Tin thế giới 9/12: Ông Biden hứng chỉ trích; Gián điệp Trung Quốc thâm nhập chính trường Mỹ; Em gái ông Kim Jong-un 'mạnh miệng' chỉ trích Hàn Quốc
Các vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Australia-Trung Quốc, Biển Đông, Biển Hoa Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Bầu cử Mỹ 2020
Ông Biden 'hứng' chỉ trích vì chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng mới
Ngày 8/12, nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden chính thức thông báo ông sẽ chỉ định Tướng nghỉ hưu Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Trong thông báo, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden nêu rõ: "Với thành tích quân sự nổi bật trong suốt 4 thập kỷ qua, Bộ trưởng Quốc phòng được bổ nhiệm Austin là một chỉ huy có nhiều kinh nghiệm và giàu thành tích, người đã phục vụ xuất sắc ở một số vị trí quan trọng nhất của Lầu Năm Góc".
Đề cử này sẽ cần được Thượng viện Mỹ thông qua. Nếu được chấp nhận, ông Austin sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng da màu đầu tiên của Mỹ.
Đề cử ông Austin có thể bị các nhóm cấp tiến chỉ trích, vì ông là thành viên hội đồng của nhiều công ty, trong đó có nhà sản xuất vũ khí Raytheon Technologies.
Ngoài ra, ông cũng sẽ là ứng cử viên bộ trưởng quốc phòng thứ 2 trong vòng 4 năm qua cần được Quốc hội Mỹ thông qua vì theo luật liên bang, cựu chiến binh phải rời quân ngũ ít nhất 7 năm trước khi đảm nhận vai trò bộ trưởng quốc phòng. (Reuters)
Tòa án tối cao Mỹ bác đề nghị của ông Trump tại bang Pennsylvania
Tòa án tối cao Mỹ ngày 8/12 đã từ chối đề nghị từ các nghị sĩ Cộng hòa tại Pennsylvania nhằm ngăn chặn việc đảo ngược kết quả bầu cử tại bang này. Với quyết định của tòa, chứng nhận của Thống đốc Pennsylvania Tom Wolf hồi cuối tháng 11 về chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tại bang này vẫn được giữ nguyên vẹn.
Trước đó, các nghị sĩ Cộng hòa tại Pennsylvania đã đệ đơn kiện về tính chính đáng của việc bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, đồng thời yêu cầu một sắc lệnh nhằm thay đổi kết quả bầu cử tại bang này.
Quyết định này là đòn giáng mới nhất vào nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump và các đồng minh nhằm đảo ngược kết quả bầu cử và bác bỏ chiến thắng của đối thủ Joe Biden. Trước đó, Tổng thống Trump hy vọng các thẩm phán tại tòa án tối cao, trong đó có 3 thành viên bảo thủ do ông bổ nhiệm, có thể sẽ giúp ông trong các vụ kiện về cáo buộc gian lận bầu cử. (Hill)
Mỹ-Trung Quốc
Ai sẽ là tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc?
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Reuters dẫn nguồn trang tin Axios cho biết, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đang cân nhắc chỉ định ông Pete Buttigieg, cựu Thị trưởng thành phố South Bend của bang Indiana, giữ vị trí đại sứ cấp cao, có thể là tại Trung Quốc.
Ông Buttigieg, 38 tuổi, một cựu binh tại Afghanistan, từng ứng cử vào vị trí đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc nhưng Tổng thống đắc cử Biden đã thay đổi ý định này. (Reuters)
Nghi ngờ gián điệp Trung Quốc tiếp cận các chính trị gia Mỹ
Trang tin Axios cho biết một công dân Trung Quốc tên là Fang Fang (Christine Fang) đã nhắm mục tiêu vào các chính trị gia California mới nổi, gồm cả những người có tiềm năng trở thành nhân vật quốc gia.
Nhiều quan chức tình báo nói rằng Fang đã sử dụng chiến dịch gây quỹ, mạng lưới và các cuộc biểu tình để có được quyền lực chính trị. Fang cũng đã từng tham dự các hội nghị thị trưởng khu vực. Các quan chức vẫn không tin rằng Fang đã biết và rò rỉ thông tin mật.
Theo Fox News, gián điệp này đã tiếp cận Hạ nghị sĩ Eric Swalwell (California). Fang được cho là đã tham gia gây quỹ cho chiến dịch tái đắc cử năm 2014 của ông này mặc dù cô không quyên góp cũng như không có bằng chứng về những khoản đóng góp bất hợp pháp.
Các nhà điều tra đã lo lắng về hành vi và cách thức hoạt động của Fang đến mức họ đã cảnh báo cho ông Swalwell vào năm 2015 và cho ông ta một “cuộc họp giao ban phòng thủ”. Swalwell sau đó đã cắt đứt mọi quan hệ với Fang và không bị cáo buộc về bất kỳ hành vi sai trái nào.
Vào năm 2014, Fang cũng từng tình nguyện tham gia đấu thầu nhà của Hạ nghị sĩ Ro Khanna (California) và một cuộc gây quỹ năm 2013 cho Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard (Hawaii). Văn phòng của ông Khanna cho biết nghị sĩ đã gặp Fang tại một số cuộc họp mặt nhưng không có liên lạc gì thêm. Ông Khanna cũng bày tỏ lo ngại về các cuộc điều tra của FBI có thể liên quan đến quyền riêng tư. (Axios)
Tình hình Iran
Iran bắt giữ nghi phạm ám sát nhà khoa học hạt nhân
Hãng tin ISNA cho biết giới chức Iran đã bắn giữ các nghi phạm liên quan đến vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, một vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, danh tính của những nghi phạm này chưa được tiết lộ.
Hossein Amir-Abdollahian, một cố vấn của chủ tịch quốc hội Iran, ngày 8/12 cho biết: "Những tên sát thủ, một vài kẻ trong số đó đã được xác định danh tính hoặc thậm chí bị lực lượng an ninh Iran bắt giữ, sẽ không thoát được công lý". Quan chức này cũng đặt ra nghi vấn Israel đứng sau vụ ám sát và không loại trừ khả năng có sự phối hợp của Mỹ. (Sputnik)
Mỹ áp đặt trừng phạt quan chức và trường đại học của Iran
Bộ Tài chính Mỹ ngày 8/12 đã áp đặt trừng phạt quan chức Hasan Irlu - quan chức của IRGC-QF và là phái viên của Iran trong lực lượng Houthi tại Yemen, cùng trường Đại học quốc tế Al-Mustafa.
Theo thông báo, trường đại học này được IRGC-QF dùng làm cơ sở để tuyển người tham gia công tác thu thập thông tin tình báo và thực hiện các chiến dịch tình báo. Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách đen một người quốc tịch Pakistan sinh sống tại Iran với cáo buộc liên quan các nỗ lực của IRGC-QF lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động ở Trung Đông và Mỹ.
Với lệnh trừng phạt trên, tất cả bất động sản và lợi ích tài sản của cá nhân và thực thể liên quan trên đất Mỹ đều bị phong tỏa. Các công dân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với các đối tượng bị áp đặt trừng phạt. Ngoài ra, bất kỳ thể chế tài chính nước ngoài nào tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ giao dịch quan trọng với những cá nhân và thực thể này cũng có thể bị Mỹ trừng phạt. (AP)
Tình hình Biển Đông
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Indonesia,Philippines bàn về Biển Đông
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller đã kết thúc chuyến thăm Indonesia và Philippines, trong đó nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc tăng cường khả năng quốc phòng và đảm bảo một khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Tại thủ đô Manila, Philippines, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ngắn tới hai nước Đông Nam Á, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller đã chuyển giao gói trang thiết bị quốc phòng do Mỹ sản xuất trị giá 29 triệu USD cho Philippines.
Tại Indonesia, Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta cho biết, nhà lãnh đạo Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng quan hệ đối tác song phương với Indonesia, đặc biệt trong việc đảm bảo một khu vực Biển Đông và Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Mỹ cũng nêu ý tưởng về một cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Australia-Indonesia. Tiếp Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto bày tỏ mong muốn của chính phủ Indonesia hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và giáo dục quân sự. (Berna News)
Bán đảo Triều Tiên
Em gái ông Kim Jong-un chỉ trích Ngoại trưởng Hàn Quốc
Phản ứng trước bình luận của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nói: "Có thể thấy bà ấy đưa ra những nhận xét liều lĩnh mà không tính đến hậu quả. Điều này cho thấy bà ấy muốn làm nguội lạnh thêm mối quan hệ đang đóng băng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc".
"Ý định thực sự của bà ấy rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những lời nói đó và bà ấy có thể phải trả giá đắt vì điều này", bà Kim nói.
Tuyên bố nói trên của em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho thấy Triều Tiên rất nhạy cảm về vấn đề đại dịch Covid-19. (AP)
Biển Hoa Đông
Nhật Bản trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc
Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh sau khi 4 tàu của Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Theo đó, ngày 9/12, lúc 9h43 sáng (giờ địa phương), 4 tàu Trung Quốc đã đi vào vùng biển của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku và lưu lại tại khu vực này tới 10h 30 phút. Chính phủ Nhật Bản đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc". (Sputnik)
Căng thẳng Australia-Trung Quốc
Australia thông qua luật mới về quan hệ đối ngoại
Ngày 8/12, Quốc hội Australia đã chính thức thông qua đạo luật mới về quan hệ đối ngoại. Luật này có thể ảnh hưởng tới thỏa thuận Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Theo đạo luật này, chính phủ liên bang được quyền phủ quyết các thỏa thuận do chính quyền địa phương và các trường đại học ký kết với các tổ chức và chính phủ nước ngoài.
Luật về Quan hệ Đối ngoại sẽ được áp dụng đối với tất cả các thỏa thuận được ký kết giữa chính quyền các bang và vùng lãnh thổ, hội đồng địa phương và trường đại học công của Australia với nước ngoài, ngoại trừ những thỏa thuận và hợp đồng của các tập đoàn thương mại và doanh nghiệp nhà nước. Chính quyền các bang và vùng lãnh thổ, các hội đồng địa phương và trường đại học của Australia phải hoàn thành công tác kê khai các thỏa thuận hiện có với nước ngoài trong vòng 6 tháng kể từ khi luật có hiệu lực.
Hiện một đơn vị chuyên trách mới thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã được thành lập để thực hiện các quy định của luật nói trên. Sau khi luật chính thức được áp dụng, hằng năm Chính phủ Australia sẽ báo cáo Quốc hội nước này về các quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao.
Theo luật mới, Bộ trưởng Ngoại giao Australia sẽ có quyền hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào nếu xét thấy thỏa thuận đó không có lợi cho quan hệ đối ngoại hoặc không phù hợp với chính sách đối ngoại của Canberra.
Danh sách các thỏa thuận có thể bị hủy bỏ bao gồm những thỏa thuận về thành phố kết nghĩa, các bản ghi nhớ, cũng như tất cả các thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý và không ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này có nghĩa là thỏa thuận Vành đai và Con đường (BRI) mà bang Victoria của Australia đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trung Quốc năm 2018 và dự kiến sẽ sớm đi đến ký kết thỏa thuận có khả năng bị hủy bỏ vì Canberra cho rằng thỏa thuận này không phù hợp với lợi ích của Australia. (Strait Times)