Tin tức kinh tế ngày 12/1: Lợi nhuận ngân hàng dự kiến tăng 15,4% trong năm 2024

Lợi nhuận ngân hàng dự kiến tăng 15,4% trong năm 2024; Cước vận tải biển tăng chóng mặt; Kinh tế Trung Quốc giảm phát tháng thứ ba liên tiếp… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 12/1.

Lợi nhuận ngân hàng dự kiến tăng 15,4% trong năm 202 (Ảnh minh họa)

Lợi nhuận ngân hàng dự kiến tăng 15,4% trong năm 202 (Ảnh minh họa)

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/1, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2033,97 USD/ounce, tăng 7,61 USD so với cùng thời điểm ngày 11/1.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/1, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 73-75,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1.500.000 đồng ở chiều mua và tăng 1.000.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/1.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 72,95-75,45 triệu đồng/lượng, tăng 1.500.000 đồng ở chiều mua và tăng 1.000.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/1.

Giá USD ngân hàng tăng mạnh

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay ở mức 23.976 đồng, tăng 28 đồng so với phiên trước.

Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại hôm nay được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.175 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.777 đồng/USD.

Trong khi đó, tỷ giá mua tham khảo vẫn được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ở mức 23.400 đồng/USD. Còn tỷ giá bán tham khảo tăng 29 đồng so với hôm qua, lên mức 25.124 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại hôm nay tăng khá mạnh, có ngân hàng tăng tới hơn 100 đồng so với sáng qua. Có ngân hàng bán ra USD vượt mức 24.700 đồng/USD.

Indonesia tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024

Ngày 11/1, Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) Indonesia cho biết chính phủ đã đồng ý giao cho cơ quan này nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay.

Quyết định được đưa ra nhằm duy trì cân bằng dự trữ gạo (CBP) của chính phủ. Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu gạo số lượng lớn đến Indonesia trong năm 2023.

Theo thống kê, nửa đầu năm 2023, Indonesia trở thành khách hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Tổng lượng gạo Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam trong 8 tháng đầu 2023 đạt 718.091 tấn đạt giá trị 361 triệu USD, tăng 15,5 lần về lượng và 16,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận ngân hàng dự kiến tăng 15,4% trong năm 2024

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán SSI dự báo 2024 vẫn vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản.

SSI đặt ra kịch bản cơ sở rằng tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ứng phó linh hoạt về cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.

Với kịch bản trên, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ. Kỳ vọng này tốt hơn đáng kể nếu so sánh với kết quả 4,6% trong năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt mức cao kỷ lục

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12 đạt 207.613 tấn với trị giá hơn gần 600 triệu USD, tăng mạnh 74% về lượng và tăng 68,1% về trị giá so với tháng trước đó. Kim ngạch đạt gần 599,5 triệu USD - cao nhất trong 15 năm qua, tăng 68,1% so với tháng 11/2023 và tăng 40,8% so với tháng 12/2022.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2023 tiếp tục giảm nhẹ 3,4% so với tháng trước, đạt 2.887 USD/tấn, nhưng so với cùng kỳ năm 2022 vẫn tăng mạnh 33,5%.

Cước vận tải biển tăng chóng mặt

Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển dừng vận chuyển hàng hóa, đổi lịch trình. Cước vận tải biển vì thế đã tăng cao do phụ phí phát sinh.

Để giảm rủi ro, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng phương thức vận chuyển trong ngắn hạn. Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin và phối hợp làm việc trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu.

Kinh tế Trung Quốc giảm phát tháng thứ ba liên tiếp

Theo số liệu chính thức được công bố ngày 12/1, tháng 12 vừa qua đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp Trung Quốc ghi nhận tình trạng giảm phát, ngược với xu hướng lạm phát ở các nền kinh tế lớn khác.

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng cuối của năm 2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 7/2023, Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên kể từ năm 2021. Sau đợt phục hồi ngắn ngủi trong tháng 8, giá cả hàng hóa liên tục giảm kể từ tháng 9.

Trong cả năm 2023, lạm phát ở Trung Quốc tăng trung bình 0,2%, trái ngược với các nền kinh tế lớn khác vốn chứng kiến giá cả tăng vọt.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-121-loi-nhuan-ngan-hang-du-kien-tang-154-trong-nam-2024-703752.html