Tin Thị trường: Rosneft phàn nàn về việc mất thị phần vào tay các đối tác

CEO Rosneft phàn nàn về việc mất thị phần vào tay các thành viên OPEC+; Nắng nóng đẩy nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng vọt...

Rosneft phàn nàn về việc mất thị phần

Nga đang xuất khẩu một phần nhỏ hơn trong sản lượng dầu của mình, thu hẹp thị phần so với các thành viên OPEC+ khác, giám đốc điều hành của Rosneft, Igor Sechin mới đây cho biết.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg vừa diễn ra vào cuối tuần qua, ông Sechin cho rằng một số thành viên OPEC+ đang xuất khẩu tới 90% sản lượng dầu của họ trong khi đối với Nga, tỷ lệ này chỉ là khoảng 50% trong tổng số, Reuters đưa tin.

"Điều đó đặt đất nước của chúng ta vào một vị trí kém thuận lợi hơn theo cơ chế hiện tại để đánh giá tác động và khả năng tiếp cận các thị trường trọng điểm", ông Sechin nhấn mạnh.

Được biết, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu lượng dầu kỷ lục của Nga trong tháng 5, khiến quốc gia Nam Á giảm nhập khẩu dầu từ các nguồn khác như Trung Đông và châu Phi, Reuters đưa tin hồi đầu tháng. Nói cách khác, Trung Quốc và Ấn Độ mua ít dầu hơn từ các đối tác OPEC+ so với họ mua từ nước này.

Tuy nhiên, người đứng đầu Rosneft dường như muốn xuất khẩu nhiều hơn nữa. Thật vậy, Rosneft chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu của Nga và là nhà khai thác lớn nhất của nước này.

Tại diễn đàn, CEO của Rosneft cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguồn cung dầu thô trong tương lai.

"Trong những năm tới, nhân loại sẽ phải đối mặt với vấn đề về năng lực khai thác và các nước OPEC sẽ không còn khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng", ông Sechin cho biết, đồng thời lưu ý kế hoạch tăng công suất khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày của Ả Rập Xê-út từ năm 2025 đến 2027.

Nga tin giá dầu có thể đạt 80 USD trong năm nay

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov tin rằng giá dầu có thể đạt 80 USD/thùng trong năm nay, theo India Times.

Ông Shulginov không chỉ đích danh loại dầu nào, nhưng nhiều khả năng đang đề cập đến chuẩn dầu Brent.

"Điều quan trọng là giá dầu phù hợp với người tiêu dùng mua những sản phẩm này", truyền thông Nga dẫn lời ông Shulginov.

Ba tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết giá chuẩn dầu Brent sẽ cao hơn một chút so với mốc 80 USD/thùng vào cuối năm nay, nhờ nhu cầu tăng trong mùa hè và việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+.

Bộ năng lượng Nga dự kiến sản lượng dầu và condensate của nước này sẽ giảm 20 triệu tấn, tương đương 400.000 thùng mỗi ngày trong năm nay so với năm ngoái, Shulginov cũng cho biết.

Trước đó, Nga đã cam kết giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3. Việc cắt giảm hiện sẽ kéo dài đến cuối năm 2024.

Trên thực tế, dữ liệu xuất khẩu dầu thô của Nga trong những tuần gần đây không phản ánh bất kỳ sự cắt giảm nào. Ngược lại, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển thậm chí còn đang tăng lên.

Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga tiếp tục cao khi mức trung bình trong 4 tuần tính đến ngày 4/6 cho thấy các chuyến hàng đang tăng lên, khiến các đối tác trong thỏa thuận OPEC+ không hài lòng.

Nắng nóng đẩy nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng vọt

Các đợt nắng nóng vào mùa hè này có thể dẫn đến sự gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vì nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục dựa vào dầu mỏ, khí đốt và than đá để đáp ứng nhu cầu của mình.

Trong khi nhiều chính phủ đang cố gắng tăng công suất năng lượng tái tạo cho phù hợp với quá trình chuyển đổi xanh, song trên thực tế, nhiều dự án phải mất vài năm, thậm chí hàng thập kỷ mới hoàn thành.

Một số quốc gia vẫn tiếp tục chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thời gian nhu cầu ở mức cực cao, trong bối cảnh những đợt nắng nóng mà chúng ta có thể sẽ chứng kiến trên toàn cầu vào mùa hè này.

Nhiều khu vực của châu Âu đã trải qua nhiệt độ cao hơn bình thường khi bước vào mùa hè, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn được dự báo trong những tháng tới. Có những lo ngại về hạn hán, tác động tiêu cực đến môi trường và tình trạng thiếu năng lượng nếu đợt nắng nóng, khô hạn tiếp tục kéo dài như năm ngoái.

Nhiệt độ cao trong một thời gian dài có thể đồng nghĩa công suất năng lượng tái tạo ngày càng tăng của nhiều nước châu Âu không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng quá lớn. Điều này sẽ buộc các chính phủ chuyển sang nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng, qua đó đẩy giá năng lượng lên cao.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-rosneft-phan-nan-ve-viec-mat-thi-phan-vao-tay-cac-doi-tac-687549.html