng cố sự ổn định chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bảo đảm khu vực này tự do và rộng mở”.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong nói rằng, nhóm Bộ tứ đang thể hiện sự đoàn kết trước những thách thức trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động cụ thể nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Iwaya Takeshi nhấn mạnh, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và chiếm hơn 1/2 dân số thế giới, theo đó khẳng định hòa bình và ổn định trong khu vực là “thiết yếu đối với sự thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”.
Ngoài ra, các ngoại trưởng cũng bày tỏ quan ngại về vụ tấn công khủng bố khiến 26 người thiệt mạng ở khu vực Kashmir, đồng thời công bố Sáng kiến khoáng sản thiết yếu, gọi đây là bước phát triển đầy tham vọng trong quan hệ đối tác nhằm tăng cường an ninh kinh tế và khả năng chống chịu tập thể, thông qua hợp tác để bảo đảm và đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu. (State.gov)
Châu Âu
* Đức sẽ tăng cường các biện pháp nhằm chống lại cái gọi là "hạm đội ngầm" của Nga đang hoạt động ở Biển Baltic và Biển Bắc, Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố ngày 1/7. Các "hạm đội ngầm" tàu chở dầu giúp Moscow duy trì hoạt động xuất khẩu dầu thô của mình. (DW)
* Thủ tướng Pháp Francois Bayrou vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 1/7 tại quốc hội, khi các nghị sĩ đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) không ủng hộ kiến nghị hạ bệ ông Bayrou của các đảng đối lập cánh tả. (France 24)
* Việc quân sự hóa của Liên minh châu Âu (EU) làm thay đổi căn bản quan điểm của Nga đối với khối này, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 2/7.
Cho rằng nếu EU thành lập một tổ chức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga sẽ phải đối phó với một cấu trúc quân sự mới trực tiếp đặt ra mối đe dọa đối với Moscow, song ông bày tỏ nghi ngờ việc xuất hiện một NATO độc lập.
Thứ trưởng Grushko nhấn mạnh: "Sự thật là EU đang chuyển từ một dự án hòa bình thành một thứ gì đó giống như một khối quân sự hung hăng. Khối này được hình thành không chỉ bởi các quyết định cung cấp cho EU các năng lực quân sự bổ sung và sự phát triển của một tổ hợp công nghiệp quân sự, mà còn theo nghĩa triết học và ý thức hệ". (Rossiya 24)
* Các lãnh đạo Nga và Pháp lần đầu điện đàm sau 3 năm, trong đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Ukraine và bắt đầu đàm phán để chấm dứt xung đột.
Hai Tổng thống cũng thảo luận về vấn đề Iran. Tổng thống Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc Iran tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và đặc biệt là hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ phối hợp nỗ lực song phương và sớm trao đổi để theo dõi tiến triển. (France 24)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Ấn Độ tham vọng thống trị không gian khi đang chuẩn bị một bước đột phá chiến lược trong lĩnh vực này với việc công bố kế hoạch triển khai hệ thống 52 vệ tinh quân sự. Dự án đầy tham vọng này sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm với tổng kinh phí 3,2 tỷ USD.
Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) sẽ đảm nhận việc chế tạo 21 vệ tinh, phần còn lại sẽ do các công ty tư nhân phát triển. Lộ trình triển khai dự kiến bắt đầu với việc phóng vệ tinh đầu tiên vào tháng 4/2026 và hoàn thành toàn bộ 52 vệ tinh vào năm 2029. (Zee News)
* Quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ mang tính đa chiều, bao gồm hợp tác sâu rộng về kinh tế, công nghệ và giao lưu nhân dân giữa hai nền dân chủ lớn, theo lời Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar ngày 1/7.
Ông cũng bác bỏ nhận định cho rằng mối quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, chủ yếu được định hình bởi lập trường chung về Trung Quốc, cho rằng quan điểm này là "quá đơn giản hóa và gây hiểu lầm".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ chỉ ra vị thế đặc biệt của Ấn Độ: "Chúng tôi có sự đồng thuận mạnh mẽ với Mỹ. Đồng thời, với tư cách là nước láng giềng lớn nhất của Trung Quốc, chia sẻ đường biên giới trên bộ, chúng tôi mong muốn duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh".
Ông Jaishankar thẳng thắn thừa nhận mối quan hệ Ấn-Trung còn thiếu cân bằng: "Mục tiêu của chúng tôi là ổn định quan hệ với Trung Quốc, tạo thế cân bằng công bằng hơn cho Ấn Độ, đồng thời tận dụng tối đa những điểm tương đồng với Mỹ. Đó chính là cách tiếp cận mà chúng tôi đang theo đuổi". (Times of India)
* Nhật Bản quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh bế tắc trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Phát biểu trong một cuộc tranh luận công khai với các nhà lãnh đạo đảng đối lập, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nêu rõ: "Nhật Bản khác với các quốc gia khác vì chúng tôi là nhà đầu tư lớn nhất tại Mỹ, tạo ra việc làm... Với trọng tâm cơ bản là đầu tư thay vì thuế quan, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích quốc gia của mình". (Kyodo)
* Trung Quốc không được phép thiết lập hiện diện quân sự thường trực tại Nam Thái Bình Dương, theo lời Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka ngày 2/7.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Australia, Thủ tướng Rabuka nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn các cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường hay các nước lớn diễn ra tại Thái Bình Dương. Nam Thái Bình Dương phải là một 'đại dương hòa bình', không có tham vọng của các siêu cường cạnh tranh".
Theo ông, "sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình phát triển của khu vực không nên làm ảnh hưởng tới cách chúng tôi hợp tác với Australia, New Zealand và Mỹ". (ABC News)
Trung Đông-châu Phi
* Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ký sắc lệnh đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), theo đó sẽ hạn chế hơn nữa hoạt động của các thanh sát viên IAEA tại Cộng hòa Hồi giáo nhưng không nêu thời gian cũng như chi tiết của việc đình chỉ.
Dự kiến, việc Iran đình chỉ hợp tác với IAEA sẽ có hiệu lực cho đến khi có những điều kiện cụ thể được đáp ứng, trong đó có việc bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạt nhân và các nhà khoa học của Iran.
IAEA chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. (IRNA)
* Israel kêu gọi châu Âu tái áp đặt trừng phạt Iran, đồng thời lên án việc Tehran thông qua đạo luật chấm dứt hợp tác với với IAEA.
Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cáo buộc, Iran đã “từ bỏ hoàn toàn mọi nghĩa vụ và cam kết hạt nhân quốc tế của mình”, nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế phải hành động quyết đoán ngay bây giờ và sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran”. (Times of Israel)
* Vụ ném bom của Mỹ vào cơ sở hạt nhân quan trọng Fordow của Iran đã “gây thiệt hại nghiêm trọng và nặng nề” cho cơ sở này, theo lời Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi.
Ông Araghchi nhấn mạnh: “Không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra ở Fordow. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết cho đến nay là các cơ sở đã bị hư hại nghiêm trọng và nặng nề”. Theo ông Araghchi, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran hiện đang tiến hành đánh giá, thẩm định và sẽ đệ trình báo cáo lên chính phủ về mức độ thiệt hại tại Fordow. (CBS)
* Israel chấp thuận đề xuất ngừng bắn 60 ngày tại Gaza, theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/7. Ông nhấn mạnh, đây sẽ là khoảng thời gian để các bên liên quan nỗ lực chấm dứt xung đột tại vùng lãnh thổ Palestine này.
Qatar và Ai Cập - hai quốc gia đã tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải - sẽ là những bên chịu trách nhiệm chuyển giao đề xuất cuối cùng này tới Hamas. Ông Trump cũng bày tỏ kỳ vọng Hamas sẽ chấp nhận thỏa thuận này, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng sẽ không có đề xuất nào tốt hơn và tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu tổ chức này từ chối. (NBC)