Tin thuế quan 27/4: Thị trường toàn cầu lạc quan trước tín hiệu tích cực về thuế quan

Hàn Quốc tự tin thỏa thuận với Mỹ trước 'giờ G' thuế quan; Malaysia - Singapore tích cực hợp tác... là những tin 'nóng' có trong tin thuế quan ngày 27/4.

Hàn Quốc tự tin thỏa thuận với Mỹ trước "giờ G" thuế quan

Hàn Quốc đang tăng tốc đàm phán thương mại với Mỹ, hướng tới một thỏa thuận trước ngày 8/7 - thời điểm lệnh tạm hoãn thuế quan của Tổng thống Donald Trump hết hiệu lực.

Trong cuộc họp “2+2” tại Washington (Mỹ) hôm 24/4, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cùng Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã kêu gọi các cuộc trao đổi “bình tĩnh và có trật tự”, tập trung vào 4 trụ cột: Thuế quan, an ninh kinh tế, đầu tư và tiền tệ.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun (phải) đến Sân bay quốc tế Incheon vào ngày 23/4/2025 để khởi hành đến Washington tham dự các cuộc hội đàm. Ảnh: Hãng tin AFP

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun (phải) đến Sân bay quốc tế Incheon vào ngày 23/4/2025 để khởi hành đến Washington tham dự các cuộc hội đàm. Ảnh: Hãng tin AFP

Hàn Quốc mong muốn được miễn thuế có chọn lọc, nhất là với các mặt hàng chủ lực như ô tô và thép - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu sang Mỹ. Các thương hiệu như Hyundai, Kia hiện nằm trong top 8 bán chạy tại Mỹ; còn Hàn Quốc là nước xuất khẩu thép lớn thứ 4 vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đàm phán diễn ra trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị bầu Tổng thống mới vào ngày 3/6 - yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả cuối cùng của thỏa thuận.

Cổ phiếu Âu - Á "bay" cao, nhà đầu tư phấn khởi

Cổ phiếu châu Âu bao trùm sắc xanh, nối dài chuỗi tăng khi giới đầu tư theo dõi sát mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp giữa bối cảnh căng thẳng thương mại có dấu hiệu dịu lại. Chỉ số Stoxx 600 tăng 0,2%, DAX của Đức nhích 0,2%, CAC 40 của Pháp tăng 0,5%, trong khi FTSE 100 Anh đi ngang.

Tại châu Á, tâm lý hứng khởi lan rộng sau khi Phố Wall tăng ba phiên liên tiếp. Nikkei 225 của Nhật Bản vọt 1,88%, Kospi Hàn Quốc tăng 1,07% nhờ kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại sắp đạt được với Mỹ.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đón nhận những tín hiệu tích cực từ mùa báo cáo tài chính, trong đó, cổ phiếu của Alphabet và Safran tăng mạnh nhờ kết quả vượt kỳ vọng. Hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq-100 tiếp tục xanh nhẹ, hứa hẹn phiên giao dịch lạc quan tiếp theo.

Malaysia - Singapore tích cực hợp tác giữa biến động thuế quan

Malaysia và Singapore đang tăng tốc triển khai Khu kinh tế đặc biệt Johor–Singapore (JS-SEZ) nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy liên kết kinh tế song phương.

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Aziz nhấn mạnh, nhu cầu phát triển JS-SEZ hiện “cấp thiết hơn bao giờ hết” trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng. Khu đặc biệt này tập trung phát triển các ngành giá trị cao như y tế, bán dẫn, với ưu đãi đầu tư từ phía Malaysia.

JS-SEZ kỳ vọng triển khai 50 dự án trong 5 năm đầu và mở rộng lên 100 dự án đến năm 2035. Mô hình “kết nghĩa” giữa hai nước giúp Singapore tập trung vào R&D, còn Johor phụ trách sản xuất và hậu cần.

Johor cho biết, đã thu hút gần 50 tỷ Ringgit đầu tư từ đầu năm và đẩy mạnh cải cách hành chính để rút ngắn thời gian xử lý dự án.

Singapore cảnh báo biến động về thương mại có thể làm ảnh hưởng hệ thống thương mại toàn cầu, song cũng mở ra cơ hội cho những nền kinh tế linh hoạt. Cả hai nước đều cam kết tăng cường hội nhập để cùng phát triển bền vững.

Nhật Bản hoan nghênh nhập khẩu ngô từ Mỹ

Nhật Bản đang xem xét tăng nhập khẩu ngô và đậu nành từ Mỹ như một phần trong đàm phán thuế quan với chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo Nikkei.

Hoa Kỳ chiếm gần 80% lượng ngô nhập khẩu của Nhật Bản vào năm ngoái. Ảnh: Kenji Asada

Hoa Kỳ chiếm gần 80% lượng ngô nhập khẩu của Nhật Bản vào năm ngoái. Ảnh: Kenji Asada

Mỹ hiện chiếm gần 80% lượng ngô nhập khẩu của Nhật Bản, chủ yếu phục vụ thức ăn chăn nuôi và sản xuất bioethanol - nguồn nhiên liệu bền vững đang được đẩy mạnh trong mục tiêu khử carbon.

Tăng nhập khẩu nông sản không chỉ giúp Tokyo giải "bài toán" nguồn cung trong nước, mà còn là con bài mặc cả hiệu quả trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Thủ tướng Shigeru Ishiba nhấn mạnh: Nhật Bản có lợi khi đa dạng hóa nguồn tài nguyên sạch, đồng thời giúp giảm thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-thue-quan-274-thi-truong-toan-cau-lac-quan-truoc-tin-hieu-tich-cuc-ve-thue-quan-385035.html