Tình báo Estonia nói Nga đang chuẩn bị chiếm 'địa hình then chốt'
Ngày 16/2, Mỹ cảnh báo Nga tiếp tục tập hợp lực lượng gần biên giới Ukraine, còn Estonia nói rằng các nhóm chiến đấu của Nga đang tiến lên để có thể tấn công nhằm chiếm đóng 'địa hình then chốt'. Mátxcơva khẳng định việc rút quân là đúng sự thật.
Ông Mikk Marran, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Estonia ngày 16/2 nói rằng có khoảng 10 nhóm chiến đấu đang tiến về biên giới Ukraine, nơi đã có khoảng 170.000 binh lính chờ sẵn.
Cuộc tấn công sẽ bao gồm việc dội bom và chiếm “địa hình then chốt”.
“Nếu Nga thành công ở Ukraine, điều đó sẽ khuyến khích họ gia tăng sức ép lên các nước Baltic khác trong những năm tới”, ông Marran nói.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định lực lượng của họ đang rút về căn cứ sau khi kết thúc tập trận ở phía nam và phía tây.
Nga công bố video cho thấy các xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các đơn vị pháo tự hành đang rời khỏi bán đảo Crimea, nơi mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014.
Tuy vậy, các chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cho là vẫn đang lên kế hoạch cho các đơn vị tác chiến mới mà một số nhà ngoại giao tiết lộ là để đưa đến Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia.
Những đơn vị đó được sắp xếp để kéo dài thời gian để lực lượng bổ sung có thể ra tiền tuyến nếu cần thiết.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Anh Jim Hockenhull nói trong một thông cáo hiếm thấy rằng đã phát hiện thêm các xe bọc thép, trực thăng và một bệnh viện dã chiến di chuyển đến gần biên giới Ukraine.
Anh cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô lực lượng ở Estonia, đưa xe tăng và xe chiến đấu bọc thép đến quốc gia nhỏ giáp Nga này theo kế hoạch điều quân của NATO.
Ukraine cũng đã tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới ở khu vực giáp Belarus, nơi khoảng 9.000 binh lính Nga đang tham gia các cuộc tập trận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng vừa thị sát các cuộc tập trận sử dụng tên lửa chống tăng Javelin.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ binh lính Nga nào rút về. Chúng ta sẽ tiếp tục thấy những đơn vị quan trọng đang di chuyển đến gần biên giới hơn chứ không phải rút về”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc trả lời phỏng vấn MSNBC.