Tình biển, tình người Trường Sa (kỳ 1)

Trường Sa không chỉ mang trong mình tiềm năng kinh tế lớn với khoáng sản quý và thủy sản mà còn có vị trí chiến lược hết sức to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đất nước đổi mới bước vào kỷ nguyên vươn mình, quân và dân ở Trường Sa đoàn kết, vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng; vững vàng nơi đầu sóng, giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

Kỳ 1: Đảo thiêng nơi đầu sóng

Tôi có dịp đi trên tàu 561 chở đoàn công tác của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) và gần 50 phóng viên các cơ quan báo chí từ đất liền đến với quần đảo Trường Sa. Sau 2 đêm 1 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi có mặt ở Trường Sa, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng gọi là “mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió biển Đông”.

Cán bộ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thăm một hộ dân trên đảo thị trấn Trường Sa. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Cán bộ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thăm một hộ dân trên đảo thị trấn Trường Sa. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Cột mốc chủ quyền của dân tộc

Buổi sáng đầu tiên đặt chân lên đảo thị trấn Trường Sa, đoàn phóng viên các cơ quan báo chí mặc áo cờ đỏ sao vàng, cầm lá cờ Tổ quốc tung bay, chụp ảnh dưới cột mốc chủ quyền của dân tộc. Anh Nguyễn Tường Đại, phóng viên VTV9, quê ở huyện Phú Hòa, Phú Yên, chia sẻ: Vinh dự khi được có mặt ở Trường Sa, tôi càng yêu hơn, tự hào hơn về một quần đảo vững vàng nơi đầu sóng. Đến mảnh đất thiêng này, tôi trân trọng hơn những hy sinh của bao thế hệ đi trước đã cho chúng ta có một nền độc lập, hòa bình như hôm nay; càng thấy mình phải có ý thức trách nhiệm sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Không riêng anh Đại mà cả đoàn cán bộ, phóng viên khi đến thăm, tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa đều say sưa ngắm nhìn và chụp loạt ảnh ở cột mốc chủ quyền của dân tộc, như khắc ghi từng vĩ độ, kinh độ vào sâu thẳm tâm hồn người con đất Việt.

Đến với quần đảo Trường Sa linh thiêng không chỉ vững về phòng thủ, mà còn ấm áp về lối sống, đoàn kết quân dân, đẹp về cảnh quan môi trường, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chiến sĩ Nguyễn Trọng Tiến, công tác tại đảo thị trấn Trường Sa, quê ở xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) chia sẻ: Bản thân tôi tự hào hơn khi được trở thành lính đảo. Ðó còn là nguồn động lực, tiếp thêm quyết tâm để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Ngắm nhìn những hàng tre, bàng vuông xanh ngát như nối vòng tay lớn từ đất mẹ vươn ra che bóng mát cho mọi người trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi được thượng tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa, cho biết: Trường Sa là phần máu thịt của Tổ quốc nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Lữ đoàn 146 chỉ đạo các đảo, điểm đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Để làm được điều này, mỗi cán bộ, chiến sĩ của thị trấn Trường Sa luôn đoàn kết, tác phong quân đội, tăng cường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, đơn vị luôn gắn bó sắt son với bà con nhân dân trên đảo, là điểm tựa để mỗi ngư dân bám biển.

Chiến sĩ tuần tra canh gác trên đảo. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Chiến sĩ tuần tra canh gác trên đảo. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Pháo đài vững chắc giữa biển khơi

Từ đảo thị trấn Trường Sa, chúng tôi tiếp tục đến các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác Lữ đoàn 146 ghi nhận các đảo, điểm đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, trở thành những pháo đài sừng sững giữa biển khơi, chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Chính trị viên đảo Đá Tây B, trung tá Nguyễn Trung Hiếu cho hay: Chúng tôi luôn duy trì nghiêm công tác huấn luyện và chế độ trực sẵn sàng chiến đấu tuần tra canh gác bảo vệ an toàn mục tiêu, nhất là vào ban đêm, thời tiết xấu. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá mới đây của Lữ đoàn 146, đơn vị đạt huấn luyện loại khá giỏi. Các cán bộ, chiến sĩ đều vững vàng ý chí, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng đảo ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các đảo, điểm đảo là pháo đài vững chắc giữa biển khơi, sát cánh cùng với ngư dân ngày đêm bám biển.

Lữ đoàn 146 còn được gọi Lữ đoàn Trường Sa, được thành lập ngày 8/5/1978. Đầu năm 2025, đơn vị vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Theo đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, danh hiệu này không chỉ là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành cho, mà còn là sự ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vinh dự khi được có mặt ở Trường Sa, tôi càng yêu hơn, tự hào hơn về một quần đảo vững vàng nơi đầu sóng. Đến mảnh đất thiêng này, tôi trân trọng hơn những hy sinh của bao thế hệ đi trước đã cho chúng ta có một nền độc lập, hòa bình như hôm nay; càng thấy mình phải có ý thức trách nhiệm sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Anh Nguyễn Tường Đại, phóng viên VTV9, quê huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên

Ngay sau khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới, ngày 26/10/1975, Vùng 4 Duyên hải được thành lập - nay là Vùng 4 Hải quân. Vùng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển rộng trên 360.000km2, từ Cù Lao Xanh (Bình Định) đến Mũi Ba Kiệm (Bình Thuận), bao gồm quần đảo Trường Sa - nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, QP-AN của đất nước.

Thực hiện phương châm “Cứu giúp Nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim người lính”; mỗi cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo: “Khi dân cần, khi dân khó có bộ đội hải quân”. Vùng 4 Hải quân luôn coi nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là trách nhiệm thiêng liêng và cao cả.

Chỉ tính trong 10 năm gần đây, Vùng 4 Hải quân đã thực hiện hơn 650 lượt tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu, điều trị trên 6.000 lượt ngư dân; cứu kéo hơn 200 lượt tàu cá bị nạn về nơi an toàn. Mỗi đảo, điểm đảo, mỗi con tàu của Vùng 4 Hải quân thực sự là điểm tựa và niềm tin vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Hữu Minh cho biết: Tự hào về chặng đường đã qua, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân hôm nay nguyện tiếp bước cha anh; trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, đoàn kết một lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trao tặng ngày 7/1/2025.

Kỳ 2: Ngôi nhà chung của ngư dân

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/phong-su-ky-su/202505/tinh-bien-tinh-nguoi-truong-sa-ky-1-0844ea4/