Tin thế giới ngày 25/6: Động thái 'khả nghi' của Trung Quốc gần biên giới Ấn Độ, Mỹ lộ 'đánh giá gây sóng' về Huawei, Biển Hoa Đông không 'yên bình'

Căng thẳng Trung-Ấn, Mỹ-Trung với Huawei, Biển Hoa Đông, sửa đổi hiến pháp Nga, đại dịch Covid-19 là những sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Căng thẳng Trung Quốc-Ấn Độ chưa có giấu hiệu giảm nhiệt khi mới đây, có vẻ như Bắc Kinh lại tăng cường lực lượng cũng như các hoạt động xây dựng gần biên giới hai nước. (Nguồn: The Print)

Trung Quốc-Ấn Độ

Trung Quốc xây thêm công trình mới gần khu vực xung đột với Ấn Độ

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc dường như đã xây thêm các công trình mới gần khu vực xảy ra vụ đụng độ gây thương vong với Ấn Độ ở phía Tây dãy Himalaya, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ xảy ra các vụ xung đột mới giữa hai nước láng giềng có sở hữu hạt nhân này.

Những bức ảnh do Công ty công nghệ không gian có trụ sở tại Mỹ Maxar Technologies chụp ngày 22/6 cho thấy đây dường như là các công trình mở rộng của Trung Quốc trên một thềm sông nhìn ra Sông Galwan.

Hoạt động xây dựng mới này cũng bao gồm các lều trại ngụy trang hoặc các công trình dựa vào vách đá và gần đó có thể là một doanh trại mới đang được xây dựng với các bức tường và rào chắn.

Quân đội Ấn Độ đã xác nhận việc xuất hiện trở lại của lều lán, sau khi cả hai bên đã rời khỏi địa điểm này tiếp sau cuộc đụng độ tại đây làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Trong khi đó, Hindustan Times dẫn các nguồn tin chính quyền khẳng định, Trung Quốc không những không dừng lại, mà thay vào đó còn gia tăng hoạt động quân sự dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở thung lũng Galwan, bằng việc tập trung binh lính, xe quân sự và máy xúc đất. Một nguồn thạo tin nói: "Quân số mà Trung Quốc triển khai dọc LAC dường như đã vượt 10.000. Có thể quan sát các hoạt động triển khai mang tính tấn công của Trung Quốc tại nhiều địa điểm, có những nơi được tăng cường bằng xe tăng và pháo binh".

Trước đó, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cuộc họp lần thứ 15 của Cơ chế làm việc tham vấn & phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc (WMCC) đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến vào ngày 24/6 với sự tham dự của các phái đoàn ngoại giao 2 nước, trong đó nhấn mạnh hai bên cần tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt LAC cũng như nhất trí duy trì liên lạc cả ở cấp ngoại giao và quân sự, kể cả trong khuôn khổ WMCC để giải quyết tình hình hiện tại một cách hòa bình. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Mỹ-Trung Quốc

Mỹ xác định Huawei, Hikvision là công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát

Theo một văn kiện hãng Reuters có được ngày 24/6, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định các công ty hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm tập đoàn viễn thông Huawei và công ty công nghệ giám sát video Hikvision, là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, qua đó tạo cơ sở cho các biện pháp trừng phạt tài chính mới của Mỹ.

Danh sách 20 công ty mà Washington cho rằng được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kiểm soát cũng bao gồm tập đoàn viễn thông China Mobile, Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom) cũng như Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (Aviation Industry Corp of China - AVIC).

Một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ khẳng định tính xác thực của văn kiện trên, đồng thời cho biết văn kiện đã được gửi tới Quốc hội. (Reuters)

Bạn có thể quan tâm:

Tranh chấp Biển Hoa Đông

Nhật Bản phản đối Trung Quốc đặt tên cho khu vực đáy biển ở Biển Hoa Đông

Ngày 25/6, Nhật Bản lên tiếng phản đối Trung Quốc đặt tên cho khu vực đáy biển ở Biển Hoa Đông, trong đó có cả vùng liên quan quần đảo tranh chấp Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát song Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Phát biểu họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: "Có một số tên dựa trên sự quả quyết đơn phương của Bắc Kinh liên quan quần đảo Senkaku. Việc đặt tên cho khu vực đáy biển xung quanh không làm thay đổi thực tế rằng Senkaku là lãnh thổ cố hữu của đất nước chúng tôi".

Hôm 23/6, Bộ Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đã công bố danh sách tên cho 50 khu vực đáy biển ở Biển Hoa Đông, trong đó có 3 khu vực có quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Động thái trên diễn ra sau khi Hội đồng thành phố Ishigaki thuộc tỉnh Okinawa ở miền Nam Nhật Bản hôm 22/6 đã thông qua dự luật đặt lại tên cho một khu vực hành chính thuộc quần đảo Senkaku tranh chấp trên Biển Hoa Đông từ "Tonoshiro" thành "Tonoshiro Senkaku", có hiệu lực từ ngày 1/10 tới. (Kyodo)

Bạn có thể quan tâm:

Nga

Nga bắt đầu bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp

Ngày 25/6, các địa điểm bỏ phiếu đã mở cửa ở Nga trong cuộc trưng cầu dân ý kéo dài cả tuần về sửa đổi hiến pháp, theo đó sẽ cho phép Tổng thống Vladimir Putin có thể tại nhiệm đến năm 2036.

Cuộc bỏ phiếu về một loạt sửa đổi hiến pháp, do Tổng thống Putin đề xuất hồi tháng 1, ban đầu dự kiến được tổ chức vào ngày 22/4, song đã bị hoãn do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Cuộc bỏ phiếu được bố trí lại vào ngày 1/7, song các địa điểm bỏ phiếu mở trước đó một tuần và mở liên tục trong 7 ngày nhằm tránh nhiều đám đông trong ngày bầu bỏ phiếu chính.

Những đề xuất sửa đổi hiến pháp sẽ cho phép Tổng thống Putin, người lãnh đạo nước Nga hơn 2 thập kỷ qua, tiếp tục tham gia tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm sau khi nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ kết thúc vào năm 2024. (AP)

Bạn có thể quan tâm:

Dịch Covid-19Số ca mắc Covid-19 ở Indonesia vượt quá 50.000 người

Ngày 25/6, Indonesia đã ghi nhận 1.178 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 50.187 người.

Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết, nước này có thêm 47 ca tử vong do mắc Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 2.620 người. Đây là mức tử vong do Covid-19 cao nhất ở khu vực Đông Á, ngoài Trung Quốc. (Reuters)

Hàn Quốc tiếp tục lo ngại về đợt dịch Covid-19 mới

Ngày 25/6, số ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận ở mức dưới 30 ngươìt, hấp hơn so với con số 51 ca nhiễm vào ngày 24/6 và 46 trong ngày 23/6, song nước này vẫn đang cảnh giác trước một đợt dịch mới trong bối cảnh số ca nhiễm xuất phát từ nước ngoài và tại các ổ dịch trong nước tiếp tục gia tăng.

Trong số các ca nhiễm mới, 18 trường hợp được ghi nhận ở thủ đô Seoul và các vùng lân cận, 4 ca ở thành phố Daejeon, cách Seoul khoảng 160 km về phía Nam. KCDC cho biết, vùng thủ đô Seoul đang hứng chịu một đợt dịch thứ 2, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần nỗ lực cho một cuộc chiến lâu dài chống Covid-19. (Yonhap)

Dịch tại châu Mỹ chưa đạt "đỉnh", số ca tử vong tại Mỹ Latinh có thể lên tới 390.000 vào tháng 10

Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan nhận định, dịch Covid-19 tại châu Mỹ vẫn chưa lên tới giai đoạn đỉnh điểm và châu lục này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca tử vong trong vài tuần tới.

Theo ông Ryan, dịch bệnh Covid-19 tại châu Mỹ hiện đang ở giai đoạn "khốc liệt", đặc biệt tại khu vực Trung và Nam Mỹ khi nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm bệnh tăng từ 25 đến 50% trong tuần qua. Điều này chứng tỏ tốc độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn ở mức cao. Trên thực tế, gần một nửa số ca tử vong trên thế giới do Covid-19 tập trung tại châu Mỹ và con số này đang tiếp tục tăng.

Giám đốc WHO tại châu Mỹ, Carissa Etienne cho biết, tính đến ngày 23/6, châu Mỹ ghi nhận hơn 4,5 triệu ca nhiễm Covid-19 với 226.000 ca tử vong. Trong một tháng qua, khu vực Mỹ Latinh và Caribbean nói riêng đã ghi nhận mức tăng từ 690.000 ca lên 2 triệu ca.

Các chuyên gia dịch tễ học dự báo số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ Latinh sẽ lên đến 388.300 người vào tháng 10 tới, trong đó, Brazil và Mexico chiếm 66% số ca tử vong trong khu vực. (Brazilian Report)

Bạn có thể quan tâm:

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-256-dong-thai-kha-nghi-cua-trung-quoc-gan-bien-gioi-an-do-my-lo-danh-gia-gay-song-ve-huawei-bien-hoa-dong-khong-yen-binh-118206.html