Tin tức kinh tế ngày 9/6/2024: kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,7 tỷ USD
Giá vàng nhẫn giảm nhẹ; kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng tăng 38%, đạt 2,7 tỷ USD; Ngân hàng Nhà nước đã bán 4,1 tỷ USD để điều hành tỷ giá… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 9/6.
Giá vàng nhẫn giảm nhẹ
Giá vàng thế giới trong ngày 9/6 giao ngay ở mức 2.292 USD/ounce, giảm 2,25% so với đầu phiên. Thị trường vàng quốc tế chốt tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 9/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 73,38 – 74,68 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng tăng 38%, đạt 2,7 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong thời gian qua là vì nhu cầu lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới) cấm xuất khẩu gạo thường. Hiện các thị trường chính như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana... đều tăng mua gạo Việt Nam, đặc biệt là Philippines.
Từ đầu năm tới nay, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đạt 1 triệu tấn và khả năng sẽ vượt mốc 4 triệu tấn trong năm nay. Hiện gạo Việt Nam chiếm hơn 80% thị phần nhập khẩu mặt hàng này tại Philippines.
Ngân hàng Nhà nước đã bán 4,1 tỷ USD để điều hành tỷ giá
Mới đây, trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái mới trong việc kiểm soát biến động tỷ giá, lãi suất và vàng.
Đáng chú ý, trong giải pháp kiểm soát áp lực tỷ giá, từ 22/4 - 27/5 NHNN đã bán ra khoảng 4,1 tỷ USD, tương đương khoảng 105.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để cân đối thanh khoản trên thị trường và duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, NHNN cũng đã thực hiện một số nghiệp vụ, qua đó hút ròng 106.100 tỷ đồng từ thanh khoản hệ thống qua kênh cầm cố và 25.500 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong tháng 5/2024. Tổng cộng lượng tiền được rút ra khỏi thanh khoản đạt 131.600 tỷ đồng trong tháng 5/2024.
Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 42 dự án, hơn 136 triệu USD
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 42 dự án đầu tư mới và 10 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 136,07 triệu USD (bằng 43% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 11,07 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn
Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới cũng là lúc các doanh nghiệp lĩnh vực này chạy đôn, chạy đáo tìm cách huy động vốn để đón đầu cơ hội.
Một số doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán tiến hành huy động vốn thông qua việc chào bán cổ phiếu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách bán tài sản. Một số doanh nghiệp khác thì tham gia vào các hoạt động M&A.
Theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp đang đôn đáo huy động vốn là để chuẩn bị nguồn lực đón đầu cơ hội mới, khi 3 luật gồm Luật Đất Đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024).