Tin thị trường: Các chuỗi cung ứng trước nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng khí đốt
Toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất có thể bị sụp đổ nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức giảm hơn nữa.
OPEC điều chỉnh dự báo dư thừa nguồn cung
Ủy ban kỹ thuật (JTC) trong báo cáo chuẩn bị cho kỳ họp cấp bộ trưởng OPEC+ ngày 03/08 đã hạ dự báo dư thừa nguồn cung dầu thô toàn cầu từ 1 triệu bpd xuống còn 800.000 bpd với điều kiện nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng 3,4 triệu bpd lên 100,3 triệu bpd, sản lượng khai thác OPEC+ từ nay đến cuối năm duy trì xung quanh 48 triệu bpd (cả năm 2022 trung bình đạt 47,1 triệu bpd). JTC đưa ra 3 kịch bản cân đối cung cầu thị trường dầu thô thế giới năm 2023, cụ thể, nếu nhu cầu tăng 2,7 triệu bpd lên 103 triệu bpd (kịch bản cơ sở) và nguồn cung tăng +2,4 triệu bpd lên 103,5 triệu bpd (bao gồm OPEC+ tăng 800.000 bpd lên 47,9 triệu bpd, trong đó, OPEC khai thác 30,6 triệu bpd), thì thặng dư đạt trung bình 0,5 triệu bpd. Theo kịch bản thấp, khi cung cầu đều chỉ tăng 2 triệu bpd, thặng dư tăng lên trung bình 1,3 triệu bpd, còn theo kịch bản cao, giả định nhu cầu tăng 2,8 triệu bpd, nguồn cung tăng 2,7 triệu bpd, thặng dư giảm xuống còn 0,4 triệu bpd.
Thống kê sơ bộ tháng 7 cho thấy, sản lượng khai thác OPEC đã tăng được 310.000 bpd lên 28,98 triệu bpd, chủ yếu nhờ KSA, UAE, Iraq tăng sản lượng đủ bù đắp sụt giảm tại Nigeria và Libya, trong khi các nước non-OPEC tăng được 240.000 bpd (chủ yếu LB Nga). Các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ tại cuộc họp ngày 03/08 thống nhất tăng hạn ngạch khai thác tháng 9 thêm 100.000 bpd trong bối cảnh hạn ngạch cắt giảm bắt buộc 9,7 triệu bpd cam kết từ tháng 05/20 đã chính thức hết hiệu lực và sản lượng khai thác thực tế thấp hơn hạn ngạch cho phép tới -2,84 triệu bpd (tháng 6). Cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 05/09.
Xuất khẩu dầu thô KSA tháng 7 đã tăng lên mức 7,5 triệu bpd, cao nhất kể từ tháng 04/2020. Thị trường xuất khẩu chủ đạo Trung Quốc tăng lên 1,65 triệu bpd, Ấn Độ lần đầu tiên vượt lại ngưỡng 1 triệu bpd. Nhờ giá dầu thế giới tăng 60% kể từ đầu năm 2022 và sản lượng khai thác tăng 16%, GDP KSA quý II/2022 đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục 11,8% – cao nhất kể từ năm 2011. IMF dự báo, cả năm 2022, KSA sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất – 7,6%/năm, vượt qua Ấn Độ – 7,4%.
Đức: Các chuỗi cung ứng có thể sụp đổ do khủng hoảng khí đốt
Toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất có thể bị sụp đổ nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức giảm hơn nữa, tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức Covestro đưa ra cảnh báo trong tuần này.
Nếu nguồn cung khí đốt được phân bổ trong năm nay, điều này có thể dẫn đến hoạt động phụ tải một phần hoặc đóng cửa hoàn toàn các cơ sở sản xuất Covestro riêng lẻ, tùy thuộc vào mức độ cắt giảm, gã khổng lồ hóa chất Đức cho hay.
Giống như nhiều khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn khác, Covestro đã đưa ra nhiều biện pháp để cắt giảm nhu cầu khí đốt của mình, bao gồm việc chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu. Công ty cho biết họ cũng đang tiếp tục thực hiện cải tiến các công nghệ sản xuất hiện có và tung ra những công nghệ mới nhằm giảm tiêu thụ khí đốt và năng lượng hơn nữa.
Covestro dự kiến sẽ tiếp tục có những tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu, mức giá năng lượng rất cao, lạm phát cao và tăng trưởng yếu hơn trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời điểu chỉnh giảm thu nhập cốt lõi cho năm 2022.
Chesapeake tập trung phát triển khí đốt tự nhiên trong tương lai
Chesapeake Energy, nhà tiên phong khai thác khí đá phiến trong cuộc cách mạng đá phiến đầu tiên, đang tìm cách định vị lại mỏ Haynesville của mình để tăng trưởng trong tương lai. Ngoài ra, công ty này cũng sẽ giảm hoạt động tại mỏ đá phiến Eagle Ford, mà công ty hiện coi là không cốt lõi trong chiến lược phân bổ vốn.
Chesapeake hiện đang tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên và cơ hội cung cấp cho các cơ sở xuất khẩu LNG của Mỹ, trong bối cảnh châu Âu đang tranh giành để có đủ lượng LNG cần thiết và giảm sự phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt từ Nga.
Chesapeake cho biết họ đã ký một thỏa thuận cung cấp khí có thời hạn với trạm LNG của Golden Pass.
Golden Pass, một dự án chung của ExxonMobil và QatarEnergy, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024.