Tin tức kinh tế ngày 23/5/2024: xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm cao kỷ lục
Giá vàng quay đầu giảm mạnh; xuất khẩu rau quả 5 tháng đạt hơn 2,5 tỷ USD; kinh doanh bất động sản thu hút hơn 1,6 tỷ USD vốn FDI… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 23/5.
Xuất khẩu rau quả 5 tháng đạt hơn 2,5 tỷ USD
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính tháng 5/2024, rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt 665 triệu USD, tăng 10,3% với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá vàng quay đầu giảm mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 23/5 giao ngay ở mức 2.372,31 USD/ounce, giảm 43,26 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 23/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 87,8 – 89,8 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 1,1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 87,8 – 89,6 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 900.000 đồng/lượng bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 75,52 – 77,02 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Kinh doanh bất động sản thu hút hơn 1,6 tỷ USD vốn FDI
Tổng vốn FDI tính đến hết ngày 20/4 đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng vị trí thứ 2 trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD (đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào bất động sản đã tăng hơn 4 lần.
Giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm nay cũng ước đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Quy định mới về tiền điện tử sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó lần đầu tiên khái niệm tiền điện tử được định nghĩa là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử. 2 phương tiện lưu trữ tiền điện tử được là ví điện tử và thẻ trả trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là cần thiết, nhằm giúp đảm bảo thống nhất, loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây.
Dư nợ tín dụng xanh gần 637.000 tỷ đồng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều tổ chức tín dụng, trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.
Tính đến đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.