Tin vui cho giáo viên cả nước

Giáo viên mỗi cấp học sẽ không còn phải lo học 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây là tin vui với giáo viên cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư số 08/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021, 02/2021/, 03/2021, 04/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Hiện giáo viên mỗi cấp học có 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp. Đến nay, Bộ GDĐT đã điều chỉnh và chỉ quy định 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Đây là kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bồi dưỡng giáo viên của Bộ GDĐT đã từng nhận được các ý kiến đồng thuận từ đội ngũ giáo viên và các chuyên gia, bởi việc này giảm tải cho giáo viên, giúp họ có thêm thời gian dành cho chuyên môn dạy chữ, dạy người.

Bên cạnh đó, mỗi chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên phải tự bỏ tiền ra học với số tiền gần 3 triệu đồng. Giảm tải chứng chỉ, các thầy, cô giáo chỉ cần học một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là đủ. Giúp giảm tốn kém cho các thầy, cô với đồng lương còn hạn chế, nhất là việc học này nhằm “đủ thủ tục”, không phải nhằm nâng cao chuyên môn thì quả là lãng phí và không thật sự cần thiết.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho rằng, những năm qua việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên là vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi trong đội ngũ giáo viên. Thông thường sau mỗi đợt bồi dưỡng, mỗi thầy, cô sẽ được cấp một tờ chứng chỉ. Nhiều giáo viên cho biết, trong 30 năm công tác họ có đến 30 tờ chứng chỉ.

Đặc biệt, Bộ GDĐT đã rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS và nhận thấy việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết. Do đó, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I là đại học. Đồng thời vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Bà Phạm Thúy Khanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm là phù hợp với thực tiễn và khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên, bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương. Việc yêu cầu giáo viên không phải cung cấp nhiều minh chứng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới cũng được Bộ GDĐT nhấn mạnh tại Thông tư mới khiến nhà giáo vui mừng vì sẽ bớt được nhiều thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trong quá trình triển khai, chùm Thông tư 01-04 đã xuất hiện những bất cập cần được điều chỉnh. Bộ GDĐT đã nắm bắt kịp thời tâm tư cũng như lắng nghe góp ý của giáo viên, cán bộ đối với các quyết định liên quan trực tiếp đến họ theo hướng giảm tải, bỏ các quy định về thủ tục không cần thiết.

“Việc cần làm sắp tới đó là các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu các quy định điều chỉnh và hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành. Trong đó, cần lưu ý các điều khoản chuyển tiếp, điều khoản áp dụng để địa phương thuận lợi hơn trong công tác bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên, tránh để xảy ra hiện tượng cùng một vị trí công tác nhưng mỗi nơi, mỗi địa phương lại có các cách xếp lương khác nhau gây bức xúc trong dư luận” - ông Lâm nhấn mạnh.

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-vui-cho-giao-vien-ca-nuoc-5715381.html