Tin thế giới 21/4: Ukraine ra yêu sách chấn động với Đức, Iran tìm đến Trung Quốc trước thềm đàm phán với Mỹ, thế giới tiếc thương Giáo hoàng Francis
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Giáo hoàng Francis từ trần vào sáng 21/4. (Nguồn: Getty Images)
Châu Âu
* Ukraine đưa ra yêu sách 5 bước mà Đức cần tiến hành để có thể sẵn sàng tiếp tục cuộc đối đầu vũ trang với Nga cho đến năm 2029, theo Đại diện thường trực của Kiev tại Liên hợp quốc (LHQ) Andriy Melnyk.
Cụ thể, Đức nên cam kết chi 0,5% GDP để hỗ trợ quân đội Ukraine, đưa ra các quyết định tương tự ở cấp Liên minh châu Âu (EU), chuyển 150 tên lửa tầm xa Taurus và 30% đội máy bay của Không quân Đức cho Kiev. Ngoài ra, ông Melnyk còn kêu gọi Đức tịch thu tài sản của Nga để có lợi cho Ukraine. (Avia pro)
* Điện Kremlin cho biết, Nga hài lòng với việc Mỹ bác khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng từ chối bình luận hy vọng của ông Trump về một thỏa thuận trong tuần này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga vẫn sẵn sàng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine và việc hợp tác với Mỹ vẫn đang tiếp diễn". (Reuters)
* Giáo hoàng Francis từ trần tại tư dinh Casa Santa Marta ở Vatican ngày 21/4, hưởng thọ 88 tuổi, sau thời gian dài điều trị do viêm phế quản và sau đó được chẩn đoán mắc viêm phổi.
Ngay sau khi Tòa thánh Vatican thông báo, các nhà lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof, Tổng thống Israel Isaac Herzog, Tổng thống Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter đã bày tỏ lòng kính trọng và sự thương tiếc trước sự ra đi của Giáo hoàng. (AP)
* Anh thúc đẩy tự chủ sản xuất chất nổ với nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực sản xuất đạn dược. Theo đó, tập đoàn quốc phòng BAE Systems - nhà sản xuất đạn pháo 155mm duy nhất của Anh, dự kiến lắp đặt hàng loạt container sản xuất hexogen tại nước này với mục tiêu tăng sản lượng đạn pháo 155mm lên gấp 16 lần so với mức 2 năm trước vào mùa Hè năm nay.
Mỗi container này có thể sản xuất tới 100 tấn chất nổ mỗi năm và BAE Systems dự định thương mại hóa công nghệ sản xuất chất nổ mới này. (RIA)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru gửi đồ lễ tới đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo khi ngôi đền này bắt đầu lễ hội mùa Xuân kéo dài 3 ngày. Tuy nhiên, ông không có kế hoạch tới thăm ngôi đền trong dịp này, khi quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần được cải thiện.
Đền Yasukuni thờ các nhà lãnh đạo và hàng triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Thế chiến II, trong đó có cả các tội phạm chiến tranh. Vì thế, việc các nhà lãnh đạo Nhật Bản gửi đồ lễ hay đến thăm đền thường vấp phải phản đối của các nước láng giềng. (Kyodo)
* Trung Quốc kêu gọi Indonesia phản đối "mọi hình thức" của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Lời kêu gọi được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra tại họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng nước này Đổng Quân và những người đồng cấp Indonesia tại Bắc Kinh ngày 21/4.
Theo ông Vương Nghị, hai bên cần cùng nhau đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực và duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. (THX)
* Philippines-Mỹ khởi động tập trận thường niên Balikatan với sự tham gia của hơn 14.000 binh sĩ cùng các lực lượng đến từ Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, cũng như 16 quốc gia tham dự với tư cách quan sát viên, kéo dài đến ngày 9/5.
Theo kế hoạch, nhiều loại vũ khí tiên tiến của Mỹ sẽ xuất hiện trong cuộc tập trận này, bao gồm hệ thống tên lửa chống hạm NMESIS và hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS. Trong khi đó, Philippines sẽ thử nghiệm các loại tên lửa hiện đại trong các buổi diễn tập bắn đạn thật cùng với lực lượng Mỹ. (Reuters)
* Hỏa hoạn ở thủ đô của Hàn Quốc nghi do phóng hỏa, bùng phát tại một chung cư 21 tầng trong ngày 21/4, khiến 1 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Lực lượng chức năng nghi ngờ một người đàn ông đã cố ý phóng hỏa và đang khẩn trương truy tìm đối tượng này. (Yonhap)
* Hàn Quốc và Mỹ tiến hành "cuộc tham vấn thương mại 2+2” tại thủ đô Washington D.C vào ngày 24/4, theo lời quyền Tổng thống Han Duck Soo. Đây sẽ là vòng đàm phán cấp cao đầu tiên của Seoul nhằm giảm thuế quan của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok và Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer. (Yonhap)
* Hơn 18 triệu cử tri Australia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Liên bang bắt đầu từ ngày 22/4-3/5. Ủy ban Bầu cử Australia (AEC) dự đoán, khoảng 1/3 số cử tri này sẽ bỏ phiếu sớm, trong khi Đại học quốc gia Australia cho rằng, con số có thể lên tới 50%. Hiện Australia đang in 60 triệu lá phiếu.
Trung Đông-châu Phi
* Iran tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc trước đàm phán hạt nhân với Mỹ khi Ngoại trưởng nước Cộng hòa Hồi giáo Abbas Araghchi có chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh vào 22/4. Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ 2 của Ngoại trưởng Araghchi trong vòng 4 tháng, sau chuyến đi trước đó vào tháng 12 năm ngoái. (AFP)
* Iran nghiêm túc trong đàm phán gián tiếp với Mỹ và không muốn trì hoãn tiến trình ngoại giao song “tất cả các lệnh trừng phạt nên được dỡ bỏ theo cách có lợi cho người dân về mặt kinh tế” và "ranh giới đỏ" của Tehran là không đàm phán về quyền làm giàu uranium của mình, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo Kazem Gharibabadi.
Ông Gharibabadi khẳng định, trong vòng đàm phán gián tiếp thứ hai tại thủ đô Rome (Italy) ngày 19/4, Iran và Mỹ đã thảo luận và nhất trí về “khuôn khổ chung, chương trình nghị sự và các cuộc đàm phán kỹ thuật tiếp theo”. Cuộc đàm phán sắp tới diễn ra ngày 26/4 ở Oman.(IRNA)
* 69% diện tích Dải Gaza nằm trong lệnh di dời đang có hiệu lực của Israel, theo Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) ngày 20/4.
Theo UNRWA, quân đội Israel ban hành ít nhất 20 lệnh di dời trong khoảng thời gian từ ngày 18/3-14/4, đồng thời cho biết thêm cơ quan này "hiện đang vận hành 115 nơi trú ẩn trên khắp Gaza, cung cấp chỗ ở cho hơn 90.000 người phải di dời". (THX)
Châu Mỹ
* Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ trong 4 ngày và sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh New Delhi đang đẩy mạnh đàm phán một thỏa thuận thương mại với Washington để tránh các mức thuế đối ứng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Vance và ông Modi dự kiến rà soát những tiến triển trong chương trình nghị sự song phương, vốn được thảo luận hồi tháng 2 khi nhà lãnh đạo Ấn Độ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, liên quan vấn đề "công bằng" trong thương mại và tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng. (Reuters)
* Lễ nhậm chức của Tổng thống Trump hồi tháng Một huy động được 239 triệu USD, theo thông tin do Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) công bố ngày 20/4.
Đây là số tiền cao kỷ lục, hơn gấp đôi số tiền huy động được trong lễ nhậm chức đầu tiên của ông (107 triệu USD). Con số này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình mà các tổng thống gần đây huy động được, điển hình như Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden chỉ huy động được khoảng 61 triệu USD cho lễ nhậm chức vào năm 2021. (Reuters)