Tin Thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ giúp châu Á duy trì tăng trưởng nhu cầu dầu
Trung Quốc, Ấn Độ giúp châu Á duy trì tăng trưởng nhu cầu dầu; Động thái mới nhất của OPEC+ có thể gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh...
Trung Quốc, Ấn Độ giúp châu Á duy trì tăng trưởng nhu cầu dầu
Nhu cầu dầu ở châu Á vẫn mạnh trong tháng 3 nhờ lượng nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ, bù đắp cho nhu cầu suy yếu ở một số quốc gia châu Á khác.
Cụ thể, châu Á đã nhập khẩu tổng cộng 27,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào tháng 3, Reuters trích dẫn dữ liệu của Refinitiv Oil Research. Con số này tăng 4% so với tháng 2.
Nhà báo Russell của Reuters lưu ý rằng, trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng dầu nhập khẩu của châu Á cao hơn mọi tháng trong năm ngoái, ngoại trừ tháng 11.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 đạt mức cao nhất trong 4 tháng với 11,65 triệu thùng/ngày, cao hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với mức trung bình hàng ngày của tháng 2. Ả Rập Xê-út là nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc vào tháng trước, vượt qua Nga.
Về phần mình, Ấn Độ chứng kiến nhập khẩu dầu thô đạt mức cao nhất trong 11 tháng vào tháng 3, ở mức 5,02 triệu thùng/ngày. Dầu thô của Nga chiếm 1/3 trong tổng số này, với khối lượng ở mức cao kỷ lục trong tháng thứ sáu liên tiếp.
Động thái của OPEC+ ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh
Ngân hàng Emirates NBD mới đây nhận định việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ sẽ kéo giảm tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh trong năm nay, kể cả nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Ả Rập Xê-út.
Các nhà khai thác lớn nhất của OPEC ở Trung Đông và một số thành viên khác của hiệp ước OPEC+ đã tuyên bố cắt giảm thêm tổng cộng 1,16 triệu thùng mỗi ngày. Trong đó, Ả Rập Xê-út sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày và tuyên bố rằng động thái này là một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày hiện tại của Nga cũng được gia hạn cho đến cuối năm nay.
Do quyết định cắt giảm từ OPEC+, Emirates NBD đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 cho một số quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), sau thông báo cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Oman từ tháng 5 đến cuối năm 2023.
Các nền kinh tế thuộc GCC, bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê-út, UAE dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP 2,3% trong năm nay, giảm so với mức 3,2% dự kiến trước đó, ngân hàng cho biết.
Các thị trường mới nổi thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững
Với việc thị trường hàng không toàn cầu đang sôi động trở lại, các thị trường mới nổi đang tìm cách chiếm thị phần thông qua việc tăng đầu tư và sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Báo cáo vào tháng 2 của Công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Oxford Business Group (OBG) cho thấy, số liệu ngành du lịch đã tăng trở lại vào năm 2022 nhờ việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến phòng dịch Covid-19 và tăng cường đầu tư vào du lịch. Sự phục hồi của ngành dự kiến sẽ tiếp tục, với lượng du khách quốc tế có thể đạt 85-90% so với mức trước đại dịch vào năm 2023.
Doanh thu của ngành hàng không toàn cầu cũng đang tăng lên sau khi ghi nhận khoản lỗ ước tính 9,7 tỷ USD được công bố vào năm 2022, so với 42,1 tỷ USD vào năm 2021 và 137,7 tỷ USD vào năm 2020. Các số liệu dự kiến sẽ trở lại dương vào năm 2023, khi ngành hàng không toàn cầu đang trên đà đạt lợi nhuận 4,7 tỷ USD.
Với việc EU đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải hàng không so với mức của năm 1990 vào năm 2030, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) dự kiến sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong vận tải hàng không.
UAE cũng đang tìm cách tăng quy mô sản xuất SAF khi nhu cầu tăng lên. Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi và công ty dầu khí quốc tế BP đã ký một thỏa thuận để tiến hành một nghiên cứu khả thi chung về sản xuất SAF ở UAE bằng cách sử dụng hydro tái tạo và chất thải rắn đô thị, cùng với các nguồn khác.
Châu Mỹ Latinh cũng có tiềm năng trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu về SAF, nhờ năng lực sản xuất nhiên liệu sinh học của khu vực và các khoản đầu tư gần đây vào việc mở rộng hydro xanh.