Tình ba
Ba đã già đi nhiều, sức khỏe không còn như xưa. Nhưng ba vẫn là cố vấn của con. Xúc động nhất là lần ba bị bạo bệnh. Lúc tỉnh dậy, ba nhìn tay con đang nắm tay ba, ba khẽ nói: 'Nhiều lần ba cứ tưởng ba đi xa rồi, ba đi theo ông theo bà rồi. Nhưng vì con và gia đình mình, ba quay trở lại thế giới này.'
Ba đã già đi nhiều, sức khỏe không còn như xưa. Nhưng ba vẫn là cố vấn của con. Xúc động nhất là lần ba bị bạo bệnh. Lúc tỉnh dậy, ba nhìn tay con đang nắm tay ba, ba khẽ nói: “Nhiều lần ba cứ tưởng ba đi xa rồi, ba đi theo ông, theo bà rồi. Nhưng vì con và gia đình mình, ba quay trở lại thế giới này.“
Tác giả: Lê Thị Ngọc Nhi
Cuộc đời muôn vàn điều mới lạ.
Thăng trầm, vui buồn, sướng khổ ai chắc cũng đã từng.
Từ lúc chào đời đến lúc về lại cội nguồn cuộc đời bao yêu thương, bao đớn đau, bao phiền muộn. Lúc vui khỏe, lúc già yếu, bệnh tật hay vấp ngã chúng ta đều cần có một điểm tựa từ tinh thần cho đến sức lực hoặc vật chất. Ta cần tiếp nhận thêm những năng lượng tích cực để vươn lên mà bước tiếp.
Có khi bạn sẽ nương tựa vào một ai đó, một niềm tin tuyệt đối vào đấng “tối cao” của chính mình, vào mẹ, vào ba, vào chồng hay vợ, vào người yêu hoặc bạn bè, con cái. Tôi, cũng như bao con người trên cõi nhân gian này. Tôi cũng có một điểm tựa vững chắc, bền chặt và tin yêu nhất. Đó chính là Ba của tôi. Người Ba mà tôi và Má tôi cũng như các chị em tôi luôn nể trọng, kính mến và tìm đến để được chở che bao bọc.
Ba ơi, Từ khi con được sinh ra cho đến lúc con hiểu biết. Con biết rằng: Ba má sinh ra tụi con chỉ toàn là chị em gái. Con biết ba cũng ước ao có một đứa con trai nối dõi tông đường như bao nhiêu gia đình truyền thống của người Việt Nam bao đời để lại.
Ngày ấy, Ba là nhân viên ngành thú y thời trước giải phóng. Má tụi con là nhân viên bưu điện Sài Gòn. Cuộc sống cũng êm đềm đầm ấm. Rồi cuộc sống đổi thay để hòa nhập vào thời cuộc của đất nước, ba má từ giã mọi thứ ở Sài Gòn nơi gắn bó nhiều kỷ niệm để về miền Tây Nam Bộ, nơi có nước mặn (nơi rừng ngập mặn ven biển), đồng chua (đất phèn) canh tác nông lâm thủy hải sản cùng bà con bên gia đình họ nội.
Ba thương má vốn tay yếu chân mềm vì thương ba mà theo chồng về nơi quê hương xa lạ cây xanh bạt ngàn gió réo muỗi kêu. Nên ba cố gắng cáng đáng mọi việc nặng nhọc, việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi… Mà sức người có hạn, ba gầy đi nhiều, da sạm đen vì nắng gió.
Những đứa con lần lượt chào đời: Sáu đứa con gái! Trong những đứa con gái đó chỉ có con là có cá tính giống ba nhất. Con như một đứa con trai ( mọi người vẫn thường nói vậy). Từ tính cách đến những việc làm, việc học con đều có thể bắt chước ba. Con thích đi theo ba trong những ngày không đến lớp học hay những tháng hè.
Tôi cứ thích rong ruổi theo ba trong mọi việc cho đến đi giỗ chạp, thăm viếng họ hàng gần xa… những ngày làm việc vừa vất vả ba lại vừa trông chừng con. Ba mang theo tấm đệm đan bằng cây lát, chu đáo mang theo những vật dụng cần cho tôi như nước uống, khăn lau và cả phần cơm trưa má đã chuẩn bị chu đáo cho hai ba con.
Con thì ngồi dưới bóng cây to( có khi là cả một cái chòi dựng lên sơ sài) ở giữa đồng trống. Ba cho con cục đất sét bùn và những cành cây lá, như vậy là đủ để con chơi cả ngày. Ba nhồi thật kỹ cục đất sét bùn và dạy cho con cách nắn đồ chơi khi là con bò, con trâu, con dê, chiếc xe tăng, cái bếp, cái nồi và cả những trái dưa, nãi chuối, quả mãng cầu (con nít bây giờ đầy đủ tiện nghi và có rất nhiều đồ chơi đẹp . Nhưng chưa chắc là đã có những trải nghiệm thú vị như con).
… Cứ thế thời gian trôi…
Con vào lớp một. Lần đầu tiên bỡ ngỡ đến trường. Ba là người cõng con trên lưng băng qua những cánh đồng bạt ngàn lúa vàng nặng hạt và qua những hàng tre xanh rì bóng mát bên những bụi duối còn thơm thoang thoảng trái chín trên cây để đến trường. Ngôi trường làng be bé lợp mái lá đơn sơ.
Những năm tháng đó vùng nông thôn nơi gia đình mình sinh sống thiếu giáo viên trầm trọng. Ba lại tham gia công tác giảng dạy tất cả các lớp từ cấp 2 trở xuống (Mặc dù ba chẳng qua trường lớp sư phạm nào). Kinh tế ngày một khó khăn. Sáng sáng chiều chiều ba đến lớp dạy cho học sinh về kiến thức văn hóa, cũng như những cách sống đối nhân xử thế.
Tối về ba lại đi bắt cá, giăng lưới, cắm câu cua. Con lại là đệ tử ruột của ba trong các môn học bất đắc dĩ này, vừa vất vả vừa thú vị. Có hôm nằm giữa đồng gió lộng, đắp manh đệm cho ấm trong lúc chờ ba giăng câu. Nhìn ba lội dưới kênh sâu con càng thương ba nhiều hơn.
Mùa nước nổi về, đồng ruộng ngập mênh mông. Cây cầu bắt qua xẻo bị nước cuốn trôi. Ba cõng con trên vai lội qua xẻo để đưa con qua bờ cho kịp giờ học. Vùng đất thịt trơn trợt mùa mưa cứ đi là té lăn nhào, ba một tay chống cây sào chân bám chặt vào đất cõng con từng bước vượt qua đoạn đường trơn. Cứ thế con lớn lên và trưởng thành trong vòng tay yêu thương với những lời dạy bảo ba dành cho tụi con.
Nhớ năm con học lớp 9 con còn được ba cho tham gia dạy kèm mùa hè cho các bạn nhỏ quê mình… Cuộc sống gia đình mình giờ cũng đã khá hơn xưa. Các con lại cùng ba má trở về Sài Gòn sinh sống.
Ba má giờ đã về hưu và an dưỡng tuổi già. Nhưng nhất nhất mỗi việc con đều tham khảo ý kiến ba, học hỏi những điều hay lẽ phải đối nhân xử thế. Những lúc gặp khó khăn người đầu tiên con cần giúp đỡ là ba. Từ lúc bé thơ cho đến lúc trưởng thành ba luôn là bờ vai vững chắc cho gia đình mình nương tựa.
Giờ ba đã già đi nhiều, sức khỏe không còn như xưa. Nhưng ba vẫn là cố vấn của con. Xúc động nhất là lần ba bị bạo bệnh. Lúc tỉnh dậy, ba nhìn tay con đang nắm tay ba, ba khẽ nói: “Nhiều lần ba cứ tưởng ba đi xa rồi, ba đi theo ông theo bà rồi. Nhưng vì con và gia đình mình, ba quay trở lại thế giới này.” Ba ơi, con của ba đây! Con vẫn ở cạnh ba khi ba cần như ngày xưa con cần ba vậy. Con và gia đình mình vẫn rất cần ba. Ba của tụi con.
Tác giả: Lê Thị Ngọc Nhi
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tinh-ba.html