Tin thế giới 3/4: Nga sắp tung đội vũ khí hạt nhân 'vô tiền khoáng hậu'? Trung Quốc 'khuyên' Nhật Bản rút kinh nghiệm

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, câu chuyện về vũ khí hạt nhân Nga, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, tình hình Trung Đông là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Siêu ngư lôi Poseidon sẽ được trang bị trên tài ngầm hạt nhân Belgorod và Khabarovsk. (Nguồn: National Interest)

Siêu ngư lôi Poseidon sẽ được trang bị trên tài ngầm hạt nhân Belgorod và Khabarovsk. (Nguồn: National Interest)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Châu Âu

* Nga lập đội tàu ngầm đặc biệt mang vũ khí hạt nhân "vô tiền khoáng hậu": Ngày 3/4, hãng thông tấn TASS đưa tin, Nga có kế hoạch thành lập một đội tàu ngầm chuyên dụng để mang ngư lôi có khả năng hạt nhân Poseidon, như một phần của Hạm đội Thái Bình Dương của nước này.

TASS dẫn một nguồn tin quốc phòng nói: "Quyết định thành lập một đơn vị tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng ở Kamchatka đã được đưa ra. Thời điểm sẽ vào khoảng tháng 12/2024 hoặc nửa đầu năm 2025".

Poseidon được thiết kế như một vũ khí hủy diệt hàng loạt khó có thể đánh chặn, triển khai trên các tàu ngầm hạt nhân Belgorod và Khabarovsk.

Vũ khí này được tạp chí Polular Mechanics mệnh danh là ngư lôi "Ngày tận thế", có thể xóa sổ các căn cứ quân sự, xưởng đóng tàu và các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Nó cũng có thể gây nên tổn thất quy mô lớn cho các thành phố ven biển nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện nổ ra.

Theo Business Insider, trong khi hầu hết vũ khí hạt nhân có thể xóa bỏ một thành phố, Poseidon có thể xóa bỏ một lục địa.

* Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus gần biên giới phía Tây của Nhà nước liên minh để gia tăng khả năng đảm bảo an ninh chung, bất chấp những lời phàn nàn từ châu Âu và Mỹ, theo lời Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov.

Kế hoạch hoàn thành các kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus cũng sẽ diễn ra vào trước ngày 1/7. (Al Mayadeen)

* Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thảo luận với Nga về quan hệ song phương, tình hình xung quanh Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cũng như một số vấn đề khu vực trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Ankara từ ngày 6-7/4.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết thêm, vào ngày 30/3, ông đã thảo luận với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về Thỏa thuận Ngũ cốc.

Ông Cavusoglu khẳng định, Ankara đang cố gắng đóng góp công sức để giải quyết một số việc mà Nga coi là “có vấn đề”, trong đó có thanh toán qua ngân hàng. (Sputnik)

* Czech chuẩn bị nhận các trực thăng chiến đấu từ Mỹ: Ngày 3/4, Bộ Quốc phòng Czech thông báo, Mỹ sắp bàn giao cho quân đội nước này những chiếc trực thăng chiến đấu AH-1Z Viper đầu tiên.

Trước đó, CH Czech đã ký hợp đồng mua tổng cộng 8 trực thăng đa năng UH-1Y Venom và 4 trực thăng chiến đấu AH-1Z Viper do Mỹ sản xuất.

Theo quy trình, chính phủ Mỹ sẽ tiếp quản các máy bay này từ nhà sản xuất, sau đó sẽ bàn giao lại cho phía CH Czech. Dự kiến, quân đội Czech sẽ nhận được chiếc đầu tiên chậm nhất vào tháng 5 tới.

Ngoài 12 chiếc trực thăng mới nêu trên, quân đội CH Czech cũng mua thêm của Mỹ 8 trực thăng cũ nhưng còn sử dụng tốt. (Expats)

* Tổng thống Pháp Emanuel Macron thăm Trung Quốc từ ngày 5-7/4, theo lời mời của Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ đi cùng ông Macron trong chuyến công du này.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nhà lãnh đạo sẽ tổ chức hội đàm để xây dựng lộ trình cho quan hệ song phương, tăng cường hợp tác và trao đổi quan điểm về các vấn đề lớn.

Liên quan EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho hay, hai bên phải duy trì tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, vượt qua bất đồng và khó khăn, tập trung vào sự đồng thuận và hợp tác.

Theo quan chức ngoại giao trên, Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với EU và coi chuyến thăm của bà von der Leyen là cơ hội để tiếp tục khai thác tiềm năng, qua đó giải quyết các thách thức toàn cầu và mang lại sự ổn định cũng như năng lượng tích cực cho một thế giới vốn đầy bất trắc. (Reuters)

Nga-Ukraine

* Công ty Australia cung cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 3/4, theo đài ABC, Công ty quốc phòng Electro Optic Systems (EOS) có trụ sở tại Canberra đã ký một thỏa thuận trị giá 120 triệu AUD (80,6 triệu USD) để xuất khẩu hệ thống vũ khí từ xa (RWS) sang Ukraine.

Theo EOS, RWS mang lại “độ chính xác và độ tin cậy cao hơn” so với các sản phẩm khác của đối thủ cạnh tranh và có thể được tích hợp trên nhiều phương tiện và nền tảng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Giám đốc điều hành của EOS Andreas Schwer cho biết: "EOS tự hào được hỗ trợ Lực lượng vũ trang và người dân Ukraine bằng cách cung cấp RWS. Điều này sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu quốc phòng và an ninh quan trọng của Ukraine".

* Nga lập quỹ đặc biệt hỗ trợ binh lính chiến đấu ở Ukraine và gia đình, theo sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 3/4, được công bố trên trang web chính thức của chính phủ.

Theo nội dung sắc lệnh, các biện pháp này "nhằm mục đích đảm bảo cuộc sống tươm tất" cho các binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cũng như hỗ trợ cho vợ/chồng và con cái.

Theo Tổng thống Putin, quỹ trên cần "đưa ra sự hỗ trợ có mục tiêu, được cá nhân hóa dành cho gia đình của các chiến sĩ đã ngã xuống, cũng như các cựu chiến binh tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt". (AFP)

* Hai tướng kỳ cựu Nga ra tiền tuyến: Theo trang mạng quân sự của Nga ngày 3/4, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergei Shoigu đã điều động hai vị Thượng tướng, cũng là Anh hùng Nga là Tham mưu trưởng Lục quân Alexander Lapin và Tư lệnh Lực lượng dù Mikhail Teplinskiy ra tiền tuyến.

Theo tin đánh giá, đây là sự kiện rất quan trọng đối với tình hình quân sự ở Nga, vì Tướng Lapin và Tướng Teplinskiy là những nhà lãnh đạo quân sự giàu kinh nghiệm, đồng thời là 2 nhân vật quan trọng trong đội ngũ chỉ huy của quân đội Nga.

Quyết định điều động 2 vị tướng trên ra tiền tuyến có thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình, đòi hỏi các nhà lãnh đạo quân sự được đào tạo bài bản. Cả hai tướng quân đội trên đều đã phục vụ trong quân đội Nga hơn 35 năm. (Avio Pro)

* Tình hình Bakhmut: Ngày 2/4, người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner tuyên bố, lực lượng này đã cắm cờ Nga trên tòa thị chính của Bakhmut và "về mặt pháp lý, thành phố này đã bị chiếm".

Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trên Facebook rằng, nước này vẫn "giữ" thành phố Bakhmut và "đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Nga".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định, tình hình quân sự xung quanh thành phố Bakhmut đang “đặc biệt nóng bỏng”. (Reuters)

* Phó Thủ tướng Đức đến Kiev, Tổng thống Ukraine sắp thăm Ba Lan: Bộ Năng lượng và Kinh tế Đức ngày 3/4 thông báo Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã có chuyến thăm không báo trước tới Kiev, lần đầu tiên kể từ xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

Trong khi đó, Cố vấn các vấn đề đối ngoại Marcin Przydacz của Tổng thống Ba Lan cho hay, Tổng thống Ukraine Zelensky dự kiến thăm Warsaw vào ngày 5/4. Chưa có xác nhận của Kiev về thông tin này.

Cũng ngày 3/4, theo người đứng đầu phòng chính sách quốc tế của Văn phòng Tổng thống Ba Lan, ông Marcin Przydacz, Warsaw đã chuyển một số chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine. (Reuters, Sputnik)

Biển Đông

* Philippines nêu tên 4 căn cứ bổ sung Mỹ có quyền tiếp cận trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng (EDCA) nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương.

Theo đó, các căn cứ trên sẽ có mặt ở tỉnh Isabela và Cagayan trên đảo Luzon cùng tỉnh Palawan gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga, Ấn Độ và toàn bộ cộng đồng quốc tế,trong bối cảnh thế giới diễn ra những thay đổi sâu sắc và phức tạp, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố ngày 3/4.

Theo bà Mao Ninh, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đều là "những nước lớn phát triển có ảnh hưởng đáng kể", đồng thời khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục gửi tín hiệu tích cực tới thế giới về sự cần thiết phải duy trì chủ nghĩa đa phương thực sự và đoàn kết nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu. (Sputnik)

* Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản: Ngày 2/4, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa, nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Tokyo gạt bỏ những “ồn ào, chia rẽ” trong quan hệ song phương.

Cho rằng quan hệ giữa hai nước nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn có những tranh cãi chủ yếu do Tokyo đi theo chính sách "sai lầm" của Mỹ đối với Trung Quốc, ông Vương Nghị "khuyên" Nhật Bản rút kinh nghiệm từ những bài học lịch sử và tuân thủ những nguyên tắc vốn có trong quan hệ song phương.

Về phần mình, Ngoại trưởng Hayashi khẳng định, Tokyo sẵn sàng làm việc cùng Bắc Kinh để triển khai những định hướng đã được lãnh đạo hai nước chia sẻ và xây dựng một mối quan hệ song phương ổn định, mang tính xây dựng với mục tiêu cùng thắng.

Trong khi đó, tại cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng 2/4, ông Hayashi cho biết, Tokyo cam kết thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh.

Theo ông Lý, vì Trung Quốc-Nhật Bản có ngôi nhà chung ở châu Á và liên quan chặt chẽ với nhau về lợi ích thương mại, do đó hai nước nên bảo vệ “thương mại tự do” và loại bỏ sự không chắc chắn cũng như bất ổn trong quan hệ thương mại song phương.

Trong diễn biến khác, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với du khách từ Trung Quốc đại lục, kể từ ngày 5/4 tới.

Theo đó, du khách từ Trung Quốc đại lục sẽ được phép nhập cảnh vào Nhật Bản bằng cách xuất trình giấy tờ chứng minh đã tiêm 3 liều vaccine phòng Covid-19, thay vì kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. (Kyodo, SCMP)

* Nhật Bản sẽ tổ chức một loạt cuộc họp cấp bộ trưởng G7 (Nhóm các nước phát triển nhất thế giới) trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm này vào tháng 5 tới ở Hiroshima.

Tokyo sẽ tìm cách dẫn dắt các cuộc thảo luận về một loạt vấn đề bao gồm xung đột Nga-Ukraine, các mối lo ngại về nguồn cung cấp lương thực và năng lượng cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Tổng cộng có 15 cuộc họp cấp bộ trưởng trực tiếp của G7 được lên kế hoạch trên khắp Nhật Bản trong năm nay. Đây sẽ là số cuộc họp nhiều nhất mà quốc gia châu Á này tổ chức khi giữ chức Chủ tịch luân phiên G7. (Kyodo)

* Hàn-Nhật đàm phán khởi động đối thoại về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia tiếp theo sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Đối thoại an ninh kinh tế có sự tham gia của hội đồng an ninh quốc gia hai nước dự kiến sẽ bắt đầu ngay trong tháng này, trước khi Tổng thống Yoon tới Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Joe Biden vào ngày 26/4.

Trong khi đó, đối thoại an ninh quốc gia với sự tham gia của các quan chức cấp vụ từ các cơ quan chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai nước cũng dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng thời gian đó.

Trong một tin liên quan, ngày 3/4, Hàn Quốc cùng Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận hải quân 3 bên trên vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên với các khoa mục chống ngầm và tìm kiếm-cứu nạn.

Cuộc tập trận có sự tham gia của các tàu khu trục chủ lực Yulgok YiYi, Choe Yeong và Daejoyeong cùng tàu hỗ trợ hậu cần Soyang của Hàn Quốc, tàu sân bay USS Nimitz và 2 tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, USS Decatur của Mỹ cùng tàu khu trục JS Umigiri của Nhật Bản. (Yonhap)

Trung Đông

* Quốc vương Jordan Abdullah II cam kết "bảo vệ" các thánh địa ở Jerusalem, theo thông tin từ Hoàng gia nước này.

Cụ thể, tại buổi gặp với phái đoàn do Tổng thống Palestine Mahmud Abbas dẫn đầu, Quốc vương Abdullah II nói rõ: "Sẽ luôn ở bên các bạn. Bổn phận của mọi người Hồi giáo là ngăn chặn sự leo thang của Israel chống lại... các thánh địa ở Jerusalem".

Ông Abdullah II cũng đưa ra một cam kết lâu dài để giữ gìn "hòa bình và hòa hợp" tại khu phức hợp nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem - địa điểm linh thiêng thứ 3 của đạo Hồi mà Jordan quản lý. (AFP)

* Nội các Israel nhất trí thành lập Lực lượng Vệ binh quốc gia, có nhiệm vụ ứng phó với “các tình huống khẩn cấp" của đất nước, ví dụ như các cuộc đụng độ bạo lực giữa các công dân Do Thái và Arab của Israel.

Israel sẽ thành lập một ủy ban bao gồm đại diện tất cả các cơ quan an ninh để soạn thảo quy chế hoạt động và quyền hạn của Lực lượng Vệ binh quốc gia trong vòng 90 ngày, cũng như việc ai sẽ trực tiếp quản lý lực lượng trên.

Quyết định thành lập lực lượng Vệ binh quốc gia đã vấp phải phản ứng trái chiều trong nội bộ Israel với lo ngại nó có thể làm gia tăng bạo lực trên toàn quốc. (Times of Israel)

Châu Phi

* Tổng thống Ai Cập thăm Saudi Arabia tìm kiếm hỗ trợ tài chính: Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia cho biết, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã đến thăm nước này vào ngày 2/4, trong bối cảnh Cairo tìm kiếm các nguồn tài chính để giảm bớt sức ép đối với đồng nội tệ và thúc đẩy nền kinh tế.

Theo SPA, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã gặp Tổng thống Sisi tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia bên bờ Biển Đỏ, trong đó hai bên thảo luận về quan hệ song phương và các diễn biến trong khu vực.

Chuyến đi của ông al-Sisi diễn ra trong bối cảnh đang có sự thay đổi lớn về ngoại giao trong khu vực, với các động thái của Saudi Arabia và Ai Cập nhằm giảm bớt căng thẳng với Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-34-nga-sap-tung-doi-vu-khi-hat-nhan-vo-tien-khoang-hau-trung-quoc-khuyen-nhat-ban-rut-kinh-nghiem-222126.html