Tin thế giới 21/7: Tin nóng về hòa đàm Nga-Ukraine, Campuchia 'ra đòn' với lừa đảo trực tuyến, Trung Quốc cứng rắn nhắc nhở EU
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Vòng đàm phán mới giữa Nga-Ukraine có thể sẽ diễn ra trong vài ngày tới. (Nguồn: Daily Exelsior)
Châu Âu
* Đàm phán Nga-Ukraine có thể được nối lại trong tuần này, vào ngày 23 hoặc 24/7, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tin được báo Independent Turkey của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra dựa trên một số nguồn tin ngoại giao.
Theo thông báo trước đó của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã chuyển tới Nga đề xuất tổ chức cuộc gặp tiếp theo giữa phái đoàn hai nước vào tuần tới.
Một nguồn tin trong đoàn đàm phán Nga đã xác nhận thông tin trên với hãng tin RIA của Nga và cho biết, tín hiệu từ Kiev đang tạo hy vọng về khả năng đàm phán sẽ sớm diễn ra. Về phía Nga, Điện Kremlin tuyên bố, Moscow ủng hộ vòng hòa đàm mới với Kiev, song nhấn mạnh lập trường của hai bên hiện đối lập hoàn toàn, do đó cần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để thu hẹp bất đồng. (TASS)
* Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đã đến Ukraine, bắt đầu chuyến thăm quốc gia Đông Âu kéo dài 2 ngày để thảo luận về việc hỗ trợ Kiev.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Barrot sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Andriy Sybiga, hội kiến Tổng thống Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Yulia Svyrydenko. Ngoài ra, ông sẽ thăm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi Pháp từng hỗ trợ Ukraine sửa chữa để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ tại đây. (Euractiv)
* Nhà Vua Bỉ kêu gọi châu Âu phát huy vai trò trong việc định hình một thế giới công bằng, lấy pháp quyền làm trụ cột, thông qua việc giữ vững các giá trị về dân chủ, công lý và quyền con người, từ đó xây dựng lại lòng tin. Lời kêu gọi được đưa ra trong thông điệp nhân dịp quốc khánh Bỉ (21/7).
Nhà Vua Philippe nhấn mạnh, luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng vững chắc để các quốc gia xây dựng quan hệ dựa trên lòng tin và nguyên tắc, đang bị thách thức nghiêm trọng: “Khi luật pháp quốc tế bị chà đạp, cả thế giới phải gánh chịu hậu quả. Sự khó lường và bạo lực sẽ lấn tới”.
Bày tỏ sự trân trọng trước việc Liên minh châu Âu (EU) kiên trì lựa chọn con đường hợp tác và đối thoại thay vì sa vào đối đầu và chia rẽ, theo Nhà Vua Bỉ, đây không phải là lựa chọn dễ dàng, nhất là trong tình hình hiện nay, song chính sự lựa chọn đó đã mang lại sự ổn định, phồn vinh và khả năng tự định hướng phát triển cho châu lục này. (Belga News Agency)
* Ủy ban Bầu cử trung ương Moldova (CEC) từ chối đăng ký tranh cử của khối Pobeda trước cuộc bầu cử quốc hội sắp tới tại Moldova.
Khối Pobeda được thành lập tại Moscow vào tháng 4/2024, có quan hệ với nhà tài phiệt Moldova đang chạy trốn Ilan Shor, người bị kết án vắng mặt mức 15 năm tù tại Moldova vì vai trò của ông này trong một vụ án gian lận ngân hàng trị giá 1 tỷ USD.
Hồi tháng 5, ông Shor đã được nhận quốc tịch Nga. Tại đại hội ở Moscow hôm 6/7, ông Shor tuyên bố, "giải pháp duy nhất cho Moldova là liên minh với Nga" và khẳng định Pobeda sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo của Moldova.
Phó Chủ tịch CEC Pavel Postica bày tỏ lo ngại về việc đại hội của khối này được tổ chức tại Moscow. Các đại diện Pobeda tham dự cuộc họp của CEC gọi quyết định trên là bất hợp pháp. (EFE)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Campuchia khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan hoạt động lừa đảo trực tuyến và đang tiếp tục truy bắt các đối tượng liên quan, theo quyết định của Thẩm phán điều tra Tòa án Đô thành Phnom Penh.
Theo Bộ trưởng Thông tin Campuchia Neth Pheaktra, 8 đối tượng vừa bị khởi tố, bắt tạm giam nằm trong số các nghi phạm bị cơ quan chức năng bắt giữ trong chiến dịch truy quét hoạt động lừa đảo sử dụng công nghệ cao tại thủ đô Phnom Penh và các địa phương, diễn ra từ ngày 27/6-19/7. Các đối tượng bị tạm giam đợt này đều là người nước ngoài. (ThmeyThmey)
* Bắc Kinh yêu cầu EU chấm dứt hành vi gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc mà không có bất kỳ cơ sở xác đáng nào, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Quách Gia Côn ngày 21/7.
Trong một cuộc họp báo, ông Quách Gia Côn nhấn mạnh: “Không bao giờ được phép can thiệp hoặc chi phối quan hệ và hợp tác bình thường giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Nga", đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Khẳng định luôn thúc đẩy đàm phán và ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, ông Quách Gia Côn khẳng định, Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột, đồng thời “kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh EU đã chính thức thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến xung đột Ukraine và danh sách trừng phạt cũng bao gồm hai tổ chức tài chính của Trung Quốc. (THX)
* Liên minh cầm quyền Nhật Bản thất bại tại cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7, với việc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Ishiba Shigeru chỉ giành được 39 ghế và đối tác liên minh là đảng Công Minh được 8 ghế.
Như vậy, tổng cộng, liên minh cầm quyền chỉ có 122 ghế tại Thượng viện, ít hơn 125 ghế cần thiết để duy trì thế đa số trong Thượng viện gồm 248 thành viên. Điều này khiến Thủ tướng Ishiba rơi vào tình thế bấp bênh khi hồi tháng 10 năm ngoái, tại bầu cử Hạ viện, liên minh của ông cũng đã đánh mất thế đa số.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba tuyên bố vẫn sẽ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chính phủ, cam kết nghiêm túc xem xét lại kết quả bầu cử lần này với ưu tiên chính là tránh tạo ra khoảng trống chính trị và giải quyết các thách thức trước mắt, trong đó có thời hạn chót ngày 1/8 cho việc đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ.
Trước kết quả này, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington mong muốn hợp tác chặt chẽ với Tokyo, đồng thời khẳng định, liên minh song phương đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố khẳng định Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi quan hệ ổn định với Tokyo, sẵn sàng hợp tác để duy trì đối thoại và trao đổi ở mọi cấp độ cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương “chiến lược và cùng có lợi” theo hướng “mang tính xây dựng và ổn định”. (Kyodo, CBS News)
* Pakistan tiêu diệt 9 phần tử khủng bố và bắt giữ 8 tên khác trong chiến dịch chung ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, theo thông tin từ Cơ quan Quan hệ công chúng liên ngành (ISPR) của Quân đội Pakistan ngày 20/7.
Lực lượng an ninh cùng với lực lượng bán quân sự và đơn vị chống khủng bố của cảnh sát quận Malakand (tỉnh Khyber Pakhtunkhwa) đã cùng triển khai chiến dịch, đồng thời đã phá hủy hai nơi ẩn náu của khủng bố và tịch thu một lượng lớn vũ khí, đạn dược, chất nổ. (THX)
Trung Đông-châu Phi
* Tàu cứu trợ Handala hướng đến Dải Gaza, mang theo vật tư y tế, thực phẩm... khởi hành từ cảng Gallipoli, miền Nam Italy, với mục tiêu phá vỡ lệnh phong tỏa lâu dài của Israel đối với vùng đất Palestine. Trên tàu có khoảng 20 thành viên quốc tế, bao gồm các nghị sĩ châu Âu, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà báo.
Liên minh Đội tàu tự do, đơn vị tổ chức con tàu, cho biết: “sứ mệnh này là vì trẻ em Gaza. Trước nạn diệt chủng và nạn đói, mọi hành động đoàn kết đều có ý nghĩa. Chừng nào Israel còn được miễn trừ trách nhiệm, bạo lực sẽ còn tiếp diễn”. Dự kiến tàu sẽ di chuyển khoảng một tuần qua Địa Trung Hải để đến vùng biển gần Gaza. (Anadolu)
* Phong trào Hamas cân nhắc khả năng gia hạn thời gian đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vào cuối tuần này, hoặc nhóm này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán tại Qatar và chỉ quay trở lại nếu các đề xuất về một thỏa thuận toàn diện được đưa ra.
Theo các nguồn tin, nếu "tối hậu thư" của lực lượng Hamas được gửi tới các nhà trung gian và Israel, nhóm này sẽ chỉ quay trở lại bàn đàm phán để thảo luận về các điều khoản và chi tiết của một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza cũng như đảm bảo việc Israel rút quân khỏi dải đất ven Địa Trung Hải này.
Các nguồn tin nói thêm rằng, ý tưởng mới nhất của Hamas được đề cập khi nhóm này chứng kiến thảm kịch nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza do các hoạt động quân sự của Israel. Hamas cũng bày tỏ sự thất vọng trước tiến độ chậm chạp trong các cuộc đàm phán tại Doha. (The National)
* Iran trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc báo cáo về tội ác chiến tranh của Israel trong cuộc xung đột kéo dài 12 ngày vào tháng trước.
Trong những bức thư có nội dung tương tự nhau được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Asim Iftikhar Ahmad, phái đoàn Iran đã trình bày một báo cáo toàn diện về những vi phạm của Israel, đặc biệt là các hành vi nhắm vào phụ nữ và trẻ em, trong cuộc xung đột vào tháng 6.
Ngoài ra, Iran cũng gửi báo cáo tới đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, cũng như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. (IRNA)
Châu Mỹ
* Mỹ có thể duy trì mức thuế quan cơ bản 10% đối với nhiều quốc gia nhỏ hơn, như các nước ở Mỹ Latinh, Caribbean và châu Phi, bất chấp những gợi ý gần đây rằng mức thuế này có thể cao hơn, theo lời Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.
Ông Lutnick nói: “Các nền kinh tế lớn hơn sẽ phải mở cửa thị trường hoặc sẽ phải trả một mức thuế công bằng cho nước Mỹ", nhấn mạnh ngày 1/8 là thời hạn cứng và sẽ không có quốc gia nào có thể “đàm phán để loại bỏ hoàn toàn” thuế quan. (CBS News)
* Giới chức Mỹ đang nắm giữ bằng chứng đủ để truy tố các cá nhân trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama liên quan cáo buộc làm giả chứng cứ về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016, theo lời Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard ngày 20/7.
Bà Gabbard cho hay, trong tuần tới, sẽ có thêm bằng chứng được công bố nhằm làm rõ nghi vấn chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã thông đồng để thổi phồng các cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử, giúp ông Donald Trump giành chiến thắng nhiệm kỳ đầu tiên. (Fox News)