Tin tức đặc biệt trên báo in Hànôịmới ngày 4-8-2024

Hà Nội - điểm đầu tư hấp dẫn của công nghiệp bán dẫn; Hà Nội nỗ lực hoàn thành trước kế hoạch các chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU; Nợ xấu gây áp lực với ngân hàng: Không thể chủ quan; Thổi 'làn gió mới' cho nghệ thuật tuồng; Bóng đá trẻ Việt Nam: Tìm giải pháp đứng lên sau những thất bại; Cần nhiều trợ lực thúc đẩy chuyển dịch năng lượng… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànôịmới số ra ngày 4-8-2024.

Hà Nội - điểm đầu tư hấp dẫn của công nghiệp bán dẫn

Các doanh nghiệp trao đổi thông tin phát triển sản phẩm tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Hà Nội năm 2024. Ảnh: VGP

Các doanh nghiệp trao đổi thông tin phát triển sản phẩm tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Hà Nội năm 2024. Ảnh: VGP

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Hà Nội, với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển vượt trội, đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Trần Quang cho biết, Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. “Luật Thủ đô năm 2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội”, ông Nguyễn Trần Quang thông tin.

Hà Nội nỗ lực hoàn thành trước kế hoạch các chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quang Thái

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quang Thái

Chương trình số 04-CTr/TU (ngày 17-3-2021) của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã đề ra 33 chỉ tiêu. Đến nay, sau hơn 3 năm tích cực triển khai thực hiện, nhiều chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành và vượt so với kế hoạch.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới làm rõ hơn kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU trước kế hoạch đề ra.

Nợ xấu gây áp lực với ngân hàng: Không thể chủ quan

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Đỗ Tâm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tính đến cuối tháng 5-2024 tăng 0,39% so với cuối năm 2023, từ mức 4,55% lên 4,94%. Mặc dù chưa phải là con số đáng báo động, song nợ xấu đã gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Nhiều tổ chức cũng như chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nợ xấu chưa đáng ngại nhưng cũng không thể chủ quan.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý tích cực, nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro cho an toàn ngân hàng.
Những chính sách của Chính phủ thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp.

Thổi “làn gió mới” cho nghệ thuật tuồng

Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm múa “Đối diện với vô cùng” lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng.

Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm múa “Đối diện với vô cùng” lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng.

Tuồng hay hát bội là loại hình nghệ thuật truyền thống kết hợp nhiều yếu tố như sân khấu, âm nhạc, văn học, ca múa, võ thuật, mỹ thuật… đem lại ấn tượng mạnh về thị giác, thính giác và cảm xúc cho khán giả. Môn nghệ thuật này cũng là nguồn cảm hứng cho những người làm nghệ thuật hiện nay sáng tạo nên nhiều tác phẩm thú vị, hấp dẫn, góp phần lưu giữ, truyền tải và thổi "làn gió mới" vào loại hình này trong đời sống đương đại.

Trong đó phải kể đến sự kiện vào cuối tuần này, vở múa đương đại “Đối diện với vô cùng” bắt đầu được công diễn tại Rạp Hồng Hà (Hà Nội). Đây là tác phẩm hợp tác thực hiện giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam và nền tảng văn hóa, nghệ thuật đa ngành Lên Ngàn cùng biên đạo múa Tú Hoàng…

Bóng đá trẻ Việt Nam: Tìm giải pháp đứng lên sau những thất bại

Một pha bóng trong trận đội tuyển U16 Việt Nam (áo đỏ) gặp U16 Brunei tại vòng chung kết U16 Đông Nam Á 2024. Ảnh: VFF

Một pha bóng trong trận đội tuyển U16 Việt Nam (áo đỏ) gặp U16 Brunei tại vòng chung kết U16 Đông Nam Á 2024. Ảnh: VFF

Trong vòng chưa đầy một tháng, các đội tuyển bóng đá trẻ gồm U16 Việt Nam và U19 Việt Nam đã liên tục thất bại tại các giải Đông Nam Á diễn ra vào tháng 7-2024, khiến cho chúng ta không khỏi lo lắng về lực lượng kế cận. Sự thất bại tại các giải đấu này sẽ là bài học kinh nghiệm để các nhà chuyên môn, quản lý có giải pháp dài hạn giúp bóng đá Việt Nam có lớp cầu thủ chất lượng bổ sung cho đội tuyển quốc gia hướng tới các đấu trường lớn trong tương lai.

Bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy cho rằng, công nghệ đào tạo cầu thủ trẻ phải thay đổi, cải tiến mạnh mẽ mới mong theo kịp các nền bóng đá trong khu vực. Cách đây 10 năm, “lò” đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai là điểm sáng. Nhưng sau lứa các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... họ chưa cho ra lò được các lứa kế cận có năng lực tương đương.

Cần nhiều trợ lực thúc đẩy chuyển dịch năng lượng

Một góc Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

Một góc Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, quá trình này đang đối diện với nhiều thách thức, cần nhiều chính sách hỗ trợ...

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15% và trong những năm tiếp theo sẽ tăng khoảng 8-10%. Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ đang dần cạn kiệt, gây hại cho môi trường, việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững trở thành thách thức lớn.

Chi Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tin-tuc-dac-biet-tren-bao-in-hanoimoi-ngay-4-8-2024-673833.html