Tin thế giới 20/9: Nga-Ukraine sẽ trao đổi tù nhân quy mô lớn, Moscow 'chốt' trưng cầu ý dân về Kherson, Trung Quốc hối Mỹ đối thoại
Nga-Ukraine trao đổi tù nhân, Moscow 'chốt' trưng cầu ý dân về Kherson, Trung Quốc hối Mỹ đối thoại, Israel-Bahrain đàm phán FTA… là một số tin quốc tế nổi bật 24h qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế ngày 20/9.
Nga-Ukraine
* Quan chức thân Nga sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về sát nhập tỉnh Kherson: Ngày 20/9, phát biểu với kênh Rossiya-24 (Nga), ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo “chính quyền quân sự-dân sự” do Nga bổ nhiệm tại Kherson nêu rõ, gần 95% lãnh thổ tỉnh này hiện nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nga. Ông cho biết sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về sát nhập tỉnh này vào Nga.
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết, ông sẽ ủng hộ quyết định của công dân nơi đây nếu họ bỏ phiếu đồng ý sát nhập vào Nga. (Reuters/Sputnik)
* Thổ Nhĩ Kỳ: Nga, Ukraine sẽ trao đổi tù nhân quy mô lớn: Trả lời phỏng vấn đài PBS (Mỹ) tối 19/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Nga-Ukraine đã nhất trí trao đổi 200 tù nhân, một trong những cuộc trao đổi lớn nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Ông miêu tả những người nằm trong danh sách là “con tin”, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Thông báo trên được ông Erdogan đưa ra sau cuộc hội đàm tuần trước với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan. Nói về cuộc gặp với ông Putin, ông Erdogan nhấn mạnh: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận rất sâu rộng và ông ấy (Putin) đang thực sự cho tôi thấy rằng ông ấy sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến (ở Ukraine) sớm nhất có thể”. (AFP)
* Donetsk, Luhansk “chốt” thời gian trưng cầu ý dân sáp nhập Nga: Interfax dẫn lời các quan chức địa phương ngày 20/9 đưa tin, CHND tự xưng Donetsk (DPR), miền Đông Ukraine, quyết định sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga từ ngày 23-27/9 tới. Trong khi đó, CHND tự xưng Luhansk (LPR) cũng nêu ý định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga từ ngày 23-27/9 tới.
Bình luận về việc DPR và LPR trưng cầu ý dân gia nhập Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh: “Ngay từ lúc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (ở Ukraine) và trong giai đoạn trước đó, chúng tôi tuyên bố người dân (ở DPR và LPR) cần quyết định số phận của họ. Và xét toàn diện tình hình hiện nay, họ muốn làm chủ vận mệnh của chính mình”. (Reuters/Sputnik)
Armenia-Azerbaijan
* Nga hối thúc Azerbaijan và Armenia kiềm chế: Ngày 20/9, phát biểu trên sóng truyền hình Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước này lo ngại về đụng độ Armenia-Azerbaijan, đồng thời kêu gọi hai nước này đàm phán để tìm ra giải pháp cho các tranh chấp lãnh thổ.
“Tôi muốn nhấn mạnh bất kỳ kịch bản xung đột nào giữa các quốc gia gần chúng tôi đều khiến chúng tôi vô cùng lo ngại. Chúng tôi kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn và kiên quyết tuân theo tuyên bố 3 bên giữa các nhà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia”, ông Putin nói.
Trước đó, ngày 19/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Armenia-Azerbaijan nỗ lực tìm kiếm hòa bình.
Về phần mình, trong chuyến thăm Yerevan bất ngờ cuối tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã cáo buộc phía Azerbaijan tấn công “bất hợp pháp” Armenia. (Reuters)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc nêu quan điểm về quan hệ song phương với Mỹ: Ngày 19/9 (theo giờ địa phương), gặp gỡ đại diện Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung và Phòng Thương mại Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định, thế giới hiện nay còn xa mới hòa bình, bởi dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine chưa kết thúc.
Xét tới mối quan hệ Mỹ-Trung hiện ở mức thấp nhất trong 50 năm qua, ông nhấn mạnh, nhiều người lo ngại hai nước đang bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới. Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, Mỹ cần sớm áp dụng trở lại chính sách Trung Quốc hợp lý và thiết thực.
Theo ông, hai bên cần tiến hành đối thoại thay vì đối đầu lẫn nhau, thương lượng thay vì ép buộc lẫn nhau. Nhà ngoại giao Trung Quốc còn hối thúc phía Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt đơn phương, mà theo ông là vốn không tuân theo luật pháp quốc tế, cũng như chấm dứt tham gia vào các nhóm và bè phái loại trừ Bắc Kinh. Ông cho rằng cần đề cao nền tảng chính trị của quan hệ song phương, đặc biệt nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc. (Tân Hoa xã)
Châu Âu
* Đức sẽ hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine: Ngày 20/9, phát biểu tại khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Sự tàn khốc của cuộc xung đột và mối đe dọa của nó đối với trật tự hòa bình ở châu Âu không thể đẩy chúng tôi vào ngõ cụt do những tác động đang ảnh hưởng tới nhiều khu vực khác trên thế giới... Chúng tôi không chỉ chịu trách nhiệm đối với châu Âu, mà còn với toàn thế giới”.
Theo bà, lãnh đạo thế giới nên tận dụng cơ hội để thảo luận về mối quan tâm của các đối tác ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latin và thế giới Arab. Bà khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn đứng về phía Ukraine và tiếp tục ủng hộ nước này với những gì họ cần, để cuộc chiến đi đến hồi kết”. (Reuters)
Đông Nam Á
* Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Indonesia giảm gần 10%: Ngày 19/9, Giám đốc điều hành Indikator Politik Indonesia Burhanuddin Muhtadi cho biết khảo sát mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joko Widodo đã giảm 9,7%, từ mức 72,3% tháng trước xuống 62,6%.
Theo ông Burhan, tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với nhà lãnh đạo này chỉ mới phục hồi vào tháng trước sau khi giải quyết được tình trạng thiếu dầu ăn. Vào tháng Tư, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 58,1%.
Ông Burhan cho rằng, sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Jokowi có thể cho thấy thái độ của công chúng với giá nhiên liệu tăng. Ông Burhan phân tích: “Các điều kiện kinh tế được cho là đang xấu đi, chủ yếu xuất phát từ việc chính phủ quyết định giảm trợ cấp khiến giá nhiên liệu tăng cao. Đa số người dân (71,5%) phản đối chính sách này”.
Cuộc khảo sát trên được tiến hành từ ngày 5-10/9, chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ Indonesia thông báo tăng giá nhiên liệu được trợ cấp. Tổng cộng có 1.215 người trên cả nước đã tham gia trả lời và tỷ lệ sai số là 2,9%. (Bloomberg)
Trung Đông
* Iran: Người biểu tình muốn gây xáo trộn Tehran: Trước làn sóng biểu tình lan rộng, lãnh đạo thành phố Tehran của Iran, ông Mohsen Mansouri ngày 20/9 đã cho rằng các vụ biểu tình diễn ra “nhằm mục đích gây xáo trộn” thành phố này.
Viết trên Twitter, ông Mansouri khẳng định: “Các thành phần tham gia biểu tình tối nay ở Tehran được tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện và đã lên kế hoạch gây xáo trộn Tehran. Đốt cờ, đổ dầu nhớt ra đường, ném gạch đá, tấn công cảnh sát, đốt phá xe cộ và các thùng rác, phá hủy tài sản công cộng… không phải là việc làm của những người bình thường”.
Cùng ngày, cảnh sát tỉnh Gilan ở miền Bắc Iran thông báo đã bắt giữ ít nhất 22 người với cáo buộc người biểu tình tấn công cảnh sát và phá hoại tài sản công cộng, khi họ biểu tình phản đối vụ một phụ nữ tử vong trong trại tạm giam. (IRNA)
* Israel và Bahrain khởi động đàm phán FTA: Ngày 20/9, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel thông báo đã khởi động đàm phán hiệp định tự do hóa thương mại song phương (FTA) với Bộ Công nghiệp và Thương mại Bahrain, 2 năm sau khi Vương quốc Arab này ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Orna Barbibai đã gặp người đồng cấp Bahrain Zayed bin Rashid Al Zayani, nơi hai bên ký thỏa thuận khởi động đàm phán.
Phát biểu tại cuộc gặp, bà Barbibai nói: “FTA với Bahrain là một phần của hợp tác chiều sâu của Israel trong khu vực, sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, mở rộng quy mô đầu tư, dỡ bỏ các rào cản thương mại và tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp ở Israel và Bahrain”.
Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Kinh tế Israel, ông Ohad Cohen cho biết liên quan đến đàm phán FTA, hai bên sẽ thảo luận nhiều vấn đề về quy định, tiêu chuẩn về xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thủ tục hải quan, mua sắm công, thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ…
Sau khi ký thỏa thuận Abraham về bình thường hóa quan hệ tháng 9/2020, trao đổi thương mại song phương Israel-Bahrain đã tăng trưởng đều đặn và đạt 7,5 triệu USD năm 2021. Xuất khẩu của Israel chiếm khoảng 4 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm đá quý, kim cương, hóa chất công nghiệp, thiết bị máy móc.
Ở chiều ngược lại, Israel nhập khẩu chủ yếu là kim loại cơ bản, khoáng chất và các sản phẩm hóa dầu. (Reuters)