Tin thế giới 4/1: Nga-Ukraine có hành động lớn nhất trong 2 năm xung đột, Trung Quốc phản pháo Mỹ-Philippines; ngày tang thương ở Iran
Diễn biến mới quanh xung đột Nga-Ukraine, động thái của Mỹ-Hàn-Nhật trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc lên tiếng về hành động của Mỹ-Philippines trên Biển Đông, cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Iran... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga và Ukraine tiến hành đợt trao đổi tù nhân: Đây là đợt trao đổi tù nhân thứ 49 và là đợt lớn nhất kể từ khi diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine từ tháng 2/2022.
Theo thỏa thuận do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) làm trung gian, 230 tù nhân chiến tranh Ukraine và 248 binh sĩ Nga đã được trả tự do và trở về nhà trong cuộc trao đổi đầu tiên sau gần 5 tháng.
Hiện các quan chức Nga chưa cung cấp thông tin nào khác về cuộc trao đổi nói trên. (The Moscow Times)
* Nga đưa xe tăng T-80BVM mới vào chiến dịch quân sự: Ngày 4/1, một chỉ huy đơn vị xe tăng của Nga cho biết, lần đầu tiên kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự, xe tăng T-80BVM nâng cấp đã được chuyển cho các đơn vị quân đội ở hướng Zaporizhzhia.
Theo chỉ huy trên, xe tăng có một loạt tính năng mới và được cải tiến nhằm nâng cao khả năng chiến đấu. Đặc biệt, hệ thống liên lạc mới cung cấp tín hiệu đáng tin cậy ở khoảng cách lên tới 10 km.
Các module áo giáp bổ sung đã được lắp đặt trên xe tăng, giúp thiết bị này có thể chống lại các cuộc tấn công từ máy bay không người lái và tên lửa chống tăng. (Pravda)
* Ukraine thiếu đạn phòng không trầm trọng, chỉ đủ để chống chọi với "vài cuộc tấn công lớn nữa", theo lời Tư lệnh các lực lượng liên hợp của các lực lượng vũ trang nước này Sergiy Nayev.
Vị chỉ huy các đơn vị phòng không cơ động ở Kiev và khu vực Bắc Ukraine nhấn mạnh, trong trung và dài hạn, Kiev cần sự giúp đỡ từ các quốc gia phương Tây để bổ sung cho kho tên lửa của mình.
Tướng Nayev cũng cho hay, nước này muốn có thêm các quả đạn tên lửa Patriot và chính các hệ thống phòng không này. (AFP)
* Đức chuyển thêm 3 pháo phòng không Gepard cho Ukraine như một phần viện trợ quân sự mới nhất cho quốc gia Đông Âu này.
Bộ Quốc phòng Đức cho biết, viện trợ trong tương lai sẽ tiếp tục tập trung vào Lực lượng vũ trang Ukraine “đang hoạt động và được trang bị tốt”, tăng cường phòng không, pháo binh, xe chiến đấu bọc thép và đạn dược. (The Defense Post)
Châu Âu
* Nga cấp quốc tịch cho người nước ngoài phục vụ trong lực lượng vũ trang, theo sắc lệnh mà Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành ngày 4/1.
Theo đó, công dân nước ngoài đã ký hợp đồng nghĩa vụ quân sự phục vụ tại lực lượng vũ trang hoặc đơn vị quân sự của Nga trong hoạt động quân sự đặc biệt hoặc đang phục vụ ở lực lượng vũ trang hoặc đơn vị quân sự của Nga trong hoạt động quân sự đặc biệt có quyền đăng ký quốc tịch Nga.
Quyền tương tự, như sau sắc lệnh, sẽ được trao cho những công dân nước ngoài đã giải ngũ khỏi lực lượng vũ trang Nga trong trong chiến dịch quân sự đặc biệt, vợ/chồng và con cái của họ. (Sputnik)
* Ukraine sẽ thảo luận về phòng không với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 10/1 tới, theo người phát ngôn NATO Dylan White.
Cuộc gặp do Tổng thư ký NATO triệu tập ở cấp đại sứ theo yêu cầu của Kiev, sau các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái gần đây của Nga nhằm vào Ukraine.
Ông White nói thêm, các đồng minh NATO đã "chuyển giao một loạt hệ thống phòng không cho Ukraine và họ cam kết tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của Ukraine”. (TASS)
* Nông dân Ba Lan tiếp tục biểu tình ở biên giới Ukraine trong ngày 4/1 và phong tỏa cửa khẩu biên giới Medyka với Ukraine, nhằm đảm bảo trợ cấp của chính phủ cho ngô và ngăn chặn việc tăng thuế.
Trước đó, nông dân Ba Lan đã dừng biểu tình vào ngày 24/12 sau cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp Czeslaw Siekierski.
Truyền thông Ba Lan dẫn lời lãnh đạo cuộc biểu tình Roman Kondrow nói rằng, nông dân hài lòng với kết quả cuộc gặp Bộ trưởng Nông nghiệp và lãnh đạo địa phương, song muốn có một thỏa thuận chính thức. (Reuters)
* NATO hỗ trợ Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha mua 1.000 tên lửa phòng không Patriot, có trị giá ước tính khoảng hơn 5 tỷ USD.
NATO đã trao hợp đồng sản xuất và giao hàng cho COMLOG - liên doanh giữa tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ và nhà sản xuất tên lửa MBDA của châu Âu. Nhờ hợp đồng này, hoạt động sản xuất tên lửa ở châu Âu sẽ được mở rộng. (Reuters)
* Một số nước châu Âu nhất trí nghiên cứu dự án Hành lang hydro xanh: Các đơn vị vận hành hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu Gasgrid Finland (Phần Lan), Elering (Estonia), Conexus Baltic Grid (Latvia), Amber Grid (Lithuania), GAZ-SYSTEM (Ba Lan) và ONTRAS (Đức) thông báo sẽ tham gia vào dự án quốc tế nghiên cứu tiền khả thi về Hành lang Hydro xanh Bắc Âu-Baltic.
AFRY Management Consulting, đơn vị thắng thầu, sẽ phân tích các điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng hydro xuyên biên giới từ Phần Lan, qua các nước vùng Baltic và Ba Lan đến Đức, cũng như các xu hướng hydro xanh trong khu vực.
Nghiên cứu này sẽ cung cấp một khuôn khổ toàn diện, dựa trên thực tế để cho phép đưa ra các quyết định tối ưu, dự kiến sẽ hoàn thành sau 6 tháng, vào giữa năm 2024.
Mục tiêu của dự án Hành lang Hydro Bắc Âu-Baltic là tạo ra sự kết nối giữa các khu vực sản xuất năng lượng xanh ở Bắc Âu với các trung tâm tiêu thụ chính ở Trung Âu. (Delfi)
Châu Á
* Kuwait có thủ tướng mới: Ngày 4/1, Quốc vương Kuwait Meshal al-Ahmad al-Sabah đã bổ nhiệm ông Mohammed Sabah al-Salem al-Sabah làm thủ tướng của nước này.
Theo Reuters, sự thay đổi về lãnh đạo sẽ không ảnh hưởng tới các chính sách đối ngoại của Kuwait, bao gồm tiếp tục ủng hộ khối quốc gia Arab vùng Vịnh, duy trì đồng minh với phương Tây và ưu tiên quan hệ với Saudi Arabia.
Ngoài ra, quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này có thể sẽ mở rộng quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang bảo trợ cho thỏa thuận hòa bình giữa Saudi Arabia và Iran.
* Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản lần đầu đối thoại về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 5/1, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Byung-won sẽ đến Washington để tham dự cuộc đối thoại ba bên đầu tiên về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản - lần lượt là ông Daniel Kritenbrink và ông Yasuhiro Kobe.
Những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản sẽ thảo luận về các cách tăng cường hợp tác ba bên trong khu vực, tập trung vào quan hệ đối tác với Đông Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương. (Yonhap)
* Hàn-Mỹ tổ chức tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Triều Tiên kéo dài từ ngày 29/12-5/1.
Sư đoàn bộ binh cơ giới thủ đô của Hàn Quốc và Đội tác chiến Lữ đoàn Stryker thuộc Sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ đã được huy động tham gia cuộc tập trận ở thành phố biên giới Pocheon, cách thủ đô Seoul 46 km về phía Đông Bắc.
Lục quân Hàn Quốc cho hay, cuộc huấn luyện chung lần đầu tiên trong năm của đồng minh Hàn-Mỹ nhằm mục đích tăng cường khả năng tác chiến tổng hợp nhằm đối phó với các hành động quân sự từ Triều Tiên. (Yonhap)
Biển Đông
* Trung Quốc phản pháo cuộc tập trận Mỹ-Philippines ở Biển Đông: Ngày 3/1, Mỹ tuyên bố rằng, một nhóm tàu sân bay tấn công do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu đã tiến hành cuộc tập trận kéo dài 2 ngày với Hải quân Philippines "nhằm củng cố quan hệ giữa các quốc gia đồng minh và đối tác”.
Trước động thái này, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhấn mạnh, họ đã “triển khai các lực lượng Hải và Không quân để thực hiện việc tuần tra thường kỳ” tại Biển Đông từ ngày 3-4/1.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã chỉ trích cuộc tập trận của Mỹ và Philippines, gọi đây là động thái "khiêu khích".
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: "Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan chấm dứt những hành động vô trách nhiệm và nghiêm túc tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông". (AFP)
Trung Đông
* Ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị công du Trung Đông: Ngày 3/1, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken sẽ khởi hành công du Trung Đông vào đêm 4/1, tới “các điểm dừng chân ở một số thủ đô, trong đó có thủ đô của Israel”.
Phái viên ngoại giao của Mỹ Amos Hochstein cũng sẽ tới Israel để nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Hezbollah. (Reuters)
* Tình hình Biển Đỏ: Chiều 3/1 (giờ New York), tại trụ sở Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an đã nhóm họp phiên khẩn cấp để thảo luận về các vụ tấn công liên tiếp của các tay súng Houthi trên Biển Đỏ.
Cũng trong ngày này, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, ông sẽ trình bày với các quốc gia thành viên trong khối về đề xuất thành lập phái bộ nhằm góp phần đảm bảo an ninh ở Biển Đỏ.
Trong khi đó, Đức đang thảo luận với EU về việc hình thành một phái bộ hàng hải tại Biển Đỏ cũng như đang đánh giá tất cả các phương án có thể áp dụng theo luật pháp quốc tế và hiến pháp quốc gia.
Về phần mình, Anh tuyên bố, các cuộc tấn công trên các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ phải dừng lại, nếu không sẽ phải đối mặt với các hành động quốc tế. (Reuters)
* Việc rút quân khỏi Gaza không đồng nghĩa kết thúc xung đột, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Trước đó, ngày 2/1, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari thông báo, quân đội nước này vẫn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao tại tất cả các khu vực, trong bối cảnh quân đội nước này cho biết họ đang rút 2 lữ đoàn khỏi Gaza và 3 lữ đoàn nữa sẽ được rút trong tương lai.
* Khủng bố đẫm máu ở Iran: Đến ngày 4/1, hai vụ nổ tại khu tưởng niệm Tướng Iran Qasem Soleimani ở thành phố Kerman đã khiến 103 người tử vong, khoảng 211 người bị thương.
Iran nói rằng, đây là vụ tấn công khủng bố và sẽ khiến thủ phạm cũng như những kẻ đứng sau phải trả giá.
Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam, Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia đã lên tiếng chia buồn với chính quyền và người dân Iran cũng như lên án vụ tấn công.