Tình bạn đẹp của cậu học trò khuyết tật

Ở Trường tiểu học Xuân Trường (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) có một tình bạn đẹp giữa 3 học sinh lớp 5/1 là Bùi Mạnh Cường, Trần Minh Khang và Nguyễn Duy. Trong đó, em Cường là học sinh không may mắn bị khuyết tật bẩm sinh.

Em Trần Minh Khang cõng em Bùi Mạnh Cường trên lưng, bên cạnh là Nguyễn Duy luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ảnh: C.NGHĨA

Em Trần Minh Khang cõng em Bùi Mạnh Cường trên lưng, bên cạnh là Nguyễn Duy luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ảnh: C.NGHĨA

Từ lớp 1 đến nay, Cường không thể tự đi lại bình thường nhưng may mắn hàng ngày luôn được 2 người bạn thân trợ giúp.

Cậu học trò đôi chân không lành lặn

Chị Nguyễn Thanh Ngọc (ngụ ấp Trung Tín, xã Xuân Trường) cho hay, năm 2012 vợ chồng chị sinh Cường trong điều kiện thiếu tháng và chỉ nặng chưa đầy 1kg phải nuôi trong lồng kính suốt 4 tháng trời ròng rã tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Vì được sinh ra khi chưa đủ tháng, đủ ngày nên đôi chân Cường bị hội chứng co rút cơ, liệt tứ chi và thường xuyên ốm đau, nhất là khi trái gió trở trời. Trong những năm đầu, thời gian Cường phải nằm điều trị ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.

Sức khỏe của con khi sinh ra không được khỏe mạnh nên cuộc sống của vợ chồng chị Ngọc càng thêm khó khăn. Từ nhiều năm nay, chi phí từ sinh hoạt trong gia đình đến điều trị bệnh cho con đều dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng hiện là công nhân ngành Đường sắt. Có những giai đoạn khó khăn, vợ chồng chị phải đi vay mượn để đưa con đi bệnh viện với hy vọng có thể chữa lành đôi chân nhỏ bé của con. Cũng vì đứa con đầu đời không được lành lặn nên đến nay, vợ chồng chị Ngọc vẫn chưa nghĩ đến chuyện sinh thêm con để tập trung lo cho Cường ăn học và trị bệnh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Trường Nguyễn Huy Đông cho hay: “Mỗi khi nhìn thấy Duy và Khang cõng bạn ở trường, tôi và giáo viên ai nấy đều xúc động. Tình cảm của các em dành cho nhau chính là những minh chứng sinh động về tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của những người bạn”.

Chia sẻ về hành trình vất vả đưa con đến với con chữ, chị Ngọc cho biết, vì Cường sinh ra không được khỏe mạnh nên vào lớp 1 trễ 1 năm. Trước khi vào lớp 1, do không có điều kiện học mầm non nên chị tự dạy con làm quen với chữ cái. Ngày quyết định đưa con đến trường chị rất đắn đo vì không biết con có đủ sức khỏe ngồi học hay không.

Chị Ngọc tâm sự: “Suốt năm con bắt đầu vào lớp 1, ngày nào tôi cũng túc trực ở cổng trường, sợ con khóc hay con bệnh thì chở con về nhà cho kịp để không ảnh hưởng đến lớp. Rất may cô giáo chủ nhiệm và các bạn của con đều quan tâm hỗ trợ nên tôi phần nào bớt vất vả và an tâm hơn”.

Tình bạn - liều thuốc chữa lành

Dù được sinh ra với đôi chân không khỏe mạnh nhưng hành trình đến trường suốt 5 năm của Cường luôn vững vàng nhờ sự hỗ trợ của giáo viên và các học sinh học cùng lớp, đặc biệt là 2 người bạn Duy và Khang. Mẹ Cường cho hay: “Ngày Cường mới vào lớp 1, Duy và Khang thường đến sớm đứng đợi ở sân trường, thấy tôi chở Cường đến, 2 em chạy đến phụ cầm dép, cầm cặp sách để tôi cõng Cường vào lớp. Khi hết giờ học, 2 em lại phụ tôi đưa Cường ra xe máy chở về nhà”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1 xúc động kể: “Duy và Khang là những người bạn thân của Cường ở trường mà gần như thầy cô, học sinh nào cũng biết. Tôi thực sự cảm động khi thấy 2 em dìu Cường lên lớp. Giờ thể dục hay những hoạt động dưới sân trường, Cường được miễn tham gia, nhưng sợ bạn ngồi trong lớp một mình buồn nên 2 em thường cõng bạn xuống ngồi cho vui rồi lại cõng lên lớp”.

Cường có đôi chân không lành lặn nhưng đổi lại em học hành rất chăm chỉ và nghiêm túc, trở thành một trong những học sinh dẫn đầu của lớp về thành tích học tập. Có được điều này một phần do nghị lực của bản thân nhưng cũng phải kể đến sự đồng hành của 2 người bạn đặc biệt là Khang và Duy. Tình bạn giữa 3 em đã lan tỏa đến các lớp và trở thành câu chuyện đẹp để nhiều học sinh khác cùng học tập và làm theo.

Khang cho biết: “Em và Duy đều quý mến Cường như anh em một nhà. Ngày nào Cường bị bệnh không đến lớp chúng em đều lo lắng và sau giờ học lại vội đến tận nhà thăm. Em mong cho đôi chân của Cường có một phép màu giúp bạn có thể tự đi lại bình thường”.

“Em có một mơ ước là có thể tự đi lại bằng đôi chân của mình để mẹ đỡ vất vả lo lắng đưa đón, còn Khang và Duy hàng ngày sẽ không đi học từ rất sớm để chờ đón em lên lớp nữa” - Cường thổ lộ.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/tinh-ban-dep-cua-cau-hoc-tro-khuyet-tat-4413db3/