Tình bạn rạn nứt vì đại dịch
Nghiên cứu cho thấy những mối quan hệ bạn bè đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài.
“Vì dịch bệnh, nhiều người chỉ còn tập trung cho gia đình và những người bạn rất thân thiết. Một số khác lại mất kết nối cộng đồng do không còn thường xuyên tham gia các hoạt động giải trí, giao lưu. Họ thường chỉ tương tác với người khác thông qua Internet mà thôi”, Roger Patulny, Phó Giáo sư Xã hội học tại Đại học Wollongong (Australia), nói trên Channel News Asia.
Khi cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là “Làm sao để kết nối lại với những người bạn cũ?”.
Nhưng theo Phó giáo sư Patulny, thay vì chú ý đến cách thức, chúng ta cần tự hỏi mình: “Bản thân muốn kết nối lại với ai?”.
Lựa chọn
Khảo sát Thái độ Xã hội ở Australia giai đoạn 2015-2016 cho thấy con người thường cảm thấy thân thiết với những người bạn tâm giao, chia sẻ các giá trị tinh thần; mang đến khoảng thời gian vui vẻ, tốt đẹp; và luôn cho ta sự ủng hộ cùng lời khuyên.
Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, con người sẽ có những ưu tiên khác nhau về mẫu bạn bè mà mình muốn gắn bó.
Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thường thích tìm kiếm một người bạn thân để tâm sự, động viên tinh thần. Trong khi đó, đàn ông hay tìm đến những người bạn có thể giúp mang lại niềm vui, sự ủng hộ và những lời khuyên, hoặc đôi khi không cần lợi ích nào cả.
Ngoài ra, những người trẻ tuổi rất dễ có bạn tâm giao, thời gian vui vẻ, thuận lợi bên bè bạn. Nhưng những người lớn tuổi hơn lại mong muốn nhận được sự nhượng bộ hoặc lời khuyên.
Tuy vậy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mẫu bạn bè mỗi người mong muốn không thể đại diện cho một mối quan hệ mà họ cần.
Phụ nữ quý mến những người bạn tâm giao, nhưng sau nhiều tháng không còn tương tác do dịch, họ sẽ nhanh chóng bị cô đơn, cảm thấy mối quan hệ của mình không còn chất lượng.
Ngược lại, đối với nam giới, các hoạt động vui chơi và ủng hộ lẫn nhau có thể giúp họ giảm đi sự cô đơn về mặt xã hội, nhưng không phải mặt cảm xúc.
Nghiên cứu mới đây cho thấy sự cô đơn về cảm xúc có tác động tiêu cực hơn nỗi cô đơn về mặt xã hội. Vì vậy, câu hỏi “Bản thân muốn kết nối lại với ai?” đã có lời giải đáp: Chúng ta cần tìm lại những người bạn có thể đem lại niềm vui và sự động viên tinh thần.
Giải pháp
Cũng theo Phó giáo sư Patulny, để vượt qua sự cô đơn về mặt cảm xúc, con người nên tập trung làm sâu sắc thêm mối quan hệ hiện có. Hãy dành thời gian có ý nghĩa với những người bạn có chất lượng, mang lại cho ta cảm xúc tích cực.
“Nếu bạn từng làm điều gì đó sai với bạn bè, hãy cố gắng sửa đổi và xin lỗi một cách chân thành. Nếu đã ‘bỏ quên’ bạn bè lâu, bạn cần kết nối lại thường xuyên hơn, từng bước tái tạo lại sự thân thiết”, ông cho hay.
Dù nhiều biện pháp phòng dịch đã được nới lỏng, việc gặp gỡ trực tuyến vẫn là một cách hay để duy trì sự thân thiết với gia đình và bạn bè. Phương pháp này đặc biệt hữu ích đối với những người lớn tuổi hoặc đã chuyển nơi ở khác, nhưng sẽ không có nhiều tác dụng đối với những người trẻ tuổi vốn đã bão hòa trong các mối quan hệ qua màn hình.
Ngoài ra, một số người cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý nhằm làm giảm chứng lo âu xã hội, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 vẫn tác động nặng nề.
Kết thúc mối quan hệ độc hại
Chấm dứt những mối quan hệ độc hại cũng là điều mọi người cần làm khi xem xét về sự kết nối bạn bè hậu đại dịch, theo Phó giáo sư Patulny.
Những người bạn mang lại cảm xúc tiêu cực sẽ khiến chúng ta căng thẳng, áp lực và mất đi sự tự tin. Mỗi người hãy cố gắng tự giải thích cho mình về khái niệm “độc hại” trong tình bạn, cố gắng loại bỏ những yếu tố gây bất lợi cho tình cảm, cuộc sống.
Tuy nhiên, chúng ta nên đặc biệt cẩn thận với việc chấm dứt tình bạn lâu dài. Các mối quan hệ chất lượng cần có thời gian, có chung lịch sử và diễn biến liên quan đến những thăng trầm tự nhiên - đặc biệt là qua một đợt đại dịch đầy biến cố vừa qua. Đối với những mối quan hệ này, chúng ta nên thương lượng để đi đến kết quả tốt đẹp thay vì kết thúc chóng vánh.
“Hãy dành thời gian tìm hiểu và tìm kiếm lời khuyên từ một người bạn khác. Lắng nghe là chìa khóa của tình bạn, bạn hãy thử tự hỏi bản thân đã cố gắng nghe những gì họ nói hay chưa?”, ông Patulny nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-ban-ran-nut-vi-dai-dich-post1285541.html