Tình cảm của Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tình cảm đó thể hiện qua việc Người luôn nhấn mạnh về công tác đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam ra sức tuyên truyền xuyên tạc Chính phủ ta, thực hiện âm mưu chia rẽ các dân tộc Việt Nam. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Theo tinh thần của Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25-11-1945) của Đảng ta, Chính phủ ta đã tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam (3-12-1945). Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, trước kia, các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa. Người cũng đã hứa trước các đại biểu rằng, Chính phủ sẽ thực hiện quyền dân tộc bình đẳng và gắng sức giúp cho các DTTS về mọi mặt. Tiếp đó, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra trên cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó, có 34 đại biểu của đồng bào DTTS.
Thực dân Pháp càng mở rộng chiến tranh thì chúng càng thực hiện âm mưu thâm độc để chia rẽ các dân tộc Việt Nam. Để chống lại âm mưu đó, Đại hội các DTTS miền Nam với tinh thần đoàn kết để kháng chiến chống Pháp đã diễn ra tại Pleiku. Trong Thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam (19-4-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”(1).
Ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 tổ chức Bộ Nội vụ, trong đó có Nha DTTS (tiền thân của Ủy ban Dân tộc hiện nay) với chức năng, nhiệm vụ xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các DTTS trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam.
Hiến pháp năm 1946 cũng khẳng định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”, “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”.
Tiếp đó, sau Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ ta đã quay trở lại Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Lý do Việt Bắc được chọn làm Thủ đô Kháng chiến được nêu rõ trong Thư gửi đồng bào Việt Bắc nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (19-8-1947), rằng: “Tên Việt Bắc đã lừng lẫy khắp cả nước, khắp thế giới. Có sự vẻ vang đó là vì toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo..., ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng”.
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955), sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào DTTS đã thu được những thành tựu to lớn. Trong Thư gửi Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du (11-4-1964), Người đã đánh giá: “Từ khi hòa bình lập lại đến nay, miền núi và trung du đã có nhiều tiến bộ lớn. Về chính trị thì các dân tộc đều bình đẳng, dân chủ, đoàn kết. Về văn hóa, xã hội thì nhiều người đã biết chữ, nhiều trường tiểu học, trung học lần lượt mọc lên. Công việc vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh càng ngày càng khá, các thói quen cũ lạc hậu đã được bỏ bớt dần. Về kinh tế thì miền núi và trung du đã có hơn 70% nông hộ vào hợp tác xã nông nghiệp. Đồng bào đã được no ấm hơn, nhà ở nhiều nơi đã làm mới sạch sẽ, gọn gàng hơn”.
Dành một tình cảm đặc biệt đối với đồng bào DTTS, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(2). Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Kan Lịch (người Pa Cô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), người có vinh dự 7 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Mỗi lần tôi được gặp Bác là một kỷ niệm lớn khi được Bác ân cần thăm hỏi, động viên, dặn dò nhiều điều để hoạt động cách mạng được tốt hơn”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ ta đã xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh. Đồng bào các DTTS trên đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta cũng đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nguyễn Văn Toàn
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 249-250.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 612.