Tin tưởng và chờ đợi những kết quả cụ thể từ việc thực hiện các 'lời hứa' của bộ trưởng, trưởng ngành

Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, các đại biểu Quốc hội khẳng định, dưới sự điều hành linh hoạt, bao quát của Chủ tọa, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, cởi mở, đạt hiệu quả cao. Đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng và mong chờ những kết quả cụ thể từ việc thực hiện các 'lời hứa' của các Bộ trưởng, trưởng ngành.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội): Những giải pháp từ Trung ương cần sự hợp tác và chuyển động từ địa phương để đạt hiệu quả tối đa

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 là lần thực hiện “giám sát lại” việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết năm 2023, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi và đạt hiệu quả cao. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời nghiêm túc, cầu thị, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề.

Là lĩnh vực nhận được nhiều chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đưa ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Trong đó, đối với yêu cầu phát triển các sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng đưa ra trả lời chất vấn khá toàn diện, bao quát, nêu bật các hành động đã và đang được ngành văn hóa triển khai; chỉ ra cách làm hay, sáng tạo của một số địa phương; đưa ra một số định hướng cho thời gian tới…

Tôi nhận thấy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch đêm là một động thái tích cực, giúp khai thác tiềm năng du lịch của mỗi vùng, đem lại lợi ích bổ sung và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch cần dựa trên căn cứ quy hoạch và đánh giá thị trường; xác định đúng nhu cầu và sở thích của du khách là yếu tố then chốt để phát triển các sản phẩm du lịch thành công.

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhắc nhiều đến vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện các chính sách về phát triển du lịch, thể thao, cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Điều này cũng rất đúng trong triển khai các đề án du lịch đêm, bên cạnh vai trò định hướng chính sách của Bộ, việc triển khai thực hiện các đề án phụ thuộc lớn vào Chủ tịch UBND và HĐND các tỉnh. Các địa phương cần chủ động hơn trong việc xây dựng và quản lý phát triển du lịch. Bởi, lãnh đạo các địa phương sẽ hiểu rõ nhất để có thể đánh giá đúng tiềm năng, lập kế hoạch và thực hiện các sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù của từng vùng miền.

Tất nhiên, thừa hay thiếu, hiệu quả hay không hiệu quả của các sản phẩm du lịch đêm đều đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chặt chẽ. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt với những nơi chưa có kinh nghiệm trong quản lý du lịch. Nhưng, có thể thấy, quan điểm của Bộ trưởng cũng phản ánh một thực tế khách quan rằng những giải pháp từ Trung ương cần sự hợp tác và chuyển động từ địa phương để đạt hiệu quả tối đa. Sự hợp tác giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương là rất cần thiết để phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng): Dân chủ, cởi mở, tính xây dựng cao

Không khí của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 rất dân chủ, cởi mở, thoải mái, mặc dù có những ý kiến tranh luận nhưng không làm cho phiên chất vấn bị căng thẳng mà các ý kiến đều mang tính phản biện, xây dựng cao. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm, nắm chắc những vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Đối với các giải pháp về phát triển bền vững và gỡ thẻ vàng IUU mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu ra tại phiên chất vấn, tôi cho rằng, đây là vấn đề thời sự và được cử tri dành sự quan tâm rất lớn. Câu trả lời của Bộ trưởng cũng là những giải pháp mà thực tiễn ngành nông nghiệp thời gian qua cùng với các bộ, ngành khác đang triển khai rất quyết liệt ở cấp địa phương.

Tuy nhiên, để các giải pháp đó thực sự đi vào cuộc sống, khi tổ chức thực hiện cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành và giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; số lượng vi phạm tuy ít dần nhưng vẫn còn tồn tại, do đó cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nắm chắc số lượng ngư dân vi phạm, trên cơ sở đó yêu cầu họ có những cam kết cụ thể hơn nữa.

Ngay sau lần trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8.2023), những giải pháp Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra cũng chính là “lời hứa” của ngành và cũng đã được triển khai quyết liệt, trong đó có những lĩnh vực thủy sản, nghề cá đã ban hành hàng loạt văn bản để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Và, chỉ sau đó 2 tháng, vào tháng 10.2023, lần đầu tiên ở Việt Nam có cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngư dân, tập trung vào những vấn đề, như: chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU), đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản để thực hiện đúng theo tinh thần của Luật Thủy sản năm 2017.

Tôi cho rằng, đây là những hoạt động rất đáng ghi nhận và đã đạt một số kết quả cũng như chuyển biến rõ rệt, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tuy còn một số tồn tại, hạn chế và chưa đạt như kỳ vọng.

Đối với câu chuyện thương hiệu nông sản Việt Nam được nhiều đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng trả lời rất đúng và trúng, thương hiệu không chỉ là nhãn hiệu mà còn là sự công nhận của người tiêu dùng. Theo tôi, chúng ta phải chú ý đến chất lượng, hàng rào kỹ thuật, nhãn hiệu bên ngoài, khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tôi rất mong chờ vào những kết quả cụ thể từ việc thực hiện các “lời hứa” của Bộ trưởng.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Kịp thời điều chỉnh, xử lý tồn tại, vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành

Tôi đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36, nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đã làm việc hết sức nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, góp phần mang lại kết quả tốt đẹp của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát. Mặt khác, kịp thời điều chỉnh, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Qua báo cáo của Chính phủ và phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành và giải trình, làm rõ của Phó Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy sự quyết liệt, nhất quán và quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và cơ quan tư pháp nhằm thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của đại biểu Quốc hội về những tồn tại, hạn chế và thể hiện quyết tâm cao khi đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện rất cụ thể. Tôi đánh giá rất cao việc các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách; trả lời đúng, trúng vấn đề đại biểu nêu và giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cũng như giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới.

Tôi đánh giá rất cao vai trò điều hành của Chủ tọa trong việc bảo đảm nội dung chất vấn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đều cho thấy kinh nghiệm, nắm chắc các vấn đề thuộc hai nhóm lĩnh vực đưa ra chất vấn lần này. Nhờ vai trò điều hành rất linh hoạt của Chủ tọa nên từng vấn đề được đại biểu đặt ra đều được các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời rõ thực trạng, rõ nguyên nhân, rõ giải pháp.

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã đưa ra những đánh giá chuẩn xác, quán triệt một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các bộ, ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Tuy các nhiệm vụ đối với từng ngành được Chủ tịch Quốc hội nêu ra rất súc tích, ngắn gọn, nhưng đây đều là những nhiệm vụ rất quan trọng, làm cơ sở để các bộ, ngành tập trung triển khai, bảo đảm thực hiện tốt các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 một cách đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả.

Thanh Chi - Thanh Hải - Minh Trang thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tin-tuong-va-cho-doi-nhung-ket-qua-cu-the-tu-viec-thuc-hien-cac-loi-hua-cua-bo-truong-truong-nganh-i385249/