Tình báo Mỹ 'đi dây' trong cuộc xung đột ở Ukraine

Những động thái gần đây của Mỹ đặt ra câu hỏi về việc Nhà Trắng sẽ đi xa tới đâu trong việc chia sẻ thông tin tình báo giúp Ukraine.

Truyền thông Mỹ những ngày qua cho biết tin tình báo mà Washington cung cấp cho Kyiv đã giúp lực lượng Ukraine xác định và tấn công các mục tiêu quan trọng, bao gồm những tướng lĩnh Nga và soái hạm Moskva - bị chìm hồi tháng 4.

Dù vậy, hôm 6/5, hai quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện với các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ để bày tỏ lo ngại về việc tiết lộ tin tình báo giữa Mỹ và Ukraine với báo chí.

Ông Biden cho rằng việc rò rỉ thông tin tình báo với truyền thông đang "phản tác dụng", trong khi các quan chức chính quyền Biden lo ngại việc tiết lộ thông tin tình báo như vậy sẽ khiến leo thang căng thẳng và bị coi là khiêu khích Nga - có thể gây cản trở hiệu quả việc chia sẻ tin tình báo giữa Mỹ và Ukraine.

Những động thái gần đây của Mỹ đặt ra câu hỏi về việc Nhà Trắng sẽ đi xa tới đâu trong việc chia sẻ thông tin giúp Ukraine, đồng thời tránh kích động Moscow và bị cuốn vào xung đột.

Đâu là "lằn ranh đỏ" của tin tình báo?

Các quan chức chính quyền Biden khẳng định có những giới hạn rõ ràng về thông tin tình báo mà Mỹ chia sẻ với Ukraine, bao gồm việc không cung cấp tên của giới lãnh đạo Nga mỗi khi giúp Kyiv xác định những mục tiêu quan trọng.

Tuy vậy, một số quan chức cho rằng những giới hạn đó không mang nhiều ý nghĩa, khi kết quả vẫn là Ukraine có thể tấn công các tướng lĩnh Nga. Hơn nữa, việc đánh giá hành động nào có thể khiêu khích Moscow sẽ còn phụ thuộc vào Điện Kremlin, theo ông Robert Ashley, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

Nguồn tin thân cận với Nhà Trắng nói rằng quyết định mở rộng tin tình báo có thể chia sẻ với Ukraine phần lớn dựa trên đánh giá của quan chức chính quyền Biden, thay vì đặt vào vị trí của Nga để xem xét mức độ leo thang qua mỗi hành động.

 Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (trái) và Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley dự điều trần về yêu cầu ngân sách của Bộ Quốc phòng hôm 3/5. Ảnh: TASS.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (trái) và Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley dự điều trần về yêu cầu ngân sách của Bộ Quốc phòng hôm 3/5. Ảnh: TASS.

“Tin tình báo chúng tôi cung cấp cho Ukraine là hợp pháp, có giới hạn. Chúng tôi rất cẩn thận về nội dung và thời điểm chia sẻ chúng”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với CNN ngày 6/5.

Chính phủ Mỹ đã viện trợ hàng tỷ USD vũ khí và công khai việc cung cấp tin tình báo chiến thuật cho Ukraine. Nhưng khi chiến sự tiếp diễn và Ukraine tấn công nhiều mục tiêu cấp cao, Nhà Trắng đã tìm cách đánh giá lại tác động của tin tình báo lên thực địa.

“Mọi người đều biết chúng tôi chia sẻ tin tình báo. Chúng tôi cung cấp thông tin giúp pháo binh Ukraine xác định mục tiêu, hoặc cho những khí tài khác Ukraine đang sử dụng. Tôi không nghĩ có sự leo thang trong mối quan hệ (với Nga)”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói.

Ông cho biết thêm Mỹ đã cung cấp tên lửa, pháo hạng nặng và các loại khí tài khác, nhưng chính Ukraine mới quyết định sẽ sử dụng vũ khí theo cách nào, tương tự với tin tình báo.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 5/5 nói rằng quân đội Nga biết rõ Mỹ và đồng minh NATO không ngừng chia sẻ tin tình báo với Ukraine, đồng thời khẳng định những hành động như vậy "không thể ngăn Nga đạt được mục tiêu trong chiến dịch quân sự", theo TASS.

Liệu Nga có đáp trả?

Cho đến nay, Nga vẫn chưa có hành động trực tiếp để đáp trả việc Mỹ và NATO hỗ trợ quân sự và tình báo cho Ukraine. Ông Dmitry Peskov cho biết các chuyên gia quân sự Nga sẽ làm "mọi thứ cần thiết" để đối phó với việc phương Tây cung cấp vũ khí và tin tình báo cho Ukraine.

Các quan chức Washington vẫn đang đánh giá lý do Moscow chưa phản ứng, chẳng hạn như tiến hành tấn công mạng - điều mà Mỹ cảnh báo Nga có thể sử dụng để đáp trả việc hỗ trợ Ukraine. Nga cũng không tấn công Kyiv trong thời điểm các quan chức Mỹ đến thủ đô Ukraine, như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Các quan chức phương Tây cho rằng cả Washington và Moscow đều muốn tránh xung đột trực tiếp với nhau.

 Các cơ quan tình báo Mỹ đã tăng cường chia sẻ thông tin với Ukraine những tuần qua. Trong ảnh, Giám đốc CIA William Burns (trái) và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines. Ảnh: NBC.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã tăng cường chia sẻ thông tin với Ukraine những tuần qua. Trong ảnh, Giám đốc CIA William Burns (trái) và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines. Ảnh: NBC.

Theo CNN, Nga đã không tấn công các chuyến hàng viện trợ Ukraine thông qua tuyến đường từ Ba Lan, một thành viên NATO. Gần đây, Nga mới bắt đầu nhắm vào hệ thống đường sắt ở Ukraine, mà Moscow tin rằng là hạ tầng vận chuyển vũ khí phương Tây đến Kyiv.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/5 cho biết đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kyiv bị ngưng trệ, trong khi phương Tây liên tục vận chuyển vũ khí cho Ukraine đã khiến căng thẳng leo thang.

"Điều này (phương Tây viện trợ vũ khí) làm gia tăng sự thù địch, khiến nhiều hạ tầng bị phá hủy và ngày càng có thêm thương vong của dân thường", TASS dẫn lời Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexey Zaitsev nói.

Mặc dù chính phủ Mỹ đã tăng cường chia sẻ các thông tin tình báo, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa chỉ trích Nhà Trắng đã chưa làm đủ khả năng.

“Một tuần trước, đã có những chỉ trích hướng về phía chúng tôi, nói chúng tôi không cung cấp đủ tin tình báo, đưa thông tin quá chậm, hay không đủ chi tiết. Do vậy, chúng tôi đã cung cấp thêm thông tin, và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói.

Tên lửa Iskander của Nga tiêu diệt mục tiêu ở Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/5 đăng video cho thấy hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M tấn công mục tiêu trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-bao-my-di-day-trong-cuoc-xung-dot-o-ukraine-post1315093.html