Tin Thị trường: Na Uy xem xét việc hạn chế xuất khẩu điện
Giá điện của Đức đạt mức cao kỷ lục; Na Uy xem xét việc hạn chế xuất khẩu điện.
Giá điện của Đức đạt mức cao kỷ lục
Giá điện của Đức đạt mức cao kỷ lục vào ngày 5/8 vừa qua sau khi một số công ty tiện ích trên khắp châu Âu cảnh báo về nguồn cung điện thấp hơn do thời tiết khô nóng ảnh hưởng đến sản xuất điện hạt nhân và than.
Theo ước tính của Bloomberg, giá điện tại thị trường lớn nhất châu Âu, Đức, đã tăng 2% vào đầu ngày 5/8, lên mức kỷ lục 419 USD (410 euro)/MWh.
Ngày càng nhiều công ty tiện ích ở châu Âu đang tìm cách chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu khác ngoài khí đốt tự nhiên do giá cao và nguồn cung từ Nga không chắc chắn khi châu lục này tranh giành các địa điểm lưu trữ khí đốt trước mùa đông. Tuy nhiên, nguồn cung cấp than cũng bị hạn chế do mực nước thấp trên sông Rhine, một hành lang vận chuyển than và nhiên liệu chính ở châu Âu.
Giá điện tiếp tục bị áp lực tăng bởi một thông báo từ Axpo Holding của Thụy Sĩ, công ty đang giảm sản lượng tại nhà máy điện hạt nhân Beznau vì những hạn chế trong việc sử dụng nước ấm để làm mát lò phản ứng. Ngoải ra, EDF của Pháp đã cảnh báo trong nhiều tuần qua về việc sản xuất điện hạt nhân của họ ở Pháp sẽ giảm do nhiệt độ cao của các sông Rhone và Garonne khiến chúng trở nên quá nóng để làm mát các lò phản ứng.
Na Uy xem xét việc hạn chế xuất khẩu điện
Na Uy có thể sớm đưa ra quy định giảm lượng điện xuất khẩu của mình nếu mực nước tại các hồ chứa để sản xuất thủy điện giảm xuống mức cực kỳ thấp, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu điện và hóa đơn năng lượng trong nước tăng thêm.
Bộ trưởng Năng lượng Na Uy Terje Aasland nói với giới truyền thông rằng, chính phủ có thể đưa ra các giới hạn về xuất khẩu điện nếu nước trong các hồ chứa giảm xuống mức "rất thấp".
Việc cắt giảm xuất khẩu điện của Na Uy có thể xảy ra ở Tây Bắc Âu, nơi đang phải đối mặt với các vấn đề tại các nhà máy phát điện hạt nhân và than do mực nước ở các sông thấp hạn chế nguồn cung cấp than qua xà lan và nước sông ấm không thích hợp để làm mát các lò phản ứng hạt nhân.
Kết quả của những vấn đề này và sự không chắc chắn về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga, giá điện ở Đức đã tăng lên mức kỷ lục vào ngày 5/8.
Dự án Rosebank có thể mở ra khoản đầu tư 4,1 tỷ bảng Anh
Theo Equinor ASA, dự án dầu khí Rosebank có thể dẫn đến khoản đầu tư 4,1 tỷ bảng (5 tỷ USD) và tạo ra hơn một nghìn việc làm nếu nó được chấp thuận.
Theo Arne Gurtner, người phụ trách thị trường Anh và Ireland của Equinor, công ty do nhà nước Na Uy kiểm soát chưa đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng, nhưng nhận thấy đây là một dự án có triển vọng kinh tế mạnh mẽ.
Các dự báo cho thấy sản lượng khai thác ở thềm lục địa của Vương quốc Anh sẽ ít hơn đáng kể so với nhu cầu, Gurtner cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 5/8.
"Rosebank sẽ là một sự bổ sung có giá trị để tăng cường nguồn cung nội địa. Vào thời kỳ cao điểm nhất của giai đoạn xây dựng, Rosebank sẽ sử dụng hơn 1.600 nhân công", quan chức Equinor cho hay.
Tương lai của Rosebank và các mỏ dầu ngoài khơi chưa được khai thác khác, đã bị đặt dấu hỏi kể từ khi chính phủ Vương quốc Anh đưa ra mức thuế bổ sung 25% đối với lợi nhuận của ngành để đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Thuế năng lượng cũng bao gồm một khoản trợ cấp đầu tư cho phép các công ty sử dụng nó cho các dự án mới.