Tin thế giới 26/4: Thêm nước châu Âu 'tham chiến', Nga phản đòn; Trung Quốc 'lên cơ' bảo vệ Nga; Chiến hạm khủng nhất của Anh sắp đổ bộ châu Á
Cuộc 'chiến' trục xuất giữa Nga với các nước EU chưa đến hồi kết, vụ Navalny, quan hệ Mỹ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, tàu sân bay Anh chuẩn bị đến Biển Đông, tình hình Myanmar, giải Oscar, Covid-19... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine: Tổng thống Ukraine để ngỏ khả năng gặp người đồng cấp Nga
Ngày 26/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nhiều khả năng ông sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Cho rằng, tất cả các bên đều đang ở "vạch đích" trong việc nhất trí về một lệnh ngừng bắn mới, ông Zelensky nhấn mạnh, không muốn khu vực xung đột Donbass biến thành một vùng cấm tương tự như vùng đất Chernobyl bị nhiễm xạ sau thảm họa 35 năm trước. (Reuters)
Căng thẳng giữa Nga với thành viên Liên minh châu Âu (EU)
Romania trục xuất Phó Tùy viên quân sự Nga
Ngày 26/4, Bộ Ngoại giao Romania ra thông báo nêu rõ, chính quyền nước này "đã quyết định tuyên bố, Phó Tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nga ở Bucharest Alexey Grishaev là người không được hoan nghênh trên lãnh thổ Romania".
Bộ này cho rằng, hành động của ông Grishaev "trái ngược với các quy định của Công ước Viena năm 1961 về quan hệ ngoại giao".
Ngoại trưởng Romania Bogdan Aurescu cùng ngày đã triệu tập Đại sứ Nga tại Bucharest Valery Kuzmin để thông báo về quyết định của các nhà chức trách Romania.
Hiện Nga chưa có bình luận gì về động thái trên. (Sputnik)
Nga trục xuất nhà ngoại giao Italy, Roma lên tiếng
Ngày 26/4, Moscow đã trục xuất phó tùy viên hải quân Italy và triệu Đại sứ nước này đến trụ sở Bộ Ngoại giao Nga nhằm phản ứng động thái hồi tháng trước của Roma khi trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga.
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Italy tuyên bố: "Chúng tôi xem quyết định này là vô căn cứ và không công bằng vì động thái này nhằm trả đũa một biện pháp chính đáng mà chính quyền Italy thực hiện để bảo vệ an ninh của mình". (Reuters)
Nga-Czech: Nga yêu cầu Czech công khai về loại vũ khí ở kho đạn Vrbetice
Ngày 25/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, Czech phải thông báo cho cộng đồng quốc tế chính xác về loại vũ khí được niêm cất trong các nhà kho ở làng Vrbetice.
Bà Zakharova cũng nhấn mạnh, Prague không có bất cứ cơ sở nào để cáo buộc Moscow dính líu đến vụ nổ kho đạn ở Vrbetice năm 2014. (TASS)
Nga-Mỹ: Thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh, Trung Quốc 'lên cót' bảo vệ hàng xóm
Ngày 26/4, Điện Kremlin cho biết, Nga và Mỹ vẫn chưa thống nhất về thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden, cũng như còn nhiều yếu tố vẫn cần được xem xét trước khi đạt được đồng thuận.
Về quan hệ hai nước, Nga cho hay, đang tiến hành lập danh sách những quốc gia không thân thiện, sẽ bị cấm thuê các công dân Nga làm việc cho các phái bộ ngoại giao, trong đó có Mỹ.
Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố, nước này sẵn sàng đưa ra những biện pháp trả đũa mới đối với Washington nếu chính quyền Mỹ vẫn duy trì đường lối leo thang.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Bắc Kinh kiên quyết tăng cường ủng hộ Moscow trong bối cảnh Mỹ siết chặt trừng phạt Nga, duy trì mối quan hệ Đối tác toàn diện và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề bảo vệ chủ quyền nhà nước, đồng thời "phản đối mạnh mẽ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương". (Reuters, TASS)
Vụ Navalny: Tòa án Nga đình chỉ hoạt động của quỹ ủng hộ ông Navalny
Ngày 26/4, một tòa án ở Nga đã ra lệnh cho Quỹ Chống tham nhũng (FBK) của nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny, vốn đang bị bỏ tù, và mạng lưới chi nhánh khu vực của quỹ này đình chỉ mọi hoạt động của nhóm trong khi chờ quyết định liệt quỹ này vào danh sách các "tổ chức cực đoan".
Trước đó, các công tố viên đã yêu cầu tòa án cấm các nhóm vận động bầu cử của ông Navalny đăng phát mọi nội dung trên mạng trực tuyến, tổ chức biểu tình và tham gia bầu cử.
Liên quan phản ứng quốc tế về vụ Nga bắt giữ ông Navalny, ngày 25/4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo sự đối đầu với Nga, phản đối việc trừng phạt cứng rắn hơn, đồng thời lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục đối thoại với Moscow. (AFP)
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ: Mỹ chuẩn bị hứng đòn vì công nhận tội ác diệt chủng ở Armenia
Ngày 25/4, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn kiêm Cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định, tuyên bố của Tổng thống Mỹ công nhận tội ác diệt chủng ở Armenia dưới thời Đế chế Ottoman “đơn giản là một sự xúc phạm”.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters, ông Kalin nói: "Sẽ có sự đáp trả theo nhiều cách thức, phương pháp và mức độ khác nhau trong những ngày tháng tới". (Reuters)
Belarus-Mỹ: Belarus điều tra vai trò của Mỹ trong âm mưu đảo chính
Ngày 25/4, trả lời phỏng vấn trong chương trình Moscow. Kremlin. Putin trên kênh truyền hình Rossiya-1, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov cho biết, Ủy ban An ninh Quốc gia Belarus (KGB) đang tiến hành điều tra hình sự về khả năng Mỹ dính líu đến âm mưu đảo chính quân sự ở Belarus.
Theo ông Bortnikov, hồ sơ về vụ án khẳng định, đây là âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính quân sự.
Người đứng đầu FSB nhấn mạnh: “Âm mưu này đã được xác nhận thông qua dữ liệu khách quan và đáng tin cậy mà chúng tôi có được sau khi bắt giữ một số cá nhân… ở Moscow.
Hiện nay, các cơ quan điều tra ở Belarus đang tích cực thực hiện công tác điều tra. Vì vậy, kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra khi cuộc điều tra kết thúc”. (TASS)
Anh: Chiến hạm mạnh nhất lịch sử Anh sắp đổ bộ Biển Đông
Ngày 26/4, Đại sứ quán Anh tại Tokyo cho biết, trong khuôn khổ lần triển khai đầu tiên, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, tàu mặt nước mạnh nhất trong lịch sử Hải quân Hoàng gia Anh, sẽ dẫn đầu một đội tàu Hải quân Hoàng gia đi qua vùng biển châu Á, trong đó có hoạt động tại Biển Đông, trong chuyến thăm cảng Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các chuyến thăm cấp cao, nhằm củng cố mối quan hệ an ninh ở khu vực Đông Á, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực do lo ngại ngày càng tăng ở Nhật Bản trước bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). (Reuters)
Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự tiếp tục hoãn xét xử bà Suu Kyi
Ngày 26/4, các luật sư của nhà lãnh đạo dân chủ bị lật đổ Aung San Suu Kyi cho biết, chính quyền quân quản ở Myanmar một lần nữa đình chỉ quy trình tố tụng đối với bà Suu Kyi đến ngày 10/5 tới.
Vị luật sư này cho biết, 12 tuần kể từ khi bà Suu Kyi bị giam giữ, họ vẫn không được phép gặp trực tiếp khách hàng của mình - một trong rất nhiều trở ngại mà đội ngũ luật sư này gặp phải.
Cùng ngày, Điện Kremlin tuyên bố, Nga ủng hộ giải pháp nội bộ cho tình trạng bất ổn ở Myanmar, đồng thời "rất quan ngại và đang theo dõi sát sao những diễn biến xảy ra" ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước EU đã hoan nghênh đồng thuận 5 điểm của Hội nghị Các nhà lãnh đạo ASEAN về tình hình Myanmar. (AFP)
Bạo động ở Jerusalem: Quốc tế kêu gọi kiềm chế
Đêm 22/4, các vụ bạo động đã nổ ra tại Đông Jerusalem sau lệnh cấm tụ tập và xuất hiện hàng loạt video đăng tải trên mạng cho thấy, các thanh niên Arab tấn công người Do Thái chính thống cực đoan.
Sau đó, những người Do Thái quá khích cũng xuống đường để tấn công người Arab. Ít nhất 125 người đã bị thương khi người biểu tình Palestine đụng độ liên tục với cảnh sát Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế”, trong khi Mỹ bày tỏ "vô cùng quan ngại về các cuộc ẩu đả tại Jerusalem, đồng thời chỉ trích những phát ngôn mang tính "thù hận" sau khi những người Do Thái với tư tưởng cực hữu có các khẩu hiệu chống lại người Palestine.
Ngày 25/4, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi và người đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki ra thông cáo chung kêu gọi Israel ngừng các biện pháp kích động bạo lực và ngăn chặn những vụ tấn công của các nhóm cực đoan được cho là đã châm ngòi cho làn sóng bạo động đang diễn ra ở Jerusalem. (AFP, Reuters)
Giải Oscar 2021: Điện ảnh châu Á thắng lớn
Sáng 26/4 (giờ Việt Nam), Lễ trao giải Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Điện ảnh Mỹ 2021 đã khai màn.
Không nằm ngoài dự đoán, nhà làm phim người gốc Trung Quốc Chlóe Zhao đã giành chiến thắng ở hạng mục "Đạo diễn xuất sắc nhất" với bộ phim đình đám Nomadland, là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử 93 năm của giải Oscar "lên ngôi" tại hạng mục này.
Bộ phim Nomadland cũng đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, đoạt giải "Phim xuất sắc nhất" mùa giải lần thứ 93.
Một nghệ sĩ châu Á khác, nữ diễn viên gạo cội người Hàn Quốc Youn Yuh Jung, 73 tuổi, đã trở thành chủ nhân của giải thưởng Oscar dành cho "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" ngay trong lần đầu tiên được đề cử tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này với vai diễn bà ngoại Soon Ja trong bộ phim Minari (được chiếu tại Việt Nam dưới tựa đề Khát vọng đổi đời).
Trong khi đó, tài tử Anthony Hopkins được Oscar 2021 tôn vinh là "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" khi vào vai một người cha mất trí nhớ trong phim The Father.
Ở tuổi 83, ông Anthony Hopkins ghi dấu mốc lịch sử khi là diễn viên cao tuổi nhất chinh phục Oscar, lần thứ hai trong sự nghiệp điện ảnh kéo dài 6 thập kỷ qua của ông.
Trước đó, ông cũng đã được vinh danh tại hạng mục này với vai diễn kẻ sát nhân Hannibal Lecter trong bộ phim kinh dị The Silence of the Lambs (Sự im lặng của bầy cừu) năm 1991.
Giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" của Oscar 2021 đã gọi tên Frances McDormand. Đây là tượng vàng thứ 3 trong sự nghiệp của minh tinh 63 tuổi, đồng thời cũng là tượng vàng thứ 3 của đoàn làm phim Nomadland sau các giải thưởng ở hai hạng mục "Phim xuất sắc nhất" và "Đạo diễn xuất sắc nhất". (TTXVN)
Covid-19: Virus hoành hành tại Ấn Độ, Đông Nam Á gặp nguy
Ấn Độ đang bị virus SARS-CoV-2 hoành hành, với số ca nhiễm khủng khiếp, ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước, trung bình hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 2.000 trường hợp tử vong. Bệnh viện thiếu oxy, quá tải, người nhiễm Covid-19 chết mòn trong cơn bệnh, hệ thống hỏa thiêu bất lực trước số người tử vong quá nhiều.
Không chỉ càn quét Ấn Độ, "cơn sóng thần" Covid-19 một lần nữa đang đe dọa các nước Đông Nam Á khi nhiều quốc gia trong khu vực ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới.
Ngày 26/4, Bộ Y tế Indonesia thông báo ghi nhận 5.944 ca nhiễm mới, Malaysia là 2.776 ca, Thái Lan thêm 2.048 ca mắc.
Trong khi đó, Lào lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục 3 chữ số, 113 ca. (TTXVN)