Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay thu hẹp mức tăng

Giá dầu hôm nay thu hẹp mức tăng mạnh của tuần trước; Nhu cầu khí đốt tự nhiên từ ngành công nghiệp Châu Âu dự kiến giảm...

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Giá dầu hôm nay thu hẹp mức tăng

Tính đến đầu giờ chiều nay 7/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 74,13 USD/thùng - giảm 0,34%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 77,71 USD/thùng - giảm 0,44%.

Tuần trước, giá dầu thô Brent tăng hơn 8% (tính theo tuần) và là mức tăng lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 1 năm 2023, trong khi giá dầu thô WTI tăng 9,1% theo tuần, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2023.

Mặc dù đà tăng có phần chậm lại trong phiên đầu tiên của tuần này, nhưng thị trường dầu mỏ có khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng giá do lo ngại về phản ứng trả đũa của Israel đối với Iran. Căng thẳng địa chính trị hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng giá thị trường.

Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần trước, tồn kho dầu của Mỹ tăng 3,9 triệu thùng, ngược so với ước tính giảm 1,5 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ. Tồn kho xăng tăng 1,1 triệu thùng.

Cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng dầu. Liên minh này sẽ bắt đầu tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày/tháng từ tháng 12.

Sản lượng của Libya, khoảng 700.000 thùng dầu thô/ngày, có khả năng sẽ trở lại thị trường sau khi bị đình trệ, sẽ bù đắp cho khả năng mất nguồn cung từ Iran.

Giá khí đốt giảm trong phiên đầu tuần

Giá khí đốt thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần giảm 1,3% xuống còn 2,817 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí tự nhiên giao tháng 10/2024.

Dự báo giá khí tháng 11 ở mức 637,7 USD/tấn theo Saudi Aramco, con số này cao hơn tháng 10 là 15,2 USD/tấn.

Theo báo cáo từ OSLO, nhu cầu khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2025 nhờ sự phát triển nhanh chóng tại các quốc gia Châu Á. Tuy nhiên, quá trình khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới đang gặp phải nhiều chậm trễ, dẫn đến sự thiếu hụt trong nguồn cung, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Theo dự báo của IEA, nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng hơn 100 tỷ m3 (bcm), tương đương hơn 2,5%, đạt kỷ lục 4.200 bcm. Đến năm 2025, nhu cầu tiếp tục tăng thêm 100 bcm, đạt 4.300 bcm, chủ yếu do sự phát triển kinh tế ở các nước Châu Á.

Nhu cầu khí đốt tại các quốc gia thuộc OECD Châu Âu được dự báo sẽ giảm 2% trong năm nay do nhu cầu điện suy giảm, nhưng sẽ tăng trở lại 1% vào năm 2025 khi các ngành công nghiệp, thương mại và xây dựng sử dụng nhiều khí đốt hơn. Trong khi đó, nguồn cung LNG toàn cầu trong năm nay chỉ tăng 2%, tương đương 10 bcm, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Tuy nhiên, IEA dự đoán tăng trưởng nguồn cung sẽ tăng tốc lên 30 bcm, tương đương gần 6%, vào năm 2024 khi nhiều dự án LNG lớn đi vào hoạt động.

Nhu cầu khí đốt tự nhiên từ ngành công nghiệp Châu Âu dự kiến giảm

Hãng Bloomberg dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, mặc dù tiêu thụ khí đốt tự nhiên công nghiệp tăng nhẹ trong năm nay, ngành công nghiệp nặng của Châu Âu có thể sẽ quay trở lại cắt giảm sử dụng khí đốt vào năm tới trong bối cảnh thị trường khí đốt thắt chặt hơn và giá cao hơn.

Kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, ngành công nghiệp Châu Âu đã bị siết chặt trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao và nhu cầu công nghiệp yếu ở các nền kinh tế đang suy yếu. Các công ty Châu Âu đang đánh mất lợi thế cạnh tranh vào tay các công ty ngoài EU, đặc biệt là ở Châu Á, với chi phí lao động thấp, trong khi Mỹ có giá khí đốt rẻ hơn bốn lần so với Châu Âu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo hồi đầu tuần trước rằng nhìn chung, nhu cầu khí đốt năm nay đang tăng với tốc độ mạnh hơn so với hai năm qua và sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 và 2025.

IEA cho biết trong Báo cáo đánh giá an ninh khí đốt toàn cầu hàng năm, nhu cầu khí đốt công nghiệp của châu Âu đang phục hồi khi giá bình thường hóa và cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng.

Tuy nhiên, sau sự gia tăng nhu cầu khí đốt công nghiệp ở châu Âu trong năm nay, mức tiêu thụ sẽ giảm trong những năm tới do các công ty sẽ tiếp tục phải vật lộn với chi phí năng lượng cao hơn so với các khu vực khác và nền kinh tế yếu hơn.

Nhà phân tích Erisa Pasko của Energy Aspects nói với Bloomberg rằng năm tới, nhu cầu khí đốt công nghiệp ở Châu Âu dự kiến sẽ thấp hơn 21% so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021, do kinh tế yếu kém, đặc biệt là tại Đức.

Cefic, Hội đồng Công nghiệp Hóa chất Châu Âu, cho biết trong báo cáo hàng tháng vào tháng 9 rằng “năng lượng vẫn đắt hơn trước cuộc khủng hoảng và không có khả năng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu”.

Theo cơ quan này, giá khí đốt của EU - hiện cao hơn 4,7% so với Mỹ - cần phải giảm, và niềm tin kinh doanh nói chung trong ngành hóa chất cần được cải thiện.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-dau-the-gioi-hom-nay-thu-hep-muc-tang-718652.html