Tin thế giới 5/9: Tổng thống Nga bất ngờ tuyên bố ủng hộ bà Harris, cuộc 'thay máu' ở Ukraine, lời hứa của Trung Quốc với châu Phi
Diễn biến xung đột ở Ukraine và cuộc cải tổ Nội các quy mô lớn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nga nói về bầu cử Mỹ và chiến dịch quân sự, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi, Thủ tướng Ấn Độ thăm Singapore... là một số sự kiện quốc tế nổi bật.
Châu Âu
* Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF): Ngày 5/9, tại sự kiện này, ông Putin tuyên bố: "Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rút lui khỏi cuộc đua nhưng đã yêu cầu những người ủng hộ mình ủng hộ bà Kamala Harris. Đây là những gì chúng tôi đang làm; chúng tôi sẽ ủng hộ bà ấy".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, "quyền lựa chọn thuộc về người dân Mỹ và chúng tôi sẽ tôn trọng điều đó".
Về chiến dịch quân sự đặc biệt, theo ông Putin, quân đội nước này đã tăng cường các hoạt động tấn công sau khi Ukraine triển khai "các đơn vị khá lớn và được huấn luyện tốt tới các khu vực biên giới của Nga và tự suy yếu ở các hướng chủ đạo", ám chỉ chiến dịch Kiev tấn công tỉnh Kursk ở miền Trung Nga.
Nhận định chiến dịch này của Ukraine, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố, mục đích của sự kiện này nhằm làm chậm bước tiến của Nga ở Donbass nhưng Kiev đã thất bại.
Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil có thể hành động như những bên trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng về Ukraine, lưu ý thêm, một thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa Moscow và Kiev trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tại các cuộc đàm phán ở Istanbul có thể làm cơ sở cho tiến trình đàm phán trong tương lai.
Tổng thống Putin cũng thừa nhận, Nga đã không điện đàm với đại diện của một số nước châu Âu và Mỹ "trong một thời gian dài" dù Moscow không từ chối những cuộc tiếp xúc như vậy. (TASS)
* Cuộc "thay máu" ở Nội các Ukraine: Sau khi Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cùng 6 quan chức từ nhiệm trong ngày 4/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, chính phủ của ông cần "năng lượng mới" nhằm củng cố sức mạnh nhà nước theo nhiều hướng khác nhau.
Cho đến nay, quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu chấp thuận đơn từ chức của tất cả quan chức trên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất với Quốc hội bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Andrii Sybiha làm ngoại trưởng mới của nước này.
* Ấn Độ có thể đóng vai trò hỗ trợ cho đối thoại về Ukraine, theo tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nhấn mạnh tới mối quan hệ mang tính xây dựng, hữu nghị giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với khả năng tiếp xúc được với cả Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine cũng như với phía Mỹ, nhà lãnh đạo Ấn Độ có thể là một bên tiếp nhận thông tin từ các bên tham gia xung đột.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng lưu ý rằng đến nay "chưa có kế hoạch cụ thể" cho sứ mệnh trung gian hòa giải có thể có của Thủ tướng Modi vì hiện Nga không thấy có điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán như vậy.
Người phát ngôn Điện Kremlin bày tỏ, Nga mong muốn đạt được mục tiêu ở Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình, nhưng phía Kiev chưa sẵn sàng đàm phán. Ông tái khẳng định Tổng thống Putin luôn nhấn mạnh Moskva sẵn sàng đối thoại thương lượng. (TASS)
* Belarus vô hiệu hóa các mục tiêu xâm phạm không phận, nghi là máy bay không người lái, trong đêm 4/9, theo Phó Tư lệnh thứ nhất Lực lượng phòng không-không quân nước này Sergei Frolov.
Trong bài đăng trên kênh Telegram, Bộ Quốc phòng Belarus dẫn lời ông Frolov cho hay, tất cả các mục tiêu xâm phạm đều đã bị phá hủy. (Reuters)
* Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong ngày 4/9.
Ông đánh giá tình hình tại nhà máy ở Đông Nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát, đang rất "mong manh", song IAEA đang cố gắng ổn định tình hình và xem xét một số vấn đề kỹ thuật tại đây.
Ông Grossi cũng đã xem xét hiện trường vụ hỏa hoạn tại một trong những tháp làm mát của nhà máy hồi tháng trước và xác định ngọn lửa không xuất phát từ bản thân tháp này, qua đó làm gia tăng khả năng về việc khu vực trên đã bị tấn công. Ông Grossi cho biết hoạt động điều tra nguyên nhân vụ cháy vẫn đang diễn ra. (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2024 đã khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, và kéo dài đến ngày 6/9.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng hỗ trợ châu Phi xây dựng "động cơ tăng trưởng xanh", thu hẹp khoảng cách về khả năng tiếp cận năng lượng, tuân thủ nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, cùng thúc đẩy chuyển đổi xanh và carbon thấp toàn cầu.
Ông cho biết, trong 3 năm tới, Trung Quốc cam kết tài trợ 50 tỷ USD và tạo ra 1 triệu việc làm tại châu Phi, đồng thời cùng lục địa này triển khai 10 hành động đối tác lớn thúc đẩy hiện đại hóa. (THX)
* Singapore và Ấn Độ nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Singapore trong 2 ngày 4-5/9. Ấn Độ là quốc gia thứ 2 mà Singapore thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, sau Australia.
Chiều 5/9, thông báo về việc nâng cấp, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh, đây là động thái kịp thời bởi hai nước sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2025. (Hindustan Times)
* Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thăm Nga và dự EEF: Ngày 5/9, tại cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng, tiềm năng thực sự của quan hệ hai nước vẫn chưa được khai thác hết và Kuala Lumpur cam kết tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực với Moscow.
Theo ông Ibrahim, khi Malaysia tiếp tục mở rộng không gian địa kinh tế và đa dạng hóa các mối quan hệ chiến lược, Nga sẽ là đối tác chính chia sẻ tầm nhìn về tăng trưởng, thịnh vượng và phát triển.
Thủ tướng Malaysia bày tỏ hy vọng Nga sẽ theo đuổi con đường xây dựng hướng tới một giải pháp hòa bình và bền vững cho cuộc xung đột ở Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng cộng đồng quốc tế phải tăng cường áp lực để chấm dứt các chiến dịch tàn bạo của Israel ở Gaza. (Bernama)
* Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật trên các đảo biên giới: Ngày 5/9, Thủy quân lục chiến Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật trên trên các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong ở Hoàng Hải, ngay phía Nam Đường giới hạn phía Bắc (NLL) - ranh giới trên biển liên Triều trên thực tế.
Cuộc tập trận mang tính chất phòng thủ, có sự tham gia của pháo tự hành K-9 và hệ thống phóng tên lửa đa nòng Chunmoo, tổng cộng đã bắn 390 quả đạn.
Đây là cuộc tập trận thứ hai được tổ chức sau khi Seoul đình chỉ hiệp ước quân sự liên Triều hạn chế các cuộc tập trận như vậy. (Yonhap)
* New Zealand-Hàn Quốc ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), lưu ý rằng, UNCLOS thiết lập khung pháp lý đối với tất cả các hoạt động hàng hải.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Seoul ngày 4/9, hai bên ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình-ổn định khu vực.
Tuyên bố chung nêu rõ, cả hai bên ủng hộ sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như trật tự dựa trên luật lệ, đồng thời hoan nghênh hợp tác hơn nữa thông qua đối thoại cấp cao thường xuyên hơn về những vấn đề khu vực. (Yonhap)
* Đối thoại 2+2 Australia-Nhật Bản giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước diễn ra tại Queenscliff thuộc bang Victoria, miền Đông Nam Australia, ngày 5/9.
Các quan chức hai nước đồng ý rằng, tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh và nâng quan hệ quốc phòng lên tầm cao mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa lực lượng không quân và phát triển hơn nữa hợp tác ba bên với Mỹ. Australia cũng sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận chung thường niên Orient Shield (Lá chắn phương Đông) của Lục quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản vào năm 2025. (Kyodo)
* Indonesia thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu: Ngày 5/9, Diễn đàn phát triển bền vững toàn cầu (ISF) 2024 đã diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia, với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao, đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia môi trường và hơn 100 doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ khai mạc ISF 2024, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn về mục tiêu phát triển kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường, tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai.
Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình khử carbon bằng cách giảm phát thải nhà kính để đạt được lộ trình phát thải ròng bằng 0 (Netzero) và cung cấp nguồn năng lượng xanh, bền vững cho ngành công nghiệp.
Theo dự kiến, ISF 2024 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về đòn bẩy tài chính cũng như các giải pháp phi tài chính để đạt được tăng trưởng bền vững trong tương lai. Trong khuôn khổ diễn đàn này, hàng trăm gian hàng triển lãm các sản phẩm phát triển sản xuất bền vững đã được giới thiệu tới công chúng. (Kemlu)
Trung Đông-châu Phi
* Nga nỗ lực giải quyết khủng hoảng Trung Đông: Ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ làm tất cả những gì có thể "trong quyền hạn của mình" để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài ở Trung Đông.
Theo nhà lãnh đạo, Nga ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột Trung Đông. (TASS)
* Iraq đạt thỏa thuận mua 12 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Caracal H225M từ hãng hàng không khổng lồ Airbus của châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Thabet al-Abbas đã dự buổi lễ ký kết thỏa thuận ở thủ đô Baghdad cùng với Đại sứ Pháp tại Iraq Patrick Durel và đại diện của Airbus Helicopters trong ngày 4/9. (AFP)
* 12 binh sĩ quân đội Syria thiệt mạng trong các vụ tấn công liều chết do nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS), vốn có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, thực hiện ở Tây Bắc Syria tối 4/9.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, vụ tấn công nhắm vào các vị trí của quân đội Syria ở phía Bắc tỉnh Latakia, giáp với Idlib - thành trì lớn cuối cùng của lực lượng phiến quân ở phía Tây Bắc Syria.
Theo SOHR, đây là tổn thất về sinh mạng lớn nhất đối với lực lượng quân đội chính phủ Syria tại khu vực này kể từ tháng 9 năm ngoái. (Arab News)
* Israel khẳng định lập trường về việc kiểm soát Hành lang Philadelphi: Ngày 4/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Gaza chỉ có thể xảy ra nếu các bên liên quan đảm bảo rằng, Hành lang Philadelphi ở biên giới Gaza-Ai Cập, sẽ không bao giờ được sử dụng làm con đường tiếp tế cho lực lượng Hamas của Palestine.
Cho tới khi kịch bản trên xảy ra, Israel vẫn sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Israel cũng cho biết, nước này vẫn sẽ hướng tới việc đạt được 3 mục tiêu trong chiến dịch quân sự tại Gaza đó là triệt tiêu khả năng quân sự cũng như quản lý chính quyền của Hamas, giải cứu toàn bộ con tin bị bắt giữ và đảm bảo Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel. (Times of Israel)
Châu Mỹ
* Hạ viện Mexico thông qua Dự thảo cải cách tư pháp vào ngày 4/9 với 357 phiếu thuận và 130 phiếu chống, trong đó cho phép người dân trực tiếp bầu thẩm phán, thay vì thực hiện bầu tại Quốc hội như trước đây.
Dự thảo gây tranh cãi này sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối tháng này nếu được Thượng viện phê chuẩn vào ngày 11/9 tới. (AP)
* Chương trình hợp pháp hóa nhập cư Mỹ vướng rào cản pháp lý: Ngày 4/9, Thẩm phán tòa án quận tại bang Texas (Mỹ) Campbell Barker đã gia hạn quyết định tạm dừng chương trình hợp pháp hóa nhập cư của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến ngày 23/9, nhằm đánh giá lại chương trình và xem xét khả năng tiến hành điều trần.
Chương trình của ông Biden cho phép khoảng 500.000 người không có giấy tờ hợp pháp, đã sống ở Mỹ ít nhất 10 năm và kết hôn với người Mỹ, trở thành công dân và làm việc hợp pháp tại nước này. Ngoài ra, khoảng 50.000 người dưới 21 tuổi có cha/mẹ là công dân Mỹ cũng đủ điều kiện tham gia chương trình.
Tuy nhiên, Texas và một liên minh 15 bang có Tổng chưởng lý là thành viên của đảng Cộng hòa đã khởi kiện đòi chấm dứt các biện pháp trên, cho rằng chương trình này lách luật nhập cư và việc hợp pháp hóa các trường hợp nhập cư trái phép là vượt quá thẩm quyền cơ quan hành pháp.
* Haiti ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc kéo dài 1 tháng do tình hình tội phạm và bạo lực ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trước tình hình an ninh nghiêm trọng ở Haiti, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Brian A. Nichols cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc thúc đẩy việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Haiti.
Tuy nhiên, việc triển khai lực lượng này còn tùy thuôc vào quyết định của Hội đồng Bảo an. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng một bộ phận người dân Haiti có thể phản đối sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. (Reuters)