Tin tức kinh tế ngày 25/7/2024: thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm

Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc; thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm; mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 25/7.

Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc

Giá vàng thế giới trong ngày 25/7 giao ngay ở 2.375,9 USD/ounce, giảm 39,42 USD/ounce so với giá vàng ngày hôm qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 25/7, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 77,5 - 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn được điều chỉnh cùng chiều vàng thế giới, đảo chiều giảm khoảng 100.000 – 200.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua. Cụ thể, Công ty SJC hiện niêm yết giá vàng nhẫn 9999 ở mức 75,6 - 77,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Tập đoàn DOJI áp dụng mức 75,8 - 77,15 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Bảo Tín Minh Châu niêm yết 75,93 - 77,23 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm

Dù chiều nay giao dịch có sôi động thêm một chút nhưng hôm nay vẫn ghi nhận một ngày thanh khoản suy kiệt, khi tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE lần đầu tiên trong năm 2024 xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Lực cầu bắt đáy nâng dần giá lên một cách thận trọng khác hẳn diễn biến đầy hưng phấn chiều hôm qua.

Tin tức kinh tế ngày 25/7/2024: thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm. Ảnh minh họa.

Tin tức kinh tế ngày 25/7/2024: thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm. Ảnh minh họa.

Phiên gần nhất sàn HoSE xuất hiện giao dịch dưới 10.000 tỷ đồng vào ngày 21/12/2023 với 9.699 tỷ đồng. Hôm nay sàn này chỉ khớp gần 9.657 tỷ đồng. Trung bình 10 phiên gần nhất HoSE khớp khoảng 17.000 tỷ và trung bình 20 phiên khớp 16.200 tỷ. Như vậy đây là mức sụt giảm đột biến.

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,5%

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo “Vietnam at a glance - Lấy lại hào quang”, trong đó nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5%, trước đó là 6%. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024 - vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023.

Cụ thể, theo ngân hàng HSBC, mặc dù khởi đầu có phần hơi thất vọng vào quý I nhưng sang quý II tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như đạt mức cao nhất trong năm trở lại đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%. Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng.

Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%, đã giảm 0,96% so với cuối năm ngoái.

Mức lãi suất bình quân 8,3% là đối với các khoản cho vay cả mới và cũ. Còn nếu tính riêng các khoản vay phát sinh mới, theo Ngân hàng Nhà nước lãi vay chỉ còn 6,47%/năm, đã giảm 0,62% so với cuối năm 2023.

Mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi gần đây có tăng nhẹ tại một số ngân hàng, nhưng mức cho vay ra vẫn đang được các ngân hàng cố gắng duy trì ở mức thấp theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đề xuất mở rộng quy mô hỗ trợ của gói 30.000 tỷ đồng cho vay lâm thủy sản và gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Song song với việc đẩy vốn ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh việc tăng trưởng tín dụng cần tập trung đi đôi với nâng cao chất lượng và an toàn hệ thống.

Thép nhập khẩu gấp 1,7 lần sản xuất trong nước

Hiện nay, nhu cầu thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam vào khoảng 12-13 triệu tấn/năm, công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện đạt khoảng 9 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), có những thời điểm thép HRC nhập khẩu gấp gần 200% sản lượng sản xuất trong nước. Đơn cử như thị phần bán hàng HRC của Hòa Phát và Formosa đã giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023 và hiện đang tiếp tục suy giảm. Điều này khiến cho các DN thép vừa không khai thác được hết công suất thiết kế, vừa phải phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập khẩu với giá rẻ.

Trong năm 2023, công suất sản xuất của DN sản xuất thép HRC của Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Trong khi đó năm 2023, lượng thép HRC nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước. Lượng thép HRC nhập khẩu 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,7 lần sản xuất trong nước, đây là điều đáng báo động.

Đoàn Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-25-7-2024thanh-khoan-chung-khoan-thap-nhat-nua-nam.html