Tin tức kinh tế ngày 11/11: Ngành thép đối mặt khó khăn

Ngành thép đối mặt khó khăn; Lãi cho cho vay mua nhà rơi xuống 'đáy'; Việt Nam sắp xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 11/11.

Ngành thép đối mặt khó khăn (Ảnh minh họa)

Ngành thép đối mặt khó khăn (Ảnh minh họa)

Giá vàng bất ngờ giảm mạnh

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 11/11/2023, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1938,28 USD/ounce, giảm 20,52 USD so với cùng thời điểm ngày 10/11.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 11/11, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 69,3-70,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 200.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 10/11.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 69,3-70,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm ngày 10/11.

Ngành thép đối mặt khó khăn

Trong báo cáo triển vọng hàng hóa, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết trong quý III, lượng tiệu thụ thép đạt 6 triệu tấn, đi ngang so với quý II và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.

BSC cho rằng tiêu thụ thép trong quý IV có thể kém khả quan. Sản lượng xuất khẩu đã đạt đỉnh trong tháng 7, 8 và có thể giảm dần trong quý IV do nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu, xu hướng nhập hàng của EU, Mỹ sẽ đi xuống về cuối năm.

Tương tự, tiêu thụ thép nội địa cũng được dự báo chưa cải thiện. Trong tháng 9 vừa qua, các nhà máy vẫn phải đẩy kênh xuất khẩu thép, để bù đắp cho nội địa.

Doanh nghiệp thép có ít cơ hội tăng giá thép dù chi phí sản xuất đã tăng. Giá mặt hàng này vẫn trong xu hướng giảm kể từ tháng 4 đến nay.

Lãi cho cho vay mua nhà rơi xuống “đáy”

Lãi suất cho vay mua nhà tháng 11 giảm mạnh, đã lập đáy mới khi rời xa mốc 10%/năm, thậm chí có ngân hàng dưới 6%.

Có mức lãi suất cho vay ưu đãi nhất hiện nay là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 5,9%/năm.

Một số đơn vị khác cũng có mức lãi suất cho vay mua nhà tương đối thấp như: GPBank (6,25%/năm), MBBank (7,5%/năm), Hong Leong Bank (7,5%/năm), SHB (7,5%/năm), OCB (7,5%/năm), Sacombank (7,5%/năm)…

60% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3... Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tin tưởng vào triển vọng cải thiện lợi nhuận và mong muốn rót vốn đầu tư, tăng cường mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến phát triển kinh doanh hứa hẹn nhất trong ASEAN đối với các công ty Nhật Bản. Hơn 60% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong hai năm tới.

Việt Nam sắp xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc

Ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho một doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tổ yến sạch sang Trung Quốc.

Theo Cục Thú y, đến nay có tổng cộng 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, theo yêu cầu của Trung Quốc tại nghị định thư.

Trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-1111-nganh-thep-doi-mat-kho-khan-699134.html